Hội nông dân tỉnh hà tĩnh

https://hoinongdanhatinh.vn


Những nông dân tiêu biểu làm theo lời dạy của Bác Hồ

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, dịch tả châu Phi trên đàn lợn, dịch viêm da nổi cục làm hàng chục ngàn con trâu bò bị nhiễm bệnh; diễn biến bất thường của thời tiết như mưa giông, lốc xoáy, lũ lụt… Đặc biệt từ đầu năm 2020 xuất hiện dịch Covid - 19, tiếp đến giá cả đầu vào cho sản xuất không ngừng tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của các cấp Hội Nông dân, nông dân Hà Tĩnh đã tranh thủ thuận lợi, khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội.
Mô hình trồng dưa lưới tại xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh

Tiêu biểu như gia đình ông Đàm Thọ xã Lộc Yên huyện Hương Khê. Năm 2001 tỉnh, huyện có chủ trương vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, gia đình ông đã chuyển đổi 5 ha đất trồng cây keo sang trồng các cây ăn quả như: cam chanh, cam bù, bưởi Phúc Trạch, cây gió trầm, nhờ đó thu nhập cao hơn. Năm 2012 gia đình ông đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn liên kết, quy mô 600/lứa lợn thịt siêu nạc. Mỗi năm ông xuất chuồng hai lứa, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm thu được 300 triệu từ chăn nuôi lợn. Từ thành công đó, năm 2014 gia đình ông đầu tư xây dựng thêm một khu chuồng thứ hai, quy mô 600 con/lứa… Từ năm 2020, gia đình ông thực hiện liên kết chăn nuôi lợn với Công ty Gondel, quy mô 1500 con/lứa, mỗi năm nuôi 2 lứa 2020, ngoài ra gia đình ông còn có 1,5 ha bưởi, 1 ha cam đã có quả, thường xuyên chăn nuôi 10 con bò 3B, hơn 50 con lợn rừng. Sau khi trừ chi phí, 2 năm gần đây, mỗi năm gia đình ông thu nhập 2 tỷ đồng. Năm 2015 ông đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Bà Chu Thị Hồng Hà, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, từ nuôi hươu gia đình bà đã mở rộng thêm sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ nhung hươu. Hiện nay gia đình bà nuôi 50 con hươu, xây dựng nhà xưởng sản xuất rượu và các sản phẩm khác từ nhung hươu, quy mô tiêu thụ 2 tấn nhung hươu/năm. Mấy năm gần đây doanh thu đạt 6 tỷ đồng/năm, lợi nhuận mỗi năm 2 tỷ đồng. Cơ sở chăn nuôi và chế biến của bà thường xuyên tạo việc làm cho 10 lao động. Năm 2021 bà được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Ông Trần Văn Ân, tổ dân phố Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, hiện đang có 5 ha hồ nuôi tôm, doanh thu đạt 10 tỷ đồng/năm, thu nhập đạt 2 tỷ/năm. Hồ nuôi tôm của gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Ghi nhận những đóng góp của gia đình ông đối với lĩnh vực phát triển kinh tế, lien tiếp 2 năm (2017 và 2018) ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Bà Phan Thị Hiền thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc huyện Can Lộc là người đi đầu của xã trong việc thực hiện chủ trương của tỉnh và của huyện về cải tạo vườn tạp. Hiện nay gia đình bà có 2,5 ha cây cam chanh đã cho quả, mấy năm gần đây bình quân mỗi năm bán được 35 – 40 tấn cam chanh, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Vừa làm, bà thường xuyên vận động bà con trong xóm trồng cam; đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ những hộ khó khăn về cây giống (do gia đình tự sản xuất), hướng dẫn kỹ thuật trồng, kinh nghiệm trồng chăm sóc, bón phân, phòng trừ bệnh cây cam cho các hộ. Đến nay tất cả 48 hộ xóm Lâm Nghiệp (nay đã sáp nhập vào xóm Anh Hùng) đều có vườn cam quy mô từ 1,5 - 2,5 ha/hộ. Hiện nay cam của gia đình bà và nhiều hộ trong xóm đã được cấp Giấy chứng nhận Sản phẩm quả cam phù hợp theo quy trình VietGAP. Năm 2017 bà đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2019 bà được vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc.
Trần Thị Việt Hà thôn Mỹ Hòa, xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên đã mạnh dạn đầu tư 1,6 tỷ đồng mua máy làm đất, máy bơm nước để trồng rau, củ, quả trên 10,5 ha đất cát hoang hóa bạc màu từ năm 2014. Sản xuất của gia đình bà tuân thủ quy trình kỹ thuật, chú trọng công tác tiêu úng trong mùa mưa lũ, hệ thống tưới theo công nghệ tưới phun mưa và hệ thống tưới nhỏ giọt, nên cho năng suất cao và đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh sản phẩm, đáp ứng được thị trường tiêu thụ. Từ chỗ sản xuất gia đình, nay đã thành lập Hợp tác xã Rau, củ, quả với 19 thành viên tham gia, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận hợp tác xã đạt 430 triệu đồng/năm. Năm 2015 bà đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen điển hình tiêu biểu; UBND huyện Cẩm Xuyên tặng Giấy khen Điển hình  trong phong trào thi đua yêu nước  giai đoạn 2015-2020.
Bang

Trang trại chăn nuôi của ông Lê Văn Bàng

Ông Lê Văn Bàng xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân từ năm 2004 về trước là một nông dân nghèo, gia tài không có gì, nhưng hiện nay gia đình có 3 chuồng nuôi lợn, quy mô 1.800 con/lứa, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa, 6 ha ao nuôi cá, sản lượng trên 25 tấn/năm; hơn 4.000 con vịt đẻ; 150 con gà đẻ; 1 lò ấp trứng. Tổng doanh thu hàng năm đạt trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận mấy năm gần đây đạt 1,6 tỷ đồng/năm. Trang trại của ông tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/năm. Năm 2015 ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2021 được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc, hiện nay đang được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba…  
Có thể thấy, nông dân Hà Tĩnh từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến trung du đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền để phát triển kinh tế. Họ đã biến những đồi núi trọc thành các vườn cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi, biến những vùng ao, trũng hoặc những bãi cát hoang ven biển thành các hồ nuôi trồng thủy sản, không chỉ làm giàu cho gia đình, tạo ra của cải, vật chất cho xã hội, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động. Những mô hình đó là điểm sáng để nhân rộng ra toàn tỉnh. Từ đó ngày càng hình thành nhiều chủ trang trại, gia trại, nhiều chủ doanh nghiệp, các làng nghề, các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất kinh doanh có hiệu quả; ngày càng có nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện nay toàn tỉnh có 205 hộ có thu nhập từ 01 tỷ đồng trở lên, 1.541 hộ thu nhập từ 500 triệu đến dưới 01 tỷ đồng; hàng năm có hơn 80.000 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đây thực sự là những nông dân tiêu biểu, ghi sâu lời căn dặn của Bác Hồ cách đây 65 năm, trong dịp Đoàn cán bộ của Hà Tĩnh ra Thái Bình học tập, nghiên cứu thâm canh lúa, trên đường về được vào gặp Bác Hồ (ngày 6/7/1966): “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”.

Tác giả bài viết: Minh Trí

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây