Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời quan tâm cuộc sống của người nông dân
Thứ tư - 18/05/2022 22:05
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành sự quan tâm đặc biệt cuộc sống của người nông dân. Ngay sau khi bắt gặp ánh sáng Chủ nghĩa Mác – Lê nin, Người đã chỉ rõ: "Trong điều kiện một nước lạc hậu như nước ta thì vấn đề dân tộc thực chất là vấn đề nông dân, cách mạng dân tộc thực chất là cách mạng của nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo và chính quyền nhân dân thực chất là chính quyền của công nông". Với một dân tộc lúc ấy 90% dân số là nông dân, Người đã có sự quan tâm đặc biệt tới giai cấp nông dân. Trong cương lĩnh của Đảng năm 1930 do Người soạn thảo đã nêu rõ nhiệm vụ của cách mạng là: "Chống đế quốc, chống phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng". Cương lĩnh phù hợp với nguyện vọng tha thiết bao đời nay của người nông dân mong có ruộng để cày cấy, vì vậy hàng triệu người dân đã một lòng theo Đảng, tạo nên sức mạnh to lớn đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Người quan tâm chăm lo đời sống Nhân dân nói chung và người nông dân nói riêng bằng những việc làm cụ thể. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là "diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm". Trong ba thứ giặc đó, giặc đói được đặt lên hàng đầu. Để diệt giặc đói, Người đề ra nhiệm vụ tổ chức "chiến dịch tăng gia sản xuất", trước tiên kêu gọi toàn thể nhân dân thực hiện tiết kiệm, một ngày nhịn ăn một bữa để lấy gạo cứu đói cho người nghèo. Mặc dù lúc bấy giờ Người vừa thoát khỏi nhà tù của bọn Tưởng Giới Thạch, trở về nước năm 1941 trong hoàn cảnh cuộc sống hết sức khó khăn và thiếu thốn "cháo bẹ rau măng" ở núi rằng Việt Bắc, công việc bề bộn, sức khoẻ của Người không được tốt, nhiều người khuyên Bác đừng nhịn ăn, nhưng Bác vẫn đều đặn gương mẫu thực hiện để lấy gạo cứu đói cho người nghèo.
Bác về thăm bà con nông dân và tự xắn quần xuống ruộng để chạy thử chiếc máy cấy cải tiến
Bằng sự quan tâm của Người, ngày 26/10/1945 Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã ra nghị quyết giảm 20% thuế điền cho nông dân, các địa phương bị lũ lụt được miễn thuế điền. Tiếp đến ngày 20/11/1945 Chính phủ đã ra thông cáo cho các điền chủ, tá điền và nông dân quy định các điền chủ phải giảm tô 25% cho tá điền, cho tá điền hoãn nợ và bỏ những địa tô phụ. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Người đã đề ra chủ trương triệt để giảm tô, giảm tức, tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và việt gian, tạm cấp cho dân cày và gia đình các chiến sỹ. Đặc biệt tháng 12/1953 Đảng, Chính phủ đã đề ra chủ trương cải cách ruộng đất. Sau ngày miền Bắc được giải phóng (5/1954), nhiệm vụ cải cách ruộng đất được thực hiện triệt để, hoàn thành mục tiêu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Bắc là độc lập dân tộc và người cày có ruộng. Nói về cải cách ruộng đất, Người khẳng định: "Đó là một thắng lợi to lớn. Nó mở đường cho đồng bào nông dân ta xây dựng cuộc đời ấm no". Khi người nông dân đã có ruộng cày, Người quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Người khẳng định: "Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc... Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh". Với cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm nông dân bằng các chủ trương, chính sách mà Người còn rất gần gũi với nông dân, hiểu cuộc sống của người nông dân. Người đi tát nước, đạp guồng nước chống hạn, thăm ruộng lúa, kiểm tra đê điều, đi chúc tết người dân... Người hiểu sâu sắc giá trị lao động mà người nông dân làm ra. Người nói: "Đồng bào nông dân đổ mồ hôi sôi nước mắt mới làm ra được lương thực. Cho nên chúng ta phải quý lương thực như quý ngọc, vàng". Cuộc sống cần, kiệm của Người thể hiện tôn trọng giá trị lao động của mọi người. Để đồng bào có đủ cơm ăn, Người chăm lo tạo mọi điều kiện cho nông dân sản xuất được nhiều lương thực. Người nhắc nhở: "Có thực mới vực được đạo" và lưu ý Đảng, Chính phủ phải hết sức chăm lo đời sống của nhân dân. Người nói: "Nếu để dân đói, dân rét, dân dốt, dân bệnh là Đảng và Chính phủ có lỗi". Khi người dân giải quyết được vấn đề ăn thì vấn đề nhà ở trở thành vấn đề bức thiết. Năm 1950 Người chỉ rõ: "Từ nay chúng ta phải nghĩ đến vấn đề nhà ở Muốn làm nhà cửa tốt Phải ra sức trồng cây Chúng ta chuẩn bị từ rày Dăm năm sau sẽ bắt tay dựng nhà" Người phát động toàn dân thực hiện tết trồng cây. Người nói: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều", làm cho "nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn". Điều này cho chúng ta thấy tầm nhìn xa, trông rộng của Người về vai trò của cây xanh trong việc điều hoà khí hậu, bảo vệ môi trường sống của con người. Người còn chú trọng nâng cao dân trí, đời sống văn hoá tinh thần cho người dân. Ngay sau ngày độc lập, hầu hết nông dân nước ta đều mù chữ. Người đã đề nghị Chính phủ mở một chiến dịch chống nạn mù chữ. Người khẳng định : "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Chủ trương "diệt giặc dốt" là một cống hiến to lớn của Người, xua tan vĩnh viễn cảnh ngu dốt và lạc hậu của người dân do chế độ thực dân phong kiến thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề cai trị. Sau này Đảng ta đã xác định: "Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu", "đầu tư cho giao dục là tư cho phát triển". Gần đây nhiều nước chậm phát triển trên thế giới đã thực hiện chống nạn mù chữ để thoát cảnh nghèo đói, lạc hậu. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phát huy dân chủ ở nông thôn, người căn dặn: "Phải dân chủ, tránh quan liêu, mệnh lệnh, làm việc gì cũng cần bàn bạc kỹ với xã viên. Làm việc theo lối mệnh lệnh, quan liêu, không dân chủ thì chắc chắn thất bại". Người nhắc nhở tổ chức Đảng, chính quyền thực hiện tốt dân chủ, đồng thời nghiêm trị những kẻ chống đối, phá hoại: "Muốn có dân chủ thật sự, phải có chuyên chính vô sản thật sự, nếu không bọn xấu sẽ làm hại nhân dân". Trước lúc đi xa Người còn căn dặn: "Trong bao năm kháng chiến chống thực dân pháp, tiếp đến chống Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn thành thắng lợi, tôi có ý định đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi đẩy mạnh sản xuất. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân" (Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh). Điều đó càng cho chúng ta thấy rõ thêm, cả cuộc đời của Người luôn chăm lo cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân nói chung và người nông dân nói riêng.