Tham gia đoàn có 68 đại biểu, bao gồm: Đại diện BQL Dự án tỉnh; đại diện lãnh đạo Hội Nông dân huyện Thạch Hà và huyện Đức Thọ; đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương, Ban Thường vụ Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông, các hộ gia đình nòng cốt tham gia dự án tại 02 xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) và Lâm Trung Thủy (Đức Thọ). Đoàn đã đi thăm, làm việc tại Hợp tác xã Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) và thăm mô hình trình diễn của dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường” tại Việt Nam triển khai tại tỉnh Quảng Bình.
Tại Hợp tác xã (HTX) Mỹ Lộc Thượng, đoàn đã được ông Võ Văn Thắng – Giám đốc Hợp tác xã chia sẽ quá trình áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm từ năm 2011 đến nay trên toàn bộ diện tích sản xuất lúa của HTX. Khi áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, HTX đã giảm được 50% giống; 25-30% lượng nước tưới; hạn chế tối đa phân hóa học và thuốc BVTV; giảm 20% chi phí nhân công chăm sóc; lợi nhuận tăng 25-30% so với phương pháp truyền thống trước đây. Để giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm, HTX đã xây dựng thương hiệu “Gạo Lệ Thủy” và được Cục sở hữu trí tuệ công nhận (tháng 5/2018). Điều này đã góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm gạo của HTX. Đoàn đã được BQL HTX chia sẽ những bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển sản xuất áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Tại các mô hình trình diễn của dự án lúa do Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình triển khai, hai bên đã chia sẽ, trao đổi, thảo luận các nội dung, kinh nghiệm thực tế trong quá trình triển khai dự án tại địa phương. Hai đã bên bổ sung cho nhau các vấn đề liên quan trong quá trình triển khai các chương trình dự án. Các thành viên của 2 đoàn đều có những nhận định chung về lợi ích trước mắt của các mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường như: giảm được giống, giảm phân bón hóa học, giảm sâu bệnh, cây lúa khỏe hơn, …
Sau 01 ngày tham quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Quảng Bình, đoàn tham quan đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm như: lợi ích của việc áp dụng canh tác lúa cải tiến (SRI), canh tác lúa thân thiện với môi trường về hiệu quả kinh tế và môi trường; những kinh nghiệm trong quá trình phát triển sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm, … Đây là những kiến thức thực tế rất bổ ích để các thành viên đoàn tham quan về áp dụng vào thực tế trong quá trình triển khai dự án tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình dự án.