Trở về trên quê hương xã Hương Thủy, nơi thường bị ảnh hưởng nặng nề của các cơn lũ hàng năm, ông làm nhiều công việc làm khác nhau, từ sản xuất đến kinh doanh, nhưng cuộc sống gia đình vẫn không khá lên được. Với ý chí và quyết tâm vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, sau một thời gian tìm tòi, suy nghĩ và nghiên cứu, ông nhận thấy cây hương bài là loại cây mọc nhiều trong tự nhiên, là nguồn nguyên liệu sẵn có, phù hợp để phát triển nghề sản xuất hương bài thảo mộc. Hương Thủy có tiềm năng, lợi thế để trồng cây hương bài, nếu thành công, sẽ giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Được sự hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ tận tình của Hội Nông dân xã Hương Thủy, tháng 4 năm 2014 ông đã vận động được 7 người dân tại địa phương thành lập Hợp tác xã Sản xuất hương Giáp Thủy, và ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc.
Thời gian đầu mới thành lập, Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn, do thiếu vốn, cơ sở vật chất, thiết bị; cùng với đó, các thành viên của hợp tác xã chưa ai từng làm hương, nên chưa có kinh nghiệm... Trước những khó khăn đó, ông đã vận động các thành viên hợp tác xã tin tưởng vào tương lai, góp thêm vốn mua máy móc và thu mua cây hương bài cho bà con nông dân để phục vụ sản xuất. Sau một thời gian hoạt động, sản phẩm của hợp tác xã được sản xuất bằng nguyên liệu tự nhiên có hương thơm tốt, cháy đều, nên được thị trường ưa chuộng. Từ đó số lượng khách đặt hàng và sản lượng tăng dần lên; nhu cầu sử dụng nguyên liệu (là cây hương bài) ngày càng nhiều, nên ông đã vận động các hộ dân đưa cây hương bài về trồng, thay thế những cây trồng khác kém hiệu quả, và trồng xen canh với các loại cây trồng khác, nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất sản xuất. Để nông dân yên tâm trồng cây hương bài, với tư cách là Giám đốc Hợp tác xã, ông đã ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm. Ông cho biết, cây hương bài dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại địa phương, mang lại nguồn thu ổn định, nên bà con nông dân rất phấn khởi.
Hiện nay sản lượng hương của Hợp tác xã đạt 240.000 thẻ/năm và 120.000 hộp/năm, doanh thu đạt 2,3 - 2,5 tỷ đồng/năm, mang lại lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm. Hợp tác xã đã xây dựng thương hiệu sản phẩm Hương bài Giáp Thủy. Sản phẩm được sản xuất bằng 100% thảo mộc tự nhiên, không dùng phẩm màu, không dùng hóa chất, nên được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Hiện tại đã có mặt tại các tỉnh, thành phố như: Hà
Khu nuôi bò nhốt của Hợp tác xã
Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa thiên – Huế và các tỉnh Tây Nguyên. Năm 2020, sản phẩm đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Sản phẩm Hương bài Giáp Thủy đã được xây dựng logo, mã vạch và được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu GT Hương bài thảo mộc.
Ngoài sản xuất hương nhang, Hợp tác xã còn làm dịch vụ tang lễ, vệ sinh môi trường. Năm 2020, các thành viên của hợp tác xã đã tích tụ được 3 ha đất để trồng ngô sinh khối và một số hoa màu khác. Đầu năm 2022, Hợp tác xã tiếp tục đầu tư xây dựng nhà quản lý, lắp đặt hệ thống giám sát, lắp đặt hệ thống điện vào vùng sản xuất ngô, mua thêm 20 con bò áp dụng trồng ngô ủ chua để chăn nuôi. Theo kế hoạch, cuối năm 2022, hợp tác xã sẽ trồng thêm 200 gốc bưởi Phúc Trạch, 200 gốc ổi Đài Loan và 100 cây trồng ăn quả khác theo mô hình nông nghiệp hữu cơ.
Hiện tại, Hợp tác xã tạo việc làm cho 13 lao động thường xuyên, 15 lao động thời vụ; đa số lao động là những hội viên, nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với mức thu nhập từ 6-10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cón góp phần tạo việc làm, nâng mức thu nhập cho hàng chục hộ dân trồng và vào rừng thu hoạch cây hương bài tại huyện nhà. Bên cạnh các khoản chi trả cho các thành viên và người lao động, thời gian qua Hợp tác xã đã trích nguồn tích lũy đầu tư mua thêm máy móc, xây dựng 300 m2 nhà xưởng sản xuất, mua 2 ôtô tải vận chuyển hàng hóa. Hợp tác xã của ông tích cực đóng góp vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cũng như công tác an sinh xã hội tại địa phương (với số tiền ít nhất 20 triệu đồng/năm).