Hội nông dân tỉnh hà tĩnh

http://hoinongdanhatinh.vn


Giá phân bón tăng cao nhất 50 năm qua, Bộ NNPTNT kiến nghị kìm giá thế nào?

Theo Bộ NNPTNT, hiện mặt hàng phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng. Khi nằm trong nhóm không phải chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào nên phải tính vào chi phí, khiến giá thành tăng.
Nhiều nông dân trồng chè ở Thái Nguyên cũng chật vật khi giá phân bón tăng cao. Ảnh: Thu Hà

Nông dân "oằn mình" với gánh nặng phân bón

Ông Hà Văn Thái, nông dân ở Võ Nhai, Thái Nguyên cho biết, hơn 30 năm trồng chè, chưa bao giờ thấy buồn rầu vì giá phân bón liên tục mạnh như hiện nay. Để mua 1 bao phân NPK về bón cho cây chè, hiện gia đình ông phải bỏ ra 1-1,5 triệu đồng. Trong khi từ năm ngoái đến nay, giá chè rớt hơn một nửa, chỉ  còn khoảng 1.500 đồng/kg.

“Tính ra một bao phân bón hiện tương đương khoảng 1 tấn chè. Riêng tiền mua phân bón giờ đã ngốn hết tiền chè. Chưa kể, tiền thuê người thu hái, công chăm sóc. Với giá phân bón tăng chóng mặt như thế, chúng tôi lỗ nặng. Tình hình này kéo dài chắc tới đây gia đình không còn đủ sức chống đỡ nữa, bỏ vườn chè thôi”, ông Thái nói.

Cũng đang phải "oằn mình" chống đỡ cảnh giá phân bón tăng chóng mặt, ông Y Riu Uông ở buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk (Đắk Lắk) cho biết, gia đình ông trồng hơn 5.000 m2 ruộng lúa. Các năm trước giá phân bón từ 400.000 - 500.000 đồng/một bao 50kg, nhưng giờ đã tăng lên gấp đôi.

Tương tự, hàng năm để chăm sóc 1ha điều và hơn 2 sào cà phê, gia đình ông A Đôn, ở xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) chi phí khoảng 15 triệu đồng tiền phân bón các loại. Hiện giá phân bón tăng gấp đôi khiến chi phí đầu tư đội thêm rất nhiều. 

Ông A Đôn cho biết, những người mua phân bón trả tiền ngay còn đỡ, đối với những gia đình khó khăn phải mua nợ của đại lý, đến cuối vụ thanh toán bằng nông sản thì còn “thiệt đơn, thiệt kép”.

“Giá phân bón tăng cao quá, bà con coi như làm không công. Như nhà tôi, có đất làm rồi nhưng phân bón giá cả như vậy mà vẫn phải vay, một năm vay tiền lãi nhiều lắm. Ví dụ, tôi vay của đại lý một bao phân bây giờ tính giá 1 triệu đồng lãi trong 1 năm là 400.000 đồng. Các đại lý phân bón cho vay, họ đầu tư, cuối năm lấy cà phê mình bán lại cho họ, rồi còn bao nhiêu thì họ trả gia đình, làm bao nhiêu phải trả nợ hết” - ông A Đôn chia sẻ.

2

Trước việc giá phân bón tăng phi mã trong thời gian qua, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế). Ảnh: IT

Bộ NNPTNT kiến nghị kìm giá phân bón thế nào?

Trước việc giá phân bón tăng phi mã trong thời gian qua, để kìm giá phân bón, hạn chế thiệt hại cho nông dân, vừa qua Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế).

Trong đó, bổ sung mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý, để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm như hiện nay.

Bộ NNPTNT cũng đề nghị nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón urê, DAP, MAP và phối hợp với các bộ, ngành có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với phân urê, DAP, MAP để đảm bảo nguồn cung trong nước trong tình hình nguồn cung phân bón khan hiếm như hiện nay.

Theo Bộ NNPTNT, hiện phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng. 

Điều này đang gây nhiều bức xúc đối với nông dân và cả doanh nghiệp, bởi khi nằm trong nhóm không phải chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào nên phải tính vào chi phí, khiến giá thành tăng.
"Khi giá thành tăng cao, doanh nghiệp khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, người nông dân sẽ phải mua hàng với giá cao", Bộ NNPTNT nêu trong kiến nghị.
Doanh nghiệp phân bón thu lợi chưa từng có nhờ giá phân bón tăng phi mã
Giá phân bón liên tục tăng cao đã giúp các doanh nghiệp phân bón thu được lợi nhuận chưa từng có. Chỉ trong một quý, không ít doanh nghiệp lãi gấp cả chục lần so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí vượt mục tiêu lợi nhuận của cả năm.
Đối nghịch với hoàn cảnh của người dân đang phải "oằn mình" khi phải mua phân bón với giá "trên trời" thì các doanh nghiệp phân bón lại có bức tranh kinh doanh rất tươi sáng.
Theo đó, trong quý 1/2022, sản lượng Urê và gốc Urê tiêu thụ của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Càu Mau) đạt 257,2 nghìn tấn (cộng với tồn kho) giúp doanh thu bán Urê của doanh nghiệp này đạt 3.700 tỷ đồng. Doanh thu Urê bán ở trong nước đạt 1.574 tỷ đồng, còn giá trị xuất khẩu đạt tới 2.100 tỷ đồng.
Ngoài ra, Đạm Cà Mau tiêu thụ gần 11,5 nghìn tấn phân NPK, giúp doanh thu thuần công ty đạt khoảng 4.075 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau đạt 1.518 tỷ đồng (gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái), mức cao nhất trong một quý từ trước đến nay của công ty.
Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trong trong quý 1 cũng đạt doanh thu khoảng 1.590 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ thị trường nội địa đạt 1.475 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 114,6 tỷ đồng. Lợi nhuận của công ty đạt 176,5 tỷ đồng (tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái).
Đáng chú ý nhất, phải kể đến Tổng Công ty phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ), trong quý 1, doanh thu bán hàng đạt 5.884 tỷ đồng (gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, doanh thu bán hàng trong nước đạt 5.248,7 tỷ đồng (tăng gấp 3,07 lần so với cùng kỳ). Doanh thu sản phẩm nhập khẩu đạt 636 tỷ đồng (gấp 2,4 lần).

Nguồn tin: danviet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây