Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022.
Chủ nhật - 29/05/2022 23:35
Sáng ngày 19/5/2022, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022. Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cùng một số Bộ, ban, ngành và Bí thư Tỉnh ủy Sơn La chủ trì tại điểm cầu Trung ương. Đồng chí Nguyễn Thị Mai Thủy, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và đồng chí Võ Viết Minh Châu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê được mời tham dự tại điểm cầu Trung ương. Đồng chí Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh. Tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Trưởng các ban Hội Nông dân tỉnh và Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã.
Đây là lần thứ 4, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La chủ tổ chức. Chủ đề của Hội nghị đối thoại lần này là: “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Có 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước dự hội nghị, trong đó có 29 nông dân tiêu biểu đại diện cho nông dân cả nước trực tiếp tham gia đối thoại và hơn 1600 câu hỏi được gửi tới Chính phủ. Các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của nông dân với Thủ tướng Chính phủ tập trung vào 8 nhóm vấn đề: 1. Nhóm giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch COVID-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao (phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...), ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Nông dân mong muốn Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo nhằm bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp, giúp nông dân yên tâm sản xuất. 2. Về vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, là tình trạng sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp ở các địa phương. 3. Nhóm câu hỏi về thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp. 4. Nhóm câu hỏi về vốn, tín dụng: Trong thời gian qua các ngân hàng thương mại đã tích cực giải ngân, bố trí nguồn vốn cho tam nông. Song theo phản ánh của nhiều nông dân, việc tiếp cận nguồn vốn còn nhiều khó khăn. 5. Nhóm câu hỏi về môi trường ở nông thôn: Nông dân phản ánh, hiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng nhức nhối, mong muốn Thủ tướng có giải pháp chỉ đạo để đảm bảo môi trường nông thôn được xanh, sạch. 6. Nhóm câu hỏi về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh; thúc đẩy du lịch nông thôn, đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 7. Nhóm câu hỏi về vấn đề di cư lao động từ nông thôn lên thành phố thành công nhân và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương. 8. Các vấn đề, kiến nghị, đề xuất khác như: Tình trạng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc, phát triển và giữ rừng, công tác KHCN với nghiên cứu giống; khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh Hà Tĩnh đã gửi tới hội nghị rất nhiều câu hỏi và kiến nghị đề xuất, sau khi tổng hợp lại gồm có 8 nhóm kiến nghị, 8 đề xuất và 5 câu hỏi.