Hội Nông dân xã Cổ Đảm xây dựng mô hình trồng sâm bố chính
Thứ sáu - 21/02/2025 04:55
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các vùng đất sản xuất các loại cây truyền thống kém hiệu quả, trên vùng đất cát bạc màu của xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân; Hội Nông dân xã đã chủ động tuyên truyền, vận động hội viên nông dân mạnh dạn phối hợp xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính
Hội Nông dân xã Cổ Đạm đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên nông dân được đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trong tỉnh và ngoài tỉnh, cụ thể là các mô trồng hình trồng sâm bố chính ở xã Thạch Khê, thành phố Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi tham quan học hỏi, hội viên nông dân đã mạnh dạn thử nghiệm trồng cây sâm bố chính tại địa phương, đặc biệt các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội Nông dân tiên phong làm thí điểm.

Sâm Bố Chính là một loại cây mới được trồng thử nghiệm lần đầu trên địa bàn xã, trong quá trình triển khai được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật, quy trình phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Đất trồng được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, rải vôi đều khắp mặt với tỉ lệ 30kg/sào. Sau đó bón lót cho mỗi sào 600kg phân chuồng hoai mục và 20kg phân lân trước khi gieo. Xác định trồng với mật độ thưa để phòng trừ sâu bệnh, nên lên luống rộng 1,2m cao khoảng 40cm phủ nilon để tránh xói mòn, trôi dinh dưỡng, phòng cỏ dại và trồng hàng đơn trên luống. Khoảng cách cây cách cây 40 - 45cm, tương đương với mật độ 1200 cây/sào. Hạt giống phơi trong 1 – 2 giờ, sau đó ngâm nước ấm (2 sôi 3 lạnh) 1 – 2 giờ, vớt lên để ráo nước và đem đi ủ nóng khoảng 2 – 3 ngày, khi thấy hạt giống nứt vỏ bắt đầu nảy mầm thì tiến hành gieo.

Khi bắt đầu tiến hành trồng vụ xuân năm 2025, với diện tích trồng thử nghiệm ban đầu 1ha, Hội Nông dân xã đã huy động lực lượng hội viên hỗ trợ, làm luống trồng, lắp hệ thống tưới tiêu và gieo hạt.
Đây là mô hình của Hội Nông dân xã với sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân trong quá trình hội nhập phát triển hiện nay tại địa phương.
Tác giả bài viết: HND xã Cổ Đạm