Giải pháp thích ứng khi giá phân bón vô cơ tăng cao
Thứ sáu - 29/04/2022 05:03
Phân bón cung cấp dinh dưỡng, chất hữu cơ, các vi sinh vật có lợi cho đất, cải tạo đất hiệu quả, tăng độ phì nhiêu của đất; là một yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng. Việc sử dụng phân bón một cách hợp lý giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Vụ Hè thu năm 2022, Hà Tĩnh đặt ra chỉ tiêu về diện tích sản xuất: lúa 45.413 ha, đậu 3.695 ha, ngô lấy hạt 1.649 ha, ngô sinh khối 510 ha, lạc 430 ha, khoai lang 644 ha, rau 2.615 ha, vừng 604 ha; vì vậy nhu cầu phân bón phục vụ sản xuất của bà con nông dân là khá lớn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là những tháng đầu năm 2022 giá phân bón tăng cao và tăng liên tục. Theo tổng hợp từ Tạp chí điện tử của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nửa đầu tháng 3/2022, giá phân bón (Urê, DAP, Kali) trong nước đã tăng thêm 300 - 700 đồng/kg (tùy loại) và đây là đợt tăng giá lần thứ 3 từ đầu năm. So với cuối năm 2021, giá phân bón đã tăng hơn 20% và hiện cao nhất từ trước tới nay. Theo các chuyên gia phân tích, thị trường phân bón Việt Nam là thị trường mở, đa số nguyên liệu để sản xuất phân bón NPK là phải nhập từ nước ngoài. Bên cạnh đó, giá phân bón được dự báo tăng do giá xăng dầu tăng; nguồn cung nguyên liệu hạn chế vì những nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc hạn chế nguồn xuất, do giá logictis tăng,… Căng thẳng Nga - Ukraine đã khiến giá phân bón trên thế giới lập đỉnh cao nhất trong vòng 50 năm khi tính theo USD, … Rabobank (một ngân hàng hàng đầu thế giới, tập trung vào lĩnh vực tài chính nông nghiệp và thực phẩm) dự đoán giá phân bón sẽ tiếp tục tăng 20% đến 40% trong quý 2/2022; và nguồn cung cấp các sản phẩm ra thị trường sẽ ngày càng khó khăn.
Để thích ứng với tình hình phân bón trên thị trường hiện nay, hạn chế tác động do giá phân phân bón tăng cao, các cấp Hội cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp như sau:
Trung tâm Hỗ trợ nông dân cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên)
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, định hướng, đưa ra khuyến cáo cho bà con nông dân chỉ sử dụng các loại phân bón tổng hợp NPK, phân đa yếu tố từ các doanh nghiệp, nhà cung ứng uy tín thương hiệu trên thị trường; bảo đảm phù hợp với từng giống lúa, chân ruộng, loại đất, thực hiện bón cân đối, tránh lạm dụng, nhất là phân đạm gây lãng phí, tăng chi phí đầu tư. Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân đơn (đạm, lân, kali) theo thói quen tập quán sản xuất địa phương.
Thứ hai, tư vấn cho bà con nông dân tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ (do các nhà máy sản xuất hoặc tự ủ tại gia đình) thay thế một phần phân hóa học để giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập và bảo đảm sản xuất phát triển bền vững. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình tự sản xuất, tái chế phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt, phế phẩm, phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp, ... đạt hiệu quả tốt. Cần phổ biến và nhân rộng phong trào, mô hình này để vừa tạo nguồn phân bón tại chỗ cho sản xuất nông nghiệp, vừa giảm tải cho công tác xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.
Thứ ba, thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường: giảm lượng giống, giảm phân bón hóa học, giảm thuốc trừ sâu, tưới ướt khô xen kẽ, xử lý rơm rạ sau thu hoạch, … để giảm chi phí sản xuất, đảm bảo năng suất cây trồng.
Thứ tư, đối với hoạt động cung ứng dịch vụ phân bón của Hội Nông dân cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, cập nhật kịp thời cho bà con nông dân diễn biến tình hình thị trường phân bón; các giải pháp trước mắt để phục vụ sản xuất; không để nông dân bỏ ruộng; tập trung khảo sát, tổng hợp số liệu, phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, các doanh nghiệp cung ứng phân bón càng sớm càng tốt cho bà con nông dân; nên cung ứng một lần cho cả mùa vụ để chủ động phục vụ sản xuất, tránh tăng giá hoặc khan hàng khi vào chính vụ. Hội nông dân các cấp phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và chính quyền các cấp tăng cường phối hợp nắm tình hình, kiểm tra, giám sát thị trường phân bón, không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi, ép giá và tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tới quyền lợi của người nông dân.