Đề cương TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ THĂM HÀ TĨNH (15/6/1957-15/6/2022) VÀ 15 NĂM THÀNH LẬP THÀNH PHỒ HÀ TĨNH (28/5/2007 - 28/5/2022) (Gửi kèm Hướng dẫn số 47- HD/BTGTU, ngày 17/5/2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Số kí hiệu | ĐC |
Ngày ban hành | 16/05/2022 |
Thể loại | Hướng dẫn |
Lĩnh vực |
Tuyên giáo |
Cơ quan ban hành | Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy |
Người ký | BTG TU |
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân, nhà tư tưởng vĩ đại, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời, mãi mãi cho chúng ta học tập và làm theo. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát phong trào của các địa phương, cơ sở. Đối với Hà Tĩnh, Người đã dành cho Đảng bộ và Nhân dân những tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt, Người đã nhiều lần trực tiếp nói chuyện và 16 lần gửi thư, điện, có nhiều bài báo, thơ để biểu dương, khen ngợi Hà Tĩnh khi lập được nhiều thành tích mới.
Vinh dự vô cùng to lớn đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh, vào ngày 15/6/1957, Người đã về thăm, nói chuyện với các đại biểu, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, bộ đội và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh. Tuy thời gian ngắn nhưng những lời căn dặn, chỉ bảo chí tình, khen chê thẳng thắn của Người đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hà Tĩnh luôn được mỗi người dân Hà Tĩnh khắc ghi, làm theo.
I. NGÀY BÁC HỒ VỀ THĂM HÀ TĨNH (15/6/1957)
1. Tình cảm của Bác dành cho quê hương Hà Tĩnh
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, theo dõi từng bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở Hà Tĩnh.
Trong cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931), Người đã có báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản và nhiều bài viết biểu dương tinh thần dũng cảm, khí thế sôi sục cách mạng của quần chúng, đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng bộ Hà Tĩnh để hướng dẫn, định hướng phong trào đi đúng mục tiêu, đồng thời kêu gọi bạn bè năm châu ủng hộ Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và kiến thiết nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư, điện khen Nhân dân Hà Tĩnh về thành tích đi đầu phong trào “Bình dân học vụ”, kiểu mẫu trong phong trào “Thi đua ái quốc”; biểu dương những tấm gương anh hùng của con em Hà Tĩnh như: Thanh niên - Anh hùng Lý Tự Trọng “Người Đoàn viên đầu tiên của Đoàn thanh niên Cộng sản nước ta, người cộng sản oanh liệt đã đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng”; liệt sỹ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong chiến dịch Điện Biên Phủ; thanh niên xung phong Trịnh Văn Huyền “siêng năng, có nhiều sáng kiến, gan dạ, đoàn kết trong công tác”, chiến sỹ diệt dốt Trần Nghệ “người đã tự mình phấn đấu thoát nạn mù chữ, lại mở lớp dạy cho nhiều người biết chữ”; đồng chí Thân, một cán bộ làm tốt công tác vận động quần chúng… Đặc biệt, ngày 30/12/1949, Người đã ký lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh vì đã có thành tích “là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành thanh toán nạn mù chữ trên phạm vi toàn tỉnh”, phần thưởng đặc biệt cao quý thời điểm lúc bấy giờ.
Tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi. Miền Bắc được giải phóng và bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và từng bước phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Trong thời kỳ hoàn thành giảm tô và cải cách ruộng đất (1954-1956), Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả quan trọng như giải phóng cho hàng vạn nông dân thoát khỏi áp bức bóc lột, xóa bỏ quan hệ sản xuất phong kiến, mở đường cho quan hệ sản xuất mới phát triển, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng do thiên tai, lũ lụt xẩy ra liên tiếp, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn; quá trình thực hiện công cuộc cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức lại phạm phải một số sai lầm nghiêm trọng trên nhiều mặt. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 (khoá II) của Đảng, để “kiên quyết sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức...”, Đảng bộ Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp tiến hành sửa sai, củng cố tổ chức trong toàn tỉnh, được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi, chỉ đạo thường xuyên.
Ghi nhận những nỗ lực và chia sẻ những khó khăn của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh, ngày 15 tháng 6 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Hà Tĩnh[1]. Chuyến thăm và làm việc của Bác Hồ tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh.
2. Diễn biến và nội dung chuyến thăm
Vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 15/6/1957, đoàn xe của Bác vào đến thị xã Hà Tĩnh. Đông đảo các tầng lớp Nhân dân đứng hai bên đường phố Phan Đình Phùng phấn khởi, vui mừng vỗ tay đón Bác. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Uỷ viên Bộ Chính trị, đồng chí Trần Quốc Hoàn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Hoàng Văn Diện - Uỷ viên Thường vụ Khu uỷ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Liên Khu 4.
Bác đã đến nói chuyện với Hội nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Tại Hội nghị, Bác đã biểu dương những đóng góp to lớn của Nhân dân Hà Tĩnh trong 9 năm kháng chiến và trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội từ sau ngày hoà bình lập lại. Bác đặc biệt khen ngợi các bà mẹ chiến sỹ đã hết lòng giúp đỡ thương binh, bệnh binh: “Một tỉnh nhỏ như Hà Tĩnh đã có 2.900 anh em thương binh về xã được sự giúp đỡ của Nhân dân để sản xuất tự túc. Đó là thành tích đáng kể”. Bác khen về thành tích trong công tác thủy nông, về tổ đổi công, về ngày công phục vụ tiền tuyến, đóng góp lương thực... Bác cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm, yếu kém. Người chỉ rõ: “Đồng bào nông thôn, nhất là nông dân lao động chưa đoàn kết chặt chẽ, đó là khuyết điểm quan trọng...”; “Ý thức bảo vệ của công kém, như việc bảo vệ rừng... Hà Tĩnh chẳng những bảo vệ kém, mà một số lại tự do chặt phá... Một số đồng bào chưa thật sốt sắng đóng thuế nông nghiệp, các thuế khác như công thương chưa nạp kịp thời và đầy đủ”, “việc vay vốn ngân hàng, một số đồng bào vay rồi không hăng hái trả”. Bác phê bình: “thuần phong mỹ tục kém sút, có một số người rượu chè, cờ bạc. Say thì sưa, nói dại, làm dại, ăn cắp, ăn trộm hại đến sản xuất, hại đến tiết kiệm, hại đến đạo đức. Có một số người đồng bóng lạc hậu, mê tín bị những kẻ xấu lợi dụng xoáy tiền”.
Bác căn dặn: “Cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối. Phải đoàn kết giữa lương và giáo, giữa quân và dân, giữa miền Bắc và miền Nam”, “phải ra sức đắp đê chống lụt, chống hạn, phòng hạn cho kịp thời”, “phải sẵn sàng đóng thuế, trả nợ một cách sòng phẳng”, “phải chú ý hoa màu, cố gắng sản xuất mọi mặt”; “đề cao ý thức bảo vệ tài sản chung của Nhà nước, đồng thời phải giữ gìn an ninh, trật tự ở nông thôn”, “phải xây dựng lại thuần phong mỹ tục”, “đề cao kỷ luật lao động trong sản xuất, trong công tác...”. Cuối cùng Bác nhắc nhở “Chúng ta phải sẵn sàng vì miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà”...
Sau cuộc gặp và nói chuyện thân mật với các đại biểu tại Hội nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Bác đến nói chuyện với đại biểu, cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, bộ đội tỉnh Hà Tĩnh. Mở đầu cuộc nói chuyện, Người nói “có mấy điều nêu lên để các đồng chí ghi nhớ và cố gắng thực hành”, đồng thời Bác nêu lên những ưu điểm, khuyết điểm của Hà Tĩnh, chỉ rõ những nhiệm vụ trước mắt.
Bác biểu dương: “... Cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, các đoàn viên thanh niên lao động đã tích cực công tác... Các đồng chí đều tin tưởng vào Trung ương, vào Đảng, vào lực lượng của mình; đã cố gắng trong cải cách ruộng đất và sửa sai; đã cố gắng kiện toàn tổ chức; cố gắng cùng Nhân dân và lãnh đạo Nhân dân tăng gia sản xuất...”. Bác nêu một số tấm gương tiêu biểu như đồng chí Bí thư chi bộ Kỳ Hải đã ngâm mình dưới nước ngăn dòng lũ cho Nhân dân đắp chỗ đê sụt lở là “biết hy sinh cho dân”; chị Thiện nghèo, có bệnh vẫn hăng hái vận động bà con vùng giáo lập tổ đổi công “chẳng những trong nữ giới mà nam giới cũng phải noi theo”.
Rồi Bác nghiêm khắc chỉ ra: “Có hiện tượng trong và ngoài Đảng, cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết kém”. Bác phân tích: “Các cô, các chú biết đoàn kết là sức mạnh của mình. Nhờ đoàn kết mà cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi; nhờ đoàn kết mà chúng ta vượt qua nhiều khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Chúng ta kém đoàn kết làm lực lượng ta kém sút một phần. Vì vậy, khuyết điểm ấy phải cố gắng sửa chữa cho kỳ được”. Bác nêu khuyết điểm: “ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm kém...” và giải thích rõ: “nếu kém ý thức tổ chức là làm cho lực lượng Đảng ta yếu đi một phần..., muốn mọi chính sách của Đảng thực hiện được thì phải có kỷ luật... Nếu sợ khó, không thích làm, hoặc chọn việc dễ, là không có tinh thần trách nhiệm, làm giảm bớt lực lượng của Đảng...”; “suy bì so sánh cá nhân, thắc mắc về phụ cấp, cấp bậc...”, “cấp trên cấp dưới, trong Đảng và ngoài Đảng, quan hệ chưa mật thiết...”, “dân chủ phải thực hiện từ trên xuống dưới. Tự phê bình phải thật thà, phê bình phải thành khẩn, không mỉa mai, nói xấu...”.
Bác nhắc nhở : “Đảng viên, cán bộ trong và ngoài Đảng phải một lòng một dạ phục vụ Nhân dân, phục vụ giai cấp”, “Có những bộ phận tham ô, lãng phí, không tôn trọng của công, không thương xót mồ hôi, nước mắt của đồng bào... như vậy là có tội với chính phủ và Nhân dân”; “... Đảng viên, cán bộ ở Nghệ An cũng như ở Hà Tĩnh, một số có óc công thần, cho rằng “choa” đây là cách mạng trước hết, có nhiều công đã tổ chức ra Xô viết... nên tự kiêu, tự đại không coi ai ra gì, độ lượng nhỏ bé, thái độ thiếu khiêm tốn...”; “càng có công lao, càng phải khiêm tốn, gần gũi giúp đỡ người khác...”; “Chứ vác mặt lên trời, làm quan cách mạng, lão thành cách mạng thì không ăn thua gì”...
Sau khi nghiêm khắc phê bình, Bác nhấn mạnh: “Đảng ta không phải là Đảng làm quan mà Đảng phải lo đời sống cho dân, trước mắt là sản xuất, giữ gìn sản xuất, chủ yếu là đắp đê”, “phải cố gắng sửa sai cho tốt, gọn”, “phải chú ý tăng gia sản xuất”. Bác chỉ nói một điểm rất đơn giản “có thực mới vực được đạo” đó là duy vật, đó là gốc của chủ nghĩa Mác - Lênin. Muốn ăn là phải sản xuất, trước hết chăm lo vụ Bát, vụ Mười cho tốt, chăm sóc tốt chưa đủ. Nghề nông phải đấu tranh với đất là làm cỏ, bón phân, cày bừa kỹ; đấu tranh với trời là chống thiên tai như sâu, chuột, bão lụt, hạn hán. Vì vậy, ngoài việc chăm bón, làm cỏ, bỏ phân thì việc đắp đê chống lụt rất cần, mà đê ở đây đắp chậm...”. “Muốn tiến lên CNXH thì phải xây dựng. Nhờ các nước bạn giúp đỡ, giai cấp công nhân cố gắng mà ta đang xây dựng được khá nhiều xí nghiệp... Muốn xây dựng phải có tiền. Tiền ở đâu ra? Tiền ở Nhân dân, tức là ở nông dân và công thương. Phải cố gắng thu thuế kịp thời, gọn, tốt”. “Phải nâng cao chí khí chiến đấu, cảnh giác; mở rộng chế độ tự phê bình và phê bình, nâng cao tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí”. Đặc biệt Bác căn dặn “phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết Nhân dân, mỗi người phải tin chắc làm được”; “Có đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng thì việc gì cũng làm được”…
Kết thúc buổi nói chuyện, Người căn dặn: “Phải đoàn kết. Đó là cái gốc”. Cũng tại hội nghị Bác đã tặng 100 huy hiệu làm giải thưởng cho các phong trào thi đua yêu nước.
Sau bữa cơm trưa, Bác nói chuyện với Trung đoàn 812 của Khu 6 (Nam Trung bộ). Sau khi nghe đồng chí Trung đoàn trưởng Phan Ty báo cáo tình hình của đơn vị, Bác nhắc nhở cán bộ chiến sĩ phải giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, hoàn thành tốt kế hoạch huấn luyện, sẵn sàng nhận nhiệm vụ cấp trên giao. Tiếp đến, Bác đi thăm cơ quan Tỉnh ủy, vào Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức và Văn phòng Tỉnh uỷ gặp gỡ trên 50 anh chị em cán bộ, nhân viên cơ quan Tỉnh ủy.
Khoảng 15 giờ, Bác chào mọi người và lên đường ra Vinh (Nghệ An).
Sau năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đến tình hình của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh, Bác thường viết thư, điện thăm hỏi và chúc mừng Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh, nhất là khi quân và dân Hà Tĩnh bắn rơi máy bay Mỹ. Đặc biệt ngày 06/7/1966, Bác đã trực tiếp nói chuyện với Đoàn cán bộ Hà Tĩnh nhân dịp Đoàn đi tham quan học tập kỹ thuật thâm canh lúa ở tỉnh Thái Bình về. Tại buổi nói chuyện này Bác đã căn dặn “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên. Các đồng chí có làm được thế không? Làm được chứ? Miễn là lãnh đạo phải có quyết tâm, có tinh thần tự lực cánh sinh, biết lắng nghe ý kiến quần chúng”...
3. Ý nghĩa của chuyến thăm
Chuyến về thăm Hà Tĩnh của Bác Hồ đã để lại trong lòng cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh nhà những ấn tượng đậm sâu. Những lời dạy bảo của Bác rất ân cần, sát thực tế và rất cởi mở, vừa nhẹ nhàng, vừa sâu sắc, chứa đựng các quan điểm, đường lối, phương hướng, nhiệm vụ của Đảng, soi đường, dẫn lối cho Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh phát huy những thành tích đã đạt được, sửa chữa kịp thời những sai lầm, khuyết điểm, cùng nhau đoàn kết khắc phục khó khăn, phấn đấu đưa phong trào tỉnh nhà tiếp tục tiến lên.
Chuyến thăm thể hiện tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, của Bác Hồ đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh, đã củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Chính phủ; động viên, cổ vũ kịp thời cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hà Tĩnh vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ sửa sai, chỉnh đốn tổ chức, ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội.
Sau sự kiện Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, các phong trào thi đua đã diễn ra sôi nổi khắp các địa phương, cơ quan, trường học với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc.
Chuyến thăm Hà Tĩnh của Bác Hồ ngày 15/6/1957 đã góp phần giúp Trung ương Đảng, Chính phủ có thêm những bài học kinh nghiệm quý báu để lãnh đạo thực hiện công cuộc sửa sai, củng cố tổ chức và lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chuẩn bị cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Những lời dạy bảo của Người đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, bộ đội và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh trong chuyến thăm không chỉ có ý nghĩa, tác dụng trong thời điểm lúc bấy giờ mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh; có tác dụng nhắc nhở, động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta đoàn kết thống nhất, phát huy truyền thống quê hương Xô Viết Nghệ - Tĩnh anh hùng, quyết tâm xây dựng Hà Tĩnh phát triển, giàu mạnh, văn minh.
II. 65 NĂM ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HÀ TĨNH THỰC HIỆN LỜI BÁC HỒ DẠY
Trong suốt 65 năm qua (1957-2022), những tình cảm sâu nặng của Bác đã trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh không ngừng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức đạt được những thành tích quan trọng, có ý nghĩa to lớn trên tất cả các lĩnh vực để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”.
Đảng bộ Hà Tĩnh là một trong những Đảng bộ ra đời sớm nhất trong toàn quốc và đi tiên phong trong Cao trào cách mạng 1930-1931. Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hà Tĩnh là một trong bốn tỉnh của cả nước giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất. Sau cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh đã vươn lên xây dựng quê hương, dốc sức cho mặt trận, góp phần cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Sau khi hoàn thành công tác khắc phục những khuyết điểm, sai lầm trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 năm (1954-1957), Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh cùng với cả nước bước vào kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế - văn hoá (1958-1960) và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Trong những năm tháng đó, các phong trào thi đua yêu nước đã được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh; quan hệ sản xuất mới ra đời, cơ sở vật chất được tăng cường, nhất là trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi. Ra đời các công trình lớn như Đập Thượng Tuy, Bộc Nguyên, Vực Trống; các tuyến đường giao thông về các huyện, xã...; Kinh tế - xã hội đã có bước phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện đặc biệt là văn hóa, giáo dục; Tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể được kiện toàn, củng cố; niềm tin của quần chúng Nhân dân đối với Đảng và chế độ ngày càng được nâng lên.
Trong những năm tháng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Hà Tĩnh là vị trí chiến lược quan trọng “Hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam, tiền tuyến của hậu phương lớn miền Bắc”. Mặc dù phải đương đầu với những thử thách ác liệt, chịu đựng những tổn thất, hy sinh to lớn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Hà Tĩnh đã nêu cao ý chí tự lực tự cường, vươn lên mạnh mẽ với tinh thần “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Toàn tỉnh đã dấy lên phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, sản xuất giỏi, chiến đấu và phục vụ chiến đấu giỏi. Trong sản xuất đã xuất hiện nhiều điển hình thâm canh lúa đạt trên 5 tấn/ha, Đại Thanh, Mật Thiết, Trung Hòa, Cẩm Nam... đã có những nhà máy cơ khí hiện đại như Ấp Bắc, Thông Dụng; trong phong trào giáo dục xuất hiện ngọn cờ Cẩm Bình nổi tiếng cả nước. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 267 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 34 tàu chiến, tàu biệt kích của địch, trong đó có những máy bay hiện đại như “Cánh cụp”, “cánh xòe”, máy bay F105, máy bay trực thăng, bắt giặc lái...Với quyết tâm thi đua bắn rơi máy bay địch, nhiều đơn vị đã nổi lên như Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ đã kiên cường đánh địch bảo vệ tuyến đường số 1, bắn rơi 07 máy bay Mỹ; các đơn vị nữ dân quân Kỳ Phương (Kỳ Anh), Thạch Đỉnh (Thạch Hà) và lão dân quân Kỳ Tiến (Kỳ Anh) đều bắn rơi máy bay Mỹ… Nhiều địa danh, tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử như là huyền thoại với những chiến công vang dội, tiêu biểu như: Núi Nài, Đèo Ngang, chỉ trong ngày 26/3/1965, quân và dân Thị xã Hà Tĩnh đã bắn rơi 09 máy bay, quân và dân Kỳ Anh bắn rơi 03 máy bay của Mỹ…; Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, ghi danh Tiểu đội thanh niên xung phong anh hùng “Mười cô gái Đồng Lộc” (thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55) “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm” đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng; Anh hùng La Thị Tám và nhiều anh hùng, chiến sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong và quân dân ở Đồng Lộc đã viết lên huyền thoại ở Ngã ba Đồng Lộc.
Từ năm 1965 - 1975, toàn tỉnh có 92.913 thanh niên nhập ngũ (chiếm 10% dân số toàn tỉnh lúc đó), 334.128 lượt người đi dân công hoả tuyến, 10.636 thanh niên xung phong; 13.024 người con của Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường... Rất nhiều gia đình có con độc nhất, hoặc 02 con, 03 con, 04 con là liệt sĩ. Nhiều tập thể và cá nhân được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, nhiều bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tất cả các huyện, thị xã đều được phong tặng là đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và Nhân dân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các loại huân, huy chương cao quý.
Thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá V (ngày 27/12/1975) về việc điều chỉnh một số đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, từ năm 1976, tỉnh Hà Tĩnh hợp nhất với tỉnh Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Trải qua 3 kỳ kế hoạch xây dựng CNXH (từ năm 1976 - 1990), tình hình kinh tế - xã hội vùng Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến đáng kể. Cơ sở vật chất, kỹ thuật trong các ngành kinh tế, nhất là trong nông nghiệp được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đặc biệt, sau 03 năm phấn đấu quyết liệt, ngày 26/3/1979, công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ đã cơ bản hoàn thành, đưa hàng vạn hecta vùng hạ du thoát cảnh hạn hán. Kẻ Gỗ là công trình có ý nghĩa lớn về kinh tế, là công trình văn hóa, thể hiện sự đoàn kết, ý chí quyết tâm, sức mạnh tổng hợp của lòng dân.
Kỳ họp thứ 9, thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính của 13 tỉnh, thành phố, chia tách 8 tỉnh thành 16 tỉnh, trong đó có tỉnh Nghệ Tĩnh. Ngày 16/8/1991, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác chia tách, tái lập tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh.
Từ năm 1991 - 1995, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XIII, với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cùng với sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã giành được nhiều thành quả quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng; điện, đường, trường, trạm... Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 11,3%.
Từ năm 1996 - 2000, tỉnh Hà Tĩnh đã tạo được sự phát triển tương đối toàn diện và đồng đều trên các lĩnh vực và địa bàn, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng mà Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV đã đề ra. Quan tâm đến nông nghiệp cùng với quyết tâm “xóa đói, giảm nghèo”; đã ra đời các khu kinh tế như Vũng Áng (1996), Cầu Treo (1998), cùng với hệ thống thị xã, thị