Mô hình chăn nuôi tổng hợp - hướng đi bền vững của hội viên nông dân xã Liên Minh, huyện Đức Thọ
Thứ hai - 05/08/2024 06:34
Trong những năm qua, phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi tổng hợp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Sự phát triển của mô hình này đã góp phần thay đổi phương pháp chăn nuôi, giúp hội viên nông dân phát huy và sử dụng có hiệu quả diện tích đất đai của mình, tạo việc làm, tăng thu nhập, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
Điển hình trong việc phát triển kinh tế chăn nuôi tổng hợp là gia đình ông Nguyễn Ngọc Tình sinh năm 1952 tại thôn Yên Mỹ, xã Liên Minh, huyện Đức Thọ. Gia đình ông sinh sống ở thôn Yên Mỹ gần bờ sông La, là vùng đất thấp trũng, hàng năm vẫn bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt; với tổng diện tích đất ở và đất vườn 1.700m2. Ông Tình là người rất chất phác, siêng năng, cần cù; từ năm 2017 đã được Hội Nông dân xã hướng dẫn, tư vấn áp dụng khoa học kỹ thuật đưa các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế vào chỉnh trang vườn hộ và tiến tới xây dựng vườn mẫu đạt chuẩn năm 2018. Bên cạnh đó ông bắt tay vào công việc chăn nuôi lợn và hươu, bước đầu ông nuôi 3 cặp hươu lấy nhung và 10 con lợn nái. Qua vụ nuôi đầu tiên tuy hiệu quả kinh tế mang lại ổn định, nhưng ông không dừng lại ở đó, với bản tính chịu khó tìm tòi, học hỏi, đến năm 2019 ông Tình tiếp tục đầu tư chuồng trại và đầu tư chăn nuôi theo quy trình khép kín. Hiện nay trong mô hình của ông đang nuôi 8 cặp hươu lấy nhung, khi hươu từ 3 - 6 năm tuổi là “thời điểm vàng” để khai thác nhung. Tùy thể trạng và cách chăm sóc, có con cho nhung đến 18 năm, cứ mỗi 2 năm sẽ thu hoạch nhung 3 lần, mỗi lần trung bình 600 - 800g. Với giá thị trường hiện tại khoảng 15 triệu đồng/kg thì sau 2 năm, người nuôi có thể thu hồi vốn. Trong vòng đời, mỗi con hươu cái sinh từ 12 - 15 con. Trong quá trình nuôi, ông Tình cho hươu nghe nhạc thiền, nhạc không lời, điều này nhằm giúp hươu bớt hiếu động, giảm tập tính hoang dã và chất lượng nhung tốt hơn.Không chỉ dừng lại ở tăng trưởng đàn hươu lấy nhung mà gia đình ông còn tập trung phát triển đàn lợn, hiện nay có 6 con lợn thịt, 8 con lợn nái ngoại, một con đẻ 2 lứa/ năm. Tính ra mỗi năm ông Tình xuất bán khoảng 80 con lợn thịt. Để mô hình được liên hoàn và đa dạng về con nuôi, ngoài việc nuôi lợn sinh sản, ông còn tận dụng các nguồn phụ phẩm của nông nghiệp tại địa phương để chăn nuôi 200 con gà; 20 đôi chim bồ câu pháp.Ông Tình cho biết thêm:“Trước đó tôi đã làm cán bộ xã, vợ làm sản xuất nông nghiệp nhưng kinh tế lo con cái ăn học không đủ, sau đó lại chuyển qua kinh doanh nhưng kinh tế vẫn không phát triển. Cho đến khi được cấp ủy, chính quyền đặc biệt là Hội Nông dân xã tư vấn gia đình đủ điều kiện xây dựng vườn mẫu, phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp; là một người đam mê làm kinh tế, chăn nuôi, tôi quyết định chuyển nghề. Trong quá trình vừa làm vừa học hỏi, đầu tư xây dựng chuồng trại và tập trung vào chăn nuôi theo hướng chăn nuôi tổng hợp. Một năm tôi thu nhập từ lợn thương phẩm khoảng 50 - 60 triệu, từ lấy nhung hươu hàng năm khoảng 60 - 80 triệu, nuôi chim bồ câu, gà, vịt khoảng 20 - 30 triệu, vườn rau, cây ăn quả 15 - 25 triệu”. Như vậy, thu nhập một năm của ông Nguyễn Ngọc Tình từ mô hình tổng hợp từ chăn nuôi hươu, lợn, gà, chim bồ câu, thu hoạch từ vườn khoảng trên 150 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập không hề nhỏ mà nhiều hộ nông dân đang mong ước. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Tình là một điểm sáng trong việc làm kinh tế nông nghiệp. Mặc dù vậy, để mô hình tổng hợp của ông phát triển ổn định, tiến kịp với xu thế của thị trường thì việc cải tạo, nâng cấp chuồng trại, tạo cảnh quan đẹp là việc cần làm trong thời gian tới, từ đó sẽ nâng cao được hiệu quả hơn nữa trong chính mảnh đất của quê hương mình.