Đảng bộ Hà Tĩnh là một trong những Đảng bộ ra đời sớm nhất trong toàn quốc và đi tiên phong trong cao trào cách mạng 1930-1931.
Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh của cả nước giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất.
Sau cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh đã vươn lên xây dựng quê hương, dốc sức cho mặt trận, góp phần cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Xô Viết Nghệ Tĩnh - cuộc tổng diễn tập giành chính quyền của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Sau khi hoàn thành công tác khắc phục những khuyết điểm, sai lầm trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức và kế hoạch phát triển KT-XH 3 năm (1954-1957), Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh cùng với cả nước bước vào kế hoạch cải tạo XHCN, phát triển kinh tế - văn hóa (1958-1960) và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).
Trong những năm tháng đó, các phong trào thi đua yêu nước đã được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh; quan hệ sản xuất mới ra đời, cơ sở vật chất được tăng cường, nhất là trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi. Từ đó, ra đời các công trình lớn như đập Thượng Tuy, Bộc Nguyên, Vực Trống; các tuyến đường giao thông về các huyện, xã...; KT-XH đã có bước phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện, đặc biệt là văn hóa, giáo dục; tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể được kiện toàn, củng cố; niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và chế độ ngày càng được nâng lên.
Hồ Bộc Nguyên là nguồn cấp nguồn nước ngọt quý giá cho Nhân dân TP Hà Tĩnh, thị trấn Thạch Hà và các vùng phụ cận.
Trong những năm tháng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Hà Tĩnh là vị trí chiến lược quan trọng “Hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam, tiền tuyến của hậu phương lớn miền Bắc”.
Mặc dù phải đương đầu với những thử thách ác liệt, chịu đựng những tổn thất, hy sinh to lớn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Hà Tĩnh đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ với tinh thần “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Lực lượng dân công hoả tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra chiến trường tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: Văn Sắc/TTXVN
Toàn tỉnh đã dấy lên phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, sản xuất giỏi, chiến đấu và phục vụ chiến đấu giỏi. Trong sản xuất đã xuất hiện nhiều điển hình thâm canh lúa đạt trên 5 tấn/ha, Đại Thanh, Mật Thiết, Trung Hòa, Cẩm Nam... đã có những nhà máy cơ khí hiện đại như Ấp Bắc, Thông Dụng; trong phong trào giáo dục, xuất hiện ngọn cờ Cẩm Bình nổi tiếng cả nước.
Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 267 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 34 tàu chiến, tàu biệt kích của địch, trong đó có những máy bay hiện đại như “cánh cụp”, “cánh xòe”, máy bay F105, máy bay trực thăng, bắt giặc lái...
Với quyết tâm thi đua bắn rơi máy bay địch, nhiều đơn vị đã nổi lên như Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ kiên cường đánh địch bảo vệ tuyến đường số 1, bắn rơi 7 máy bay Mỹ; các đơn vị nữ dân quân Kỳ Phương (Kỳ Anh), Thạch Đỉnh (Thạch Hà) và lão dân quân Kỳ Tiến (Kỳ Anh) đều bắn rơi máy bay Mỹ…
Trận địa dưới chân núi Nài. Ảnh tư liệu
Nhiều địa danh, tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử như là huyền thoại với những chiến công vang dội, tiêu biểu như: núi Nài, Đèo Ngang. Chỉ trong ngày 26/3/1965, quân và dân TX Hà Tĩnh đã bắn rơi 9 máy bay, quân và dân Kỳ Anh bắn rơi 3 máy bay của Mỹ…
Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, ghi danh Tiểu đội TNXP anh hùng “Mười cô gái Đồng Lộc” (thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55) “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm” đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng. Anh hùng La Thị Tám và nhiều anh hùng, chiến sỹ, bộ đội, TNXP và quân dân ở Đồng Lộc đã viết lên huyền thoại ở Ngã ba Đồng Lộc.
Các cựu nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc ôn lại ký ức một thời đạm bom.
Từ năm 1965-1975, toàn tỉnh có 92.913 thanh niên nhập ngũ (chiếm 10% dân số toàn tỉnh lúc đó), 334.128 lượt người đi dân công hỏa tuyến, 10.636 TNXP; 13.024 người con của Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường... Nhiều tập thể và cá nhân được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, nhiều bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tất cả các huyện, thị xã đều được phong tặng là đơn vị Anh hùng LLVT Nhân dân. Hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ và Nhân dân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các loại huân, huy chương cao quý.
Hồ Kẻ Gỗ - công trình thể hiện sự đoàn kết, ý chí quyết tâm, sức mạnh tổng hợp của lòng dân Hà Tĩnh.
Thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V (ngày 27/12/1975) về việc điều chỉnh một số đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, từ năm 1976, tỉnh Hà Tĩnh hợp nhất với tỉnh Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Trải qua 3 kỳ kế hoạch xây dựng CNXH (từ năm 1976-1990), tình hình KT-XH vùng Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến đáng kể.
Cơ sở vật chất, kỹ thuật trong các ngành kinh tế, nhất là trong nông nghiệp được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đặc biệt, sau 3 năm phấn đấu quyết liệt, ngày 26/3/1979, công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ đã cơ bản hoàn thành, đưa hàng vạn héc-ta vùng hạ du thoát cảnh hạn hán. Kẻ Gỗ là công trình có ý nghĩa lớn về kinh tế, là công trình văn hóa, thể hiện sự đoàn kết, ý chí quyết tâm, sức mạnh tổng hợp của lòng dân.
(Còn nữa)
Nguồn tin: baohatinh.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn