Hội nông dân tỉnh hà tĩnh

http://hoinongdanhatinh.vn


Sau “rét nàng Bân”, lúa xuân Hà Tĩnh lại lo sâu bệnh tấn công

Đợt mưa kéo dài trong nhiều ngày qua đã cung cấp cho đồng ruộng lượng nước đáng kể giúp lúa xuân Hà Tĩnh bước vào giai đoạn làm đòng thuận lợi. Dù vậy, nhiệt độ thấp, ẩm ướt cũng là điều kiện để các loại sâu bệnh tiếp tục bùng phát.
Bà con nông dân huyện Cẩm Xuyên bón thúc đạm cho lúa làm đòng thuận lợi

Sau những ngày “rét nàng Bân”, thời tiết đang dần ổn định hơn, trời quang và có nắng. Đây là thời điểm lý tưởng để bà con nông dân xuống đồng bón thúc cho đợt làm đòng sắp tới của lúa xuân.

Bà Trần Thị Lân, xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) cho biết: “Đợt mưa vừa rồi đã cung cấp lượng nước cần thiết cho đồng ruộng, đồng thời, thời điểm này những diện tích bị bệnh đạo ôn lá cũng đã phục hồi, ra lá non mới. Vì thế, tôi tranh thủ bón thúc đạm, cung cấp dinh dưỡng để lúa làm đòng thuận lợi. Tuy nhiên, sau mưa, đồng ruộng cùng một lúc xuất hiện nhiều loại sâu bệnh: bệnh khô đầu lá, khô vằn… Chắc ít hôm nữa, tôi phải tiếp tục phun phòng thuốc bảo vệ thực vật trước khi lúa trổ bông”.

20

Đây là giai đoạn lúa cần đủ nước để bước vào kỳ sinh trưởng quan trọng.

Tại Nghi Xuân, theo điều tra của ngành chuyên môn huyện, khoảng 3 - 5 ngày nữa, trà lúa xuân đầu tiên sẽ bước vào giai đoạn trổ bông. Thời điểm này, một số diện tích tại các xã Đan Trường, Xuân Hội đã xuất hiện bệnh đạo ôn trên cổ lá, nếu không phòng trừ kịp thời, bệnh khả năng sẽ lan rộng trong giai đoạn trổ bông sắp tới.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân Lê Anh Đức cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHKT& Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện điều tra, rà soát tình hình phát sinh của dịch bệnh. Hiện nay, tỷ lệ gây bệnh đạo ôn trên cổ lá chỉ mới xuất hiện rải rác, tập trung ở những địa phương đã từng bị nhiễm bệnh đạo ôn trên lá ở giai đoạn trước và gây hại trên một số giống nhiễm như: XT28, VNR20, Xi23”.

Cũng theo ông Đức, qua theo dõi nhiều năm, đồng thời dự báo sớm tình hình sâu bệnh tại địa phương, Phòng NN&PTNT đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện và các địa phương triển khai tập huấn đầu bờ tại 17 điểm/17 xã, thị trấn để hướng dẫn bà con chủ động với diễn biến sâu bệnh, phun phòng trừ theo đúng khuyến cáo và trình kỹ thuật. Nhờ vậy, sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn được kiểm soát khá tốt. Ở giai đoạn sinh trưởng lá, toàn huyện chỉ có 41 ha bị nhiễm bệnh đạo ôn, làm giảm nguy cơ “tái xuất” của bệnh trên giai đoạn trổ bông.

21

Huyện Nghi Xuân đã tổ chức các đợt tập huấn đầu bờ, hướng dẫn bà con nông dân phun phòng trừ bệnh đạo ôn kịp thời, chủ động ở các giai đoạn quan trọng.

Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, đến thời điểm này bệnh đạo ôn lá đã giảm hẳn về diện tích và gần như không còn diễn biến lây lan. Dù vậy, trong những ngày từ 1- 5/4, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh với cường độ mạnh, toàn tỉnh đã có mưa vừa đến mưa to kèm theo nhiệt độ giảm sâu, lúc thấp nhất chỉ còn 14 – 17 độ C đã khiến cho tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp.

22

Cán bộ Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh kiểm tra tình hình phát sinh sâu bệnh tại huyện Kỳ Anh

Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: “Sau mưa, bệnh khô vằn bắt đầu phát tán các bào tử nấm và có chiều hướng lây lan trên diện rộng. Trong khi đó, thời tiết này cũng khiến loài dịch hại nguy hiểm là rầy nâu, rầy lưng trắng tích lũy số lượng và gây hại từ thời điểm lúa ở giai đoạn đòng già (10/4) trở đi; bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh trên cổ lá, cổ bông. Tuy hiện nay, các loại sâu bệnh còn xuất hiện rải rác, mức độ gây hại thấp song dự báo thời gian tới sẽ hết sức phức tạp nếu bà con nông dân không chủ động phòng trừ ngay từ thời điểm này”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh khuyến cáo, từ thời điểm này, các địa phương và bà con nông dân cần theo dõi sát tình hình sinh trưởng, tiến độ trổ của các trà lúa xuân để có giải pháp phòng trừ các loại sâu bệnh phù hợp. Đối với bệnh đạo ôn, khi lúa trổ bông từ 3 - 5% thì tiến hành phun phòng để hạn chế phát sinh gây hại của bệnh. Đối với bệnh khô vằn, cần chú ý phun phòng trừ sớm, nhất là ở các ruộng sâu trũng, ngập nước. Tiếp tục theo dõi tình hình phát sinh của rầy nâu, rầy lưng trắng để khoanh vùng, xử lý trong diện hẹp.

Vụ xuân 2022, Hà Tĩnh sản xuất hơn 59.100 ha lúa, hiện đang trong giai đoạn làm đòng - trổ bông. Theo dự kiến, từ 15/4 sẽ có khoảng 4.000 ha lúa trổ bông và đạt khoảng 50% (gần 30.000 ha) từ ngày 15 - 25/4. Đỉnh trổ tập trung từ ngày 22 - 25/4.

Nguồn tin: baohatinh.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây