Hình ảnh hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của 20 hộ dân thuộc thôn Minh Đình và Mỹ Triều, đây là những hộ dân nòng cốt trong Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng biện pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam được triển khai trên địa bàn xã Tân Lâm Hương.
Các đại biểu đánh giá
Tại đây, các đại biểu đã được nghe báo cáo mô hình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trong thời gian qua. Theo đó, từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2023, Ban Quản lý Dự án lúa - Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của dự án nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về hiệu quả của biện pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường. Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật phục vụ sản xuất lúa đến tận người dân. Trong quá trình thực hiện, nông dân được hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật xử lý đất, kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ, kỹ thuật xử lý rơm rạ, quy trình bón phân,…
Đồng chí Trần Trung Thành - PCT Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại hội thảo
Mục tiêu của dự án là giảm lượng nước tưới và 20% lượng giống, tập trung vào 3 kỹ thuật chính: giảm phân hóa học, tưới ướt - khô xen kẽ và xử lý rơm rạ để nông dân áp dụng biện pháp sản xuất lúa theo hướng bền vững, góp phần giảm thiểu tác động đối với môi trường.
Phát biểu của hộ tham gia dự án
Qua theo dõi, đánh giá từ Ban quản lý Dự án, việc áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường có nhiều tính ưu việt hơn phương pháp canh tác truyền thống. Nhờ áp dụng kỹ thuật "xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng vi sinh", "Tưới ướt khô xen kẽ" nên cây lúa sinh trưởng phát triển tự nhiên, hạn chế chồi vô hiệu; hạn chế lá ủ ở giai đoạn sau, cây lúa được thông thoáng, ít bị sâu bệnh gây hại; giúp phát triển tốt bộ rễ, tránh đổ ngã ở giai đoạn sau; giảm được lượng giống từ 20-30%, ngoài ra còn giảm sử dụng phân bón, lượng nước nhờ sạ sưa, cây đẻ nhánh nhiều và rất đạt năng suất. Đặc biệt, phương pháp này hạn chế được lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên tạo ra nguồn gạo sạch, an toàn cho sức khỏe của người sử dụng. Nhiều hộ dân thực hiện dự án vô cùng phấn khởi vì đã đạt được kết quả ngoài mong đợi, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận sau canh tác, nhất là giảm được ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp.