Triển vọng mô hình trồng hoa đào tại xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ
Thứ ba - 27/02/2024 20:44
Vào thời điểm năm 2020, sau khi thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại địa phương, hội nông dân xã Trường Sơ huyện Đức Thọ đã triển khai thực hiện tuyên truyền các hộ nông dân thôn Kim Mã thực hiện xóa bỏ vườn tạp, chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả cho giá trị kinh tế cao, thay thế các loại cây lâu năm, không còn mang lại hiệu quả kinh tế. Nhờ đó trong những năm gần đây nông dân thôn Kim Mã đã mạnh dạn đầu tư phát triển một số mô hình kinh tế mang lại giá trị kinh tế cao như mô hình trồng hoa đào, đang cho thấy một hướng đi đúng có hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người nông dân.
Cứ mỗi độ xuân sang, sắc hồng rực rỡ lại phủ khắp khu vực trồng đào trên ở thôn Kim Mã, khiến cho không khí tết trở nên rộn ràng, ấm áp. Với vẻ đẹp rất riêng là dáng cây thanh thoát, cánh hoa dày, phớt hồng, đã dần trở thành thương hiệu, nét đặc trưng của cây đào thôn Kim Mã.
Ông Trần Văn Sơn là hộ có nhiều kinh nghiệm trồng đào tết với diện tích hơn 3000m2, ông cho biết: nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây hoa đào, từ những năm 2018, một số hộ đã chịu khó học hỏi, đưa hoa đào về trồng thử nghiệm, rồi tự chiết, ghép, nhân ra diện rộng tại địa phương.
Những gốc đào lâu niên luôn được khách hàng lựa chọn để thuê chơi tết chứ không mua thẳng như những gốc đào từ 1 đến 2 năm tuổi, bởi giá thuê rẻ hơn so với giá mua từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Giá cây đào thân gốc to và đẹp cho thuê dao động từ 1 - 2 triệu đồng/gốc. Mặt khác, việc chăm sóc những gốc đào nhiều năm tuổi hết sức tỉ mỉ, đòi hỏi người trồng phải dầy dặn kinh nghiệm mới chăm sóc được. Chỉ cần chăm bón đúng quy trình thì cây đào sau 12 tháng trồng sẽ ra hoa và bán đúng dịp tết. Trồng đào không mất nhiều công chăm sóc. Với hàng trăm cây đào, chỉ cần 2 lao động chính và thuê người làm theo từng chu kỳ chăm sóc, cắt tỉa tạo tán, chuẩn bị cho thu hoạch lưu ý làm tốt kỹ thuật hãm cây để cây ra hoa đúng dịp tết là yếu tố quyết định đến giá trị kinh tế. Thời gian bán đào cũng ngắn, chỉ khoảng 20 ngày trước tết nguyên đán.
Ban đầu chỉ có một nông hộ tiên phong trồng đào tết là hộ ông Trần Văn Sơn, qua một số năm đầu nông dân nhận thấy mô hình đem lại hiệu quả kinh tế tốt thì đến nay các hộ đã cùng nhau đoàn kết, học hỏi, hỗ trợ nhau về kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, số hộ trồng đào có 10 hộ với tổng diện tích 1,8 ha. Ước tính, mỗi sào trồng đào tết cho lãi khoảng 20 - 30 triệu đồng/năm tùy theo từng năm, từng giống đào, to nhỏ cho giá trị kinh tế khác nhau, giá trị kinh tế cao hơn hàng chục lần so với trồng lúa. Không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, nghề trồng đào còn góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, hạn chế tình trạng đất bỏ hoang ở địa phương.
Đặc điểm của cây đào không khó trồng và chăm sóc, tuy nhiên để việc trồng đào đạt hiệu quả cao, việc đầu tiên là lựa chọn khu vực có chất đất và điều kiện tự nhiên phù hợp; bám sát diễn biến thời tiết, sau đó phải nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc, đúc rút kinh nghiệm cho từng loại giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây đào.
Nhờ sự công phu, tỉ mỉ, đào tết hầu như không năm nào bị bệnh mùa nở hoa. Trước kia, một số hộ dân chủ yếu trồng đào thế, đào cành thì những năm gần đây, nhiều nhà vườn đã chủ động tìm tòi, cải tiến kỹ thuật để tạo ra các dòng sản phẩm hoa đào mới, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng như giống đào phai và đào bích.
Trong những hộ trồng đào tết tại thôn Kim Mã nổi bật có một số hộ trồng với diện tích lớn và có hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Trần Văn Sơn – 3.000m2 vườn, chị Bùi Thị Lan – 1.500m2 vườn; ông Dương Thế Văn – 1.600m2 vườn; ông Thái Văn Hoài - 1.300m2 vườn; bà Đoàn Thị Nuôi – 2.200m2 vườn.
Tiếng lành đồn xa, cứ đến khoảng đầu tháng chạp (tháng 12 âm lịch) hằng năm, người dân, thương lái ở các địa phương lân cận lại tìm về để ngắm và mua đào cảnh. Cũng có nhiều người tới đây chỉ để tận hưởng không khí tết hay lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nhất để chào đón năm mới.
Những ngày cuối năm, nếu ghé thăm khu vực trồng đào ở thôn Kim Mã mới thấy sự công phu, tỉ mỉ, niềm say mê của những người nông dân với nghề mang lại niềm vui cho đời và góp phần tô thêm sắc xuân.
Có thể thấy mô hình trồng đào tết đã phát huy được hiệu quả về giá trị kinh tế, văn hóa, môi trường cần được nhân rộng và phát triển hơn nữa trong những năm tiếp theo, tuy nhiên hiện nay số hộ trồng còn thấp, chưa quy vùng trồng tập trung để áp dụng được đồng bộ tiến bộ KHKT vào sản xuất, một số hộ trồng trọt còn mang tính chất nhỏ lẻ.
Trong thời gian tới, hội nông dân xã làm tốt công tác động viên, tuyên truyền hội viên và nhân dân tích cực lao động sản xuất, dám nghĩ, giám làm có hiệu quả các mô hình kinh tế tốt để nhân rộng phát triển lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương, người dân làm giàu từ nông nghiệp, phát triển bền vững trên chính mảnh đất quê hương mình.