Nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do tác hại của rác thải thuốc bảo vệ thực vật, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân các biện pháp thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật bỏ vào đúng nơi quy định; Hội trực tiếp khảo sát các tuyến đường nội đồng, các điểm thuận lợi để lắp đặt thùng xi măng chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật phù hợp từ nguồn hỗ trợ của Hội, cũng như vận động từ các chi hội. Thời gian này, Hội đã lắp đặt được 6 thùng bê tông xi măng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng thôn Lâm Đồng, Lâm Khê, Lâm Phúc và Lâm Giang. Các điểm này đều được đặt ở vị trí thuận tiện đường giao thông, xa nguồn nước, xa khu dân cư, phân bố hợp lý, thuận lợi cho người dân, không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Có thể thấy, việc xây dựng thùng thu gom bao bì, chai, lọ thuốc BVTV tại xã bước đầu đã phát huy hiệu quả khá tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường. Toàn bộ lượng vỏ chai, bao bì này sẽ được các chi hội thu gom, vận chuyển qua HTX môi trường xử lý theo quy định. Từ khi triển khai việc xây dựng mô hình “Cánh đồng không rác”, tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã giảm đáng kể, hạn chế tình trạng người dân vứt bừa bãi các loại vỏ thuốc BVTV ngoài đồng ruộng.
Ông Ngô Đức Thống – Chi hội trưởng thôn Lâm Giang cho biết: “Trước đây, do thói quen, sau khi phun thuốc BVTV xong, phần lớn người dân bỏ bao bì, chai lọ ngay tại ruộng hoặc gần mương tưới tiêu. Từ khi Hội Nông dân xã có chủ trương xây dựng và lắp đặt thùng chứa bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng, chúng tôi đã tuyên truyền nâng cao ý thức, hình thành thói quen cho hội viên bỏ vỏ thuốc BVTV sau sử dụng vào đúng nơi quy định, góp phần giữ sạch môi trường trên đồng ruộng”.
Từ những kết quả đạt được trong việc triển khai mô hình, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn an toàn đồng ruộng, thay đổi thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo đảm kiểm soát vỏ bao bì thuốc sau sử dụng ra môi trường. Tổ chức thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật từ các bể chứa theo quy định; xây dựng thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng tại các thôn có hố thu gom, nhất là các thôn có vùng sản xuất lúa diện tích lớn góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững và hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.