Xác định phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững (sau đây gọi tắt là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi) là một nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội, những năm quan Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ hội viên, nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Chỉ tính riêng năm 2023, các cấp Hội Nông dân toàn tỉnh đã tổ chức 4.345 buổi tuyên truyền, vận động cho 437.126 lượt hội viên nông dân về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó tập trung cao cho tuyên truyền phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; tuyên truyền, vận động và tư vấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tích tụ, tập trung ruộng đất.
Công tác tuyên truyền được đổi mới, thực hiện bằng nhiều hình thức như: phối xây dựng các phóng sự phát trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, huyện; trên các báo Trung ương, địa phương, các trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội. Ban Thường vụ đã xây dựng kế hoạch tổ chức các phong trào thi đua theo từng đợt trong năm, chỉ đạo các cấp hội có những công trình, phần việc cụ thể. Công tác tuyên truyền cùng với phát động phong trào thi đua được gắn với các hoạt động chào mừng các ngày kỷ niệm của quê hương, đất nước và ngày truyền thống của Hội bằng những hoạt động cụ thể.
Song song với việc tuyên truyền, vận động, ngay từ đầu năm, các cấp Hội tổ chức phát động phong trào thi đua và tổ chức cho các hộ đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp (từ cơ sở đến Trung ương). Đồng thời tổ chức thực hiện các đề án, dự án, mô hình sản xuất, như: Đề án Sản xuất rau an toàn sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ vùng ven đô thành phố Hà Tĩnh gắn với chuỗi cửa hàng nông sản an toàn giai đoạn 2022 - 2024; Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường”; mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị.
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, các cấp hội đẩy mạnh công tác dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư sản xuất dưới hình thức trả chậm và cho hội viên, nông dân vay vốn sản xuất, phối hợp tiêu thụ sản phẩm. Năm 2023, Hội Nông dân các cấp phối hợp tổ chức 62 lớp đào tạo nghề cho 1.982 lao động nông thôn; riêng Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với Trường trung cấp Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 4 lớp kỹ thuật chăn nuôi gà và trồng rau an toàn cho 120 hội viên nông dân; phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng 6,884 ngàn tấn phân bón các loại, 1,148 tấn thức ăn gia súc, 17,653 tấn giống; phối hợp với các ngân hàng và Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương Hội cho 62.817 lượt hộ vay gần 5.090 tỷ đồng (trong đó Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp 57,851 tỷ đồng cho 2504 hộ vay). Đối với hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân tỉnh đã tham gia gian hàng tại Hội chợ sản phẩm OCOP và đặc sản Hà Tĩnh, Chợ phiên tại Bắc Ninh để trưng bày, giới thiệu và kết nối gần 30 loại sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh; phối hợp xây dựng 3 điểm tiêu thụ bưởi Phúc Trạch tại Sơn La, Hải Phòng, Hà Nội; duy trì và quản lý tốt 29 cửa hàng nông sản trên toàn tỉnh, trực tiếp kết nối tiêu thụ 75 tấn nông sản trong và ngoài tỉnh; phối hợp với Bưu điện tỉnh thu thập thông tin, hỗ trợ đưa 196 sản phẩm OCOP Hà Tĩnh và 31.729 hộ SXKD lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; hỗ trợ xây dựng 104 nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.
Đi đôi với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi công tác giúp đỡ hộ nghèo được Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh quan tâm chỉ đạo, giao chỉ tiêu hàng năm cho các cấp hội giúp các hộ thoát nghèo (mỗi cơ sở hội giúp 3-5 hộ nghèo/năm) bằng các việc làm cụ thể, như hỗ trợ tiền, vật tư, kiến thức sản xuất… Năm 2023, hội viên nông dân toàn tỉnh đã đóng góp được 5,077 tỷ đồng, 22.319 ngày công, hỗ trợ cây giống, con giống, lương thực trị giá 1,353 tỷ đồng giúp 1.399 hộ nghèo, cận nghèo sản xuất, nâng cao thu nhập..
Được tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn và kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng quy mô phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; một số hộ đã trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc, hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Tiêu biểu như mô hình trồng cây ăn quả của bà Phan Thị Hiền ở xã Thượng Lộc huyện Can Lộc, ông Thái Văn Quang ở xã Kim Hoa huyện Hương Sơn…; mô hình chăn nuôi của ông Lê Văn Bàng ở xã Xuân Liên huyện Nghi Xuân, ông Nguyễn Thái Huy ở xã Đức Lạng huyện Đức Thọ…; mô hình chế biến hải sản của bà Lê Thị Khương ở xã Kỳ Xuân huyện Kỳ Anh, bà Nguyễn Thị Ninh, Đặng Thị Luận ở xã Kỳ Ninh thị xã Kỳ Anh…
Vườn cam của gia đình bà Phan Thị Hiền ở xã Thượng Lộc huyện Can Lộc
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội nông thôn; góp phần đưa nền nông nghiệp Hà Tĩnh có những bước phát triển quan trọng, kinh tế nông thôn Hà Tĩnh ngày càng khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, đời sống vật chất tinh thần của nông dân từng bước được nâng lên. Bình quân hàng năm có hơn 87.000 hộ đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp, góp phần giảm hộ nghèo và cận nghèo hàng năm. Bên cạnh đó, phong trào còn góp phần thúc đẩy xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Chất lượng sinh hoạt Hội và chất lượng hội viên ngày càng được nâng lên. Đến nay tỷ lệ tập hợp hội viên Hội Nông dân Hà Tĩnh đạt trên 86%...
Tuy nhiên, để phong trào có bước phát triển mới cả về chất và lượng, chuyển dịch theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn; hình thành những sản phẩm có nhãn hiệu, thương hiệu chất lượng cao và phát triển mạnh theo hướng kinh tế nông nghiệp, kinh tế hợp tác, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường trong nước và quốc tế, trong thời gian tới Hội Nông dân các cấp của tỉnh cần tập trung thực hiện những giải pháp: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuyên truyền, động viên hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể, thay đổi tư duy kinh tế trong nông nghiệp, năng động, sáng tạo, quyết tâm vượt khó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư cho phát triển sản xuất. Vận động, hướng dẫn nông dân phát triển nông nghiệp xanh,nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu đảm bảo về tiêu chuẩn về môi trường, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành các diễn đàn của nông dân trên các ứng dụng mạng xã hội để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường cho nông dân. Hướng dẫn cơ sở Hội phát triển phong trào theo hướng liên kết, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh; gắn phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với việc đẩy mạnh công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân. Thực hiện tốt các chương trình phối hợp đã ký kết; nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình để tuyên truyền, nhân rộng, thúc đẩy phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả..., góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng và Hội Nông dân các cấp.