Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến diễn đàn kinh tế hợp tác năm 2022
Thứ bảy - 24/09/2022 07:57
Sáng ngày 23/9/2022, tại trụ sở Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến diễn đàn kinh tế hợp tác năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20 – NQ/TW ngày 16/6/2022”. Đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại điểm cầu của Chính phủ. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà khoa học, doanh nghiệp. Đồng chí Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và đồng chí Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Tĩnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh, với sự tham gia của đại diện một số sở, ngành cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hoá – Xã hội, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp điển hình liên kết đầu tư vào khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; hợp tác xã điển hình.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến hết tháng 6/2021, cả nuớc có 17.777 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 78 Liên hiệp HTX nông nghiệp. So với thời điểm 31/12/2020, số luợng HTX nông nghiệp cả nuớc tăng 315 HTX và tăng 10 Liên hiệp HTX, trong đó HTX hoạt động hiệu quả khoảng 14.650 HTX (chiếm 83%). Số lượng thành viên HTX là 3,78 triệu người. Trung bình 1 HTX nông nghiệp có 215 thành viên. Có 2.217 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp trong HTX, chiếm 12,6% tổng số HTX nông nghiệp cả nước. Tổng số cán bộ quản lý HTX nông nghiệp là 50.691 người, trong đó tỷ lệ cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học chiếm 36,8%; tỷ lệ cán bộ qua đào tạo là 52,6%. Tổng số vốn, tài sản trung bình của HTX nông nghiệp 2,32 tỷ đồng, (trong đó tổng số vốn là 1,6 tỷ đồng, tài sản là 0,72 tỷ đồng). Năm 2020, doanh thu và lãi bình quân 01 năm của HTX nông nghiệp đạt 2,44 tỷ đồng và 383 triệu đồng; thu nhập bình quân của 01 lao động là 40,45 triệu đồng/năm tương đương 3,4 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế tập thể, hợp tác xã những năm qua có chuyển biến tích cực về chất và lượng; về cơ bản, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài, tận dụng và khai thác được dư địa, tiềm năng, không gian phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của một trong những thành phần kinh tế nền tảng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt là HTX vận tải, du lịch và các HTX nông nghiệp sản xuất nông sản, hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của thành viên và HTX.Ngoài những khó khăn truyền thống, các HTX hiện nay còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới như: cạnh tranh gay gắt, thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp, nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, về bảo mật thông tin và dễ bị tổn thương từ những tác động bên ngoài.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh
Tại Hà Tĩnh hiện có 1.017 HTX, trong đó có 326 HTX hoạt động tốt và khá chiếm tỷ lệ 33,1%. Hiện, các HTX tham gia vào chuỗi dịch vụ, sản xuất, cung ứng sản phẩm chất lượng cao, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và công tác an sinh xã hội, tạo việc làm cho 56.700 lao động và đóng góp kinh tế từ 1,3-1,5% GRDP của tỉnh. Thực hiện chuyển đổi số thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, Hà Tĩnh đã xây dựng và vận hành trang thông tin nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các HTX trên địa bàn tỉnh; đưa vào vận hành Hệ thống quản lý dữ liệu HTX nông nghiệp do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn triển khai. Hiện nay có một số HTX trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; một số HTX tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, kết nối cung cầu; một số HTX tham gia thực hiện các dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Đây là chìa khoá giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Bởi vậy, diễn đàn hôm nay nhằm truyền tải thông điệp quan trọng của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá đối với mô hình kinh tế tập thể… Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục coi chuyển đổi số trong kinh tế hợp tác, HTX là công việc thường xuyên, phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 có 45.000 HTX với 8 triệu thành viên, trong đó có 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 đã đề ra. Để làm được điều đó, cả hệ thống chính trị cần đổi mới tư duy từ nhận thức đến hành động; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần bắt kịp đến cùng các khu vực kinh tế khác, xây dựng được hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương, quyết kiệt triển khai các nhiệm vụ chiến lược Quốc gia phát triển chuyển đổi số; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành HTX liên thông với các chuyên ngành khác để chia sẻ, kết nối thông tin thị trường, xu thế phát triển; xây dựng và hoàn thiện thể chế, có tầm nhìn dài hạn để kinh tế tập thể phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ số, kết nối cung cầu, bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX; đẩy mạnh truyền thông chính sách. Riêng các địa phương phải vận dụng các nguồn lực để đầu tư cho kinh tế hợp tác, HTX; thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm...