Nhận thấy địa bàn xã giáp với thành phố Hà Tĩnh, là điều kiện thuận lợi để tiêu thụ các loại rau, củ, quả; năm 2010 Đảng ủy xã Tượng Sơn đã chỉ đạo chính quyền quy hoạch các vùng trồng ra tập trung, ban hành chính sách hỗ trợ người dân trồng rau, như hỗ trợ làm nhà lưới, hệ thống tưới… Đồng thời giao nhiệm vụ cho Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đẩy mạnh trồng các loại rau, củ, quả; hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng. Được giao nhiệm vụ, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã đã chọn các hộ có điều kiện thuận lợi về đất đai, lao động tại thôn Trung Lập (nay là thôn Thượng Phú) để làm điểm. Với sự vào cuộc tích cực của Hội Nông dân xã, cùng với sự tham gia của người dân, mô hình trồng rau tại thôn Trung Lập đã mang lại hiệu quả tốt.
Quá trình sản xuất và tiêu thụ, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã nhận thấy sản xuất đơn lẻ mạnh ai nấy làm, thích gì trồng cây đó, không thể thành tạo ra số lượng lớn cho mỗi loại nông sản, nên khó tiêu thụ, mua bán đơn lẻ nhiều lúc bị ép giá. Từ đó đã vận động, hướng dẫn các hộ thành lập các tổ hợp tác sản xuất rau, củ, quả tại thôn Trung Lập. Từ thành công tại thôn Trung Lập, năm 2012 Ban Thường vụ Hội Nông dân xã vận động thành lập thêm các tổ hợp tác trồng rau tại thôn Hà Thanh và thôn Bắc Bình; phối hợp với UBND xã đưa các vùng đất cao cạn, khó lấy nước, chuyển sang trồng các loại rau, củ, quả, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau. Hội Nông dân xã vận động). Diện tích đất vườn của các hộ hầu hết cũng chuyển sang trồng các loại rau, củ, quả. Cũng trong năm 2012, Hội Nông dân xã đã hướng dẫn thành lập Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả Tượng Sơn, đồng thời giới thiệu ông Nguyễn Viết Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã làm Giám đốc (đến năm 2018 ông thôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân để quản lý hợp tác xã).
Bí xanh ruột đặc của Tượng Sơn - một sản phẩm được thị trường ưa chuộng
Hợp tác xã ra đời đã chỉ đạo các thành viên sản xuất rau, củ, quả theo quy trình kỹ thuật và thời vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời kết nối bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích cho người dân. Đến nay Hợp tác xã đã tích tụ, chuyển đổi được 12 ha đất sản xuất rau tập trung, vận động các hộ đưa 58 ha đất vườn ở vào sản xuất rau, củ, quả; thành lập được 6 tổ hợp tác sản xuất rau, củ, quả tập trung, trong đó có 01 tổ sản xuất rau hữu cơ, có giám sát cộng đồng, truy xuất nguồn gốc và có 1 tổ quản lý vận hành khai thác nước phục vụ cho vùng sản xuất rau tập trung; vận động được 256 hộ sản xuất rau, đạt tiêu chuẩn rau VietGap. Hợp tác xã đã được cấp thương hiệu logo, nhãn mác, mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc, nhằm gắn trách nhiệm pháp lý giữa khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả của hợp tác xã với người tiêu dung; đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin, để người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm rau, củ, quả Tượng Sơn, nhằm tăng giá trị nông sản, cải thiện đời sống cho nông dân, xóa đói giảm nghèo bền vững, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trên chính mảnh đất quê hương.
Để phát huy vai trò hợp tác xã là “cầu nối ” để hỗ trợ cho người nông dân trong định hướng liên kết sản xuất, nâng cao giá trị nông sản và kết nối thị trường tiêu thụ, hàng năm đầu mỗi vụ sản xuất, hợp tác xã xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất các loại cây trồng, nhằm đảm bảo liên kết đầu ra sản phẩm theo đơn đặt hàng; hướng dẫn nông dân quy trình canh tác, ứng dụng các tiến bộ KHKT, cung ứng các loại giống, phân bón, thuốc BVTV đảm bảo chất lượng. Tổ hợp tác, hợp tác xã làm trung gian pháp lý để các hộ dân chuyển đổi đất sản xuất cho nhau, tạo thành từng vùng sản xuất. Bên cạnh đó được Ủy ban nhân dân xã hỗ trợ kinh phí làm bờ rào bằng cọc bê tông, giây thép gai để bảo vệ. Hàng năm theo mùa vụ sản xuất, hợp tác xã đẩy mạnh công tác hỗ trợ tư vấn, tập huấn cho từng tổ hợp tác và bà con xã viên tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất, nhất là kỹ thuật canh tác, bón phân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp sinh học an toàn, sử dụng các loại thảo mộc tự ngâm ủ, dùng các loại bẩy bả treo dẫn dụ tiêu diệt các loại côn trùng chích hút… Các vùng sản xuất rau tập trung cũng như rau sản xuất các vườn hộ đều được hợp tác xã gắn camera kết nối, quản lý, giám sát người dân sản xuất đảm bảo rau an toàn, tăng khả năng sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, nhất là các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, như bí xanh, bí đỏ, ớt cay… Bên cạnh đó hợp tác xã tranh thủ các nguồn lực, các chương trình dự án để tổ chức đào tạo, tập huấn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xây dựng đội ngũ maketinh bán hàng, lắp đặt hệ thống camera…
Mỗi năm hợp tác xã đã kết nối tiêu thụ hàng trăm tấn rau, củ, quả đến với các thị trường trong và ngoài tỉnh (hiện nay sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt tại các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội), Siêu thị Coop Mart, các nhà hàng, các bếp ăn của một số trường mầm non trong tỉnh. Ông Nguyễn Viết Sơn - Giám đốc Hợp tác xã cho biết, thời gian tới hợp tác xã chú trọng nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động linh hoạt, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho các thành viên, gắn phát triển nông nghiệp với dịch vụ nông nghiệp. Tập trung sản xuất các nông sản đặc trưng chủ lực của địa phương gắn với sản phẩm OCOP 3 sao; tăng cường liên kết giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHCN và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, để tăng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đủ lớn, có sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường.