Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một phong trào lớn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân Hương Sơn đã tập trung triển khai quyết liệt, thực hiện phong trào gắn với các chương trình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phong trào đã phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa, lôi cuốn, khích lệ cán bộ, hội viên, nông dân trong toàn huyện tích cực tham gia. Hằng năm, huyện Hội phát động đăng ký từ đầu năm và bình xét cuối năm có trên 9.000 lượt hội viên, nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp.
Để phát triển phong trào huyện Hội đã tranh thủ tối đa sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp, sự phối hợp của chính quyền và các ban, ngành đoàn thể; bám sát các chủ trương, chính sách của hỗ trợ của tỉnh, huyện, địa phương để xây dựng, phát triển mô hình. Ngoài ra, thực hiện phong trào với những cách làm sáng tạo như: mỗi năm chọn một mô hình, lĩnh vực mới để hỗ trợ xây dựng và nhân rộng; tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm; tuyên truyền bằng hình ảnh tại các chi hội; tư vấn trực tiếp tại hộ; in và phát các tờ rơi hướng dẫn quy trình sản xuất, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh,... qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế hộ. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho nghị lực, niềm say mê lao động sáng tạo, nhiều mô hình có sức lan tỏa, nhân rộng trên địa bàn, là điểm đến tham quan học tập kinh nghiệm cho hội viên, nông dân trong và ngoài huyện; có 2 mô hình hội viên Ngô Xuân Linh và Phạm Ngọc Thưởng – xã Kim Hoa được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân Chương lao động hạng ba”, 5 mô hình được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn và vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” hằng năm, nhiều mô hình được UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, UBND huyện khen thưởng.
Đến nay, toàn huyện có 1.727 mô hình trong đó 123 mô hình lớn, 173 mô hình vừa, 1.431 mô hình nhỏ; có 2 mô hình Phạm Ngọc Thưởng và Thái Vinh Quang – xã Kim Hoa đã tiên phong đi đầu lắp đặt trạm giám sát nông nghiệp thông minh, nhiều mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP 3 sao trở lên. Đã có 18 HTX, 110 THT, 2 chi hội nghề nghiệp, 105 tổ hội nghề nghiệp do Hội vận động thành lập. Ngoài ra, phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã phát động trong toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân giúp hộ nghèo. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã giúp đỡ 741 hộ nghèo cải tạo vườn, chỉnh trang nhà ở; huyện Hội trực tiếp hỗ trợ xây dựng 5 nhà; các cấp Hội đã tặng 1.937 suất quà tổng giá trị 581 triệu đồng cho cán bộ, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Có nhiều mô hình từ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững tiêu biểu như hộ Nguyễn Thị Sinh - xã Quang Diệm, hộ Nguyễn Bảo Đồng - xã Kim Hoa,…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì phong trào còn nhiều hạn chế đó là chưa phát triển đồng đều giữa các đơn vị, giữa các vùng trong huyện, công tác tuyên truyền vẫn có lúc, có nơi chưa kịp thời; nhiều chính sách hỗ trợ rất thiết thực nhưng một số hội viên, nông dân chưa tiếp cận được; sản xuất còn manh mún, liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, các cơ sở chế biến rất ít, đa số sản phẩm còn xuất thô ra thị trường, giá trị thấp; việc ứng dựng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất còn hạn chế, nhiều mô hình có hiệu quả cao chưa được nhân rộng trên địa bàn. Hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất ở một số địa phương chưa đảm bảo, đặc biệt là hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống tiêu thoát nước vào mùa lũ nên việc tổ chức sản xuất ở các vùng trũng gặp khó khăn.
Mô hình chăn nuôi chăn nuôi dê Boer của anh Nguyễn Trọng Hùng thôn Tân Tiến, xã Sơn Tiến.
Để tiếp tục duy trì và phát triển phong trào, trong thời gian tới các cấp Hội Nông dân Hương Sơn cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung và giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất: Bám sát Quy định 944-QĐ/HNDTW ngày 04/9/2014 của BCH Trung ương Hội về tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5/8/2019 của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII về đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp để xây dựng và phát triển phong trào. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các nghị quyết, chính sách của tỉnh, của huyện trọng tâm là Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 24/12/2021 của BCH Đảng bộ huyện về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp bền vững huyện Hương Sơn giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 23/2021/NQ-HĐND ngày 27/12/2021 của HĐND huyện quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2022 – 2025 để xây dựng và nhân rộng mô hình.
Thứ hai: Tập trung thực hiện phong trào SXKD giỏi trên các lĩnh vực nông lâm nghiệp, thương mại - dịch vụ; tăng cường vận động hội viên, nông dân ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, đưa các giống cây, con mới, có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện từng vùng; phối hợp chặt chẽ với các cấp, cách ngành đẩy mạnh công tác tuyền tuyền về chủ trương, chính sách tích tụ ruộng đất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp tạo điều kiện cho các hộ có nguồn lực và nhu cầu phát triển các mô hình, khởi nghiệp được tiếp cận để đầu tư, phát huy sản xuất hiệu quả; vận động hội viên tăng cường các hoạt động thương mại – dịch vụ đặc biệt là hội viên, nông dân của 2 thị trấn.
Thứ ba: tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào cải tạo vườn, xây dựng vườn mẫu, tập trung nâng cao hiệu quả của các vườn sau cải tạo để khai thác tối đa diện tích đất vườn vừa tạo cảnh quan môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế; quản lý, sử dụng tốt nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân và nguồn vốn vay các ngân hàng; ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương đồng thời tăng cường xây dựng mô hình điểm, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, đưa hội viên, nông dân đi tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài huyện.
Thứ tư: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phối hợp ngành Bưu điện, cập nhật, đưa các thông tin các sản phẩm nông sản của nông dân lên sàn giao dịch thương mại điện tử Posmart.vn nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản rộng rãi với tiêu dùng.
Phong trào nông dân thi đua SXKD, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân huyện phát động đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho hàng ngàn hội viên, nông dân. Có thể xem phong trào là tổng hợp của sự cần cù chịu khó, nghị lực và niềm say mê lao động sáng tạo, người nông dân hôm nay biết tiếp thu, học hỏi cái mới, cái hay, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để mang lại hiệu quả cao hơn. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ngày càng thu hút nhiều cán bộ, hội viên, nông dân tham gia và phát triển lớn mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện nhà.