Năm 2014, ông Ngô Đăng Khoa, thôn 8, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) bắt tay vào trồng 5ha cam đường Canh, cam Xã Đoài. Đến năm 2017, khi Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp Thành Công được thành lập, ông Khoa xin gia nhập, trở thành xã viên.
Theo ông Khoa, khi trở thành xã viên HTX, ông được tiếp cận với kỹ thuật canh tác tiên tiến như sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Đặc biệt, ông Khoa đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Đầu tư ban đầu khá lớn nhưng khi công nghệ tưới nhỏ giọt được vận hành, ông Khoa mới thấy hướng đi của mình thực sự hiệu quả.
Đến nay, trên 1/2 diện tích trồng cây có múi của ông Khoa đã được lắp đặt công nghệ tưới nhỏ giọt. Mỗi năm ông thu về khoảng 150 tấn cam các loại với tổng nguồn thu trên 2 tỷ đồng.
“Lúc đầu tôi cũng hơi lo vì vốn đầu tư ban đầu lớn. Bình quân, mỗi ha cây ăn quả phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel. Tuy nhiên, đầu tư xong mới thấy được nhiều lợi ích như giảm chi phí tiền điện, tiết kiệm nguồn nước và nhân công khoảng 60 - 70%. Từ chỗ giảm chi phí đầu vào, hiệu quả kinh tế của người trồng cây ăn quả tăng lên rõ rệt”, ông Khoa chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của ông Khoa, để đảm bảo cho hệ thống tưới nhỏ giọt được bền lâu, nguồn nước tốt nhất phải được lắng lọc cơ học trước khi đưa vào bồn tổng. Đây là cách loại bớt cặn nước, tránh tình trạng hệ thống tưới tiết kiệm bị đóng cặn, không thể vận hành.
Ông Nguyễn Văn Trương, một thành viên khác của HTX Sản xuất nông nghiệp Thành công chia sẻ thêm, sở dĩ hệ thống tưới nhỏ giọt của gia đình ông vẫn vận hành tốt là nhờ ông thương xuyên bảo dưỡng và lắng lọc nguồn nước. Sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, ngoài lợi ích kinh tế thấy rõ thì bản thân người trồng cam cũng cảm thấy rất nhàn thân.
Nguồn tin: nongnghiep.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn