Tại điểm cầu Hà Tĩnh có đồng chí Nguyễn Thị Mai Thủy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; cùng đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên Minh Hợp tác xã; cùng các đồng chí Thường trực, Trưởng, phó các Ban Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc, Phó Giám đốc, trưởng, phó các phòng Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Hợp tác xã Sơn Hàm.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo cho biết, đến hết năm 2022, các cấp Hội trong cả nước đã hỗ trợ thành lập được 19.976 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp/284.444 thành viên (trong đó có 1.638 THT được chứng thực hợp đồng hợp tác, chiếm 8,2%); tạo việc làm thường xuyên 267.689 người; doanh thu bình quân ước đạt 405,23 triệu đồng/THT/năm; lãi bình quân ước đạt 41,45 triệu đồng/THT/năm…
Riêng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2018 – 2023 các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền cho trên 1.687.000 lượt hội viên, nông dân, tập huấn cho 12.500 lượt thành viên của tổ hợp tác, hợp tác xã; hướng dẫn thành lập 77 hợp tác xã, 1.156 tổ hợp tác.
Tuy nhiên, công tác tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân Việt Nam thời gian qua còn một số hạn chế: HTX trong nông nghiệp chưa phát huy được vai trò có tính chất quyết định. Công tác hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ dành cho cán bộ HTX, THT nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; số lượng các HTX nông nghiệp do Hội hỗ trợ thành lập được chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn ít …
Đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thông tin: qua hội nghị, để các ngành và trực tiếp là Hội Nông dân các tỉnh/thành tham gia góp ý đối với toàn bộ Dự thảo Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”; sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm: quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án; trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án…
Mục tiêu của Đề án đặt ra: Từ năm 2023 đến năm 2025 hỗ trợ thành lập mới ít nhất 600 HTX nông nghiệp (năm 2030: 1.600 HTX), tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 15.000 thành viên và lao động (năm 2030: 40.000 lao động) thường xuyên là hội viên, nông dân trong HTX; hỗ trợ thành lập mới ít nhất 4.000 THT trong lĩnh vực nông nghiệp (năm 2030: 8.000 THT), tạo thêm 40.000 việc làm (năm 2030: 80.000 việc làm) thời vụ cho hội viên, nông dân; thông qua hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể nông nghiệp, có ít nhất 50.000 thành viên (năm 2030: 150.000 thành viên) là hội viên, nông dân được đáp ứng nhu cầu hợp tác, nâng cao trình độ và kỹ năng nghề từ trình độ sơ cấp trở lên. 100% HTX nông nghiệp do Hội hỗ trợ thành lập, hoạt động theo quy định của Luật HTX; mỗi năm tăng 5% số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. 100% cán bộ Hội các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên ngành…
Phát biểu tại điểm cầu Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Thị Mai Thủy – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh bày tỏ sự đồng tình cao Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng Đề án. Đồng thời bổ sung thêm một số ý kiến: Kéo dài thời gian thực hiện Đề án; phần bố cục cần bổ sung thêm nguyên nhân kết quả đạt được và tồn tại hạn chế; căn cứ cần bổ sung thêm cơ sở thực tiễn; bổ sung xu hướng phát triển các loại hình kinh tế tập thể trong tương lai, vai trò Hội Nông dân tham gia; bổ sung phần kế hoạch về kinh phí thực hiện. Ngoài 8 giải pháp đã nêu, cần bổ sung giải pháp nâng cao chất lượng giá trị nông sản. Đồng chí bày tỏ băn khoăn nguồn lực để thực hiện Đề án….
Qua hội thảo lần này, Ban soạn thảo Đề án sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các địa phương và các bộ, ngành có liên quan để hoàn chỉnh Đề án, kịp thời thông qua Thủ tướng Chính phủ sớm nhất.