Hội thảo khoa học Đề xuất giải pháp chính sách khuyến khích nông dân sử dụng đất sản xuất nông nghiệp
Thứ sáu - 01/04/2022 00:06
Sáng 31/3/2022, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Hội thảo khoa học Đề xuất giải pháp chính sách khuyến khích nông dân sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả ở khu vực phía Bắc. Về dự và chỉ đạo Hội thảo có đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội, cùng các đồng chí cán bộ Trung ương Hội; các chuyên gia của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); đồng chí Nguyễn Thị Mai Thủy – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; các đồng chí lãnh đạo và đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, cùng đại diện một số giám đốc hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Giai đoạn 10 năm vừa quan, các cấp Hội Nông dân các cấp đã tham gia tích cực vào các chương trình phát triển kinh tế nông thôn, như Chương trình Nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo bền vững. Hội Nông dân đã phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và các địa phương thúc đẩy phát triển các HTX, THT; phát triển các chuỗi giá trị nông sản. Những kết quả đó đã làm tăng hiệu quả sử dụng đất, từ cánh đồng 50 triệu/ ha, đến nay nhiều diện tích đất đã tăng lên 300 – 400 triệu đồng/ ha (không kể đến những diện tích đất cây công nghiệp). Song thực tế sử dụng đất nông nghiệp những năm qua vẫn bộc lộ một số vấn đề lớn ở các địa phương, như: Vấn đề bỏ hoang ruộng đất; Vấn đề thiếu lao động chất lượng cao trong nông nghiệp, Hiệu quả sử dụng đất thấp. Vì vậy cần tìm ra giải pháp, chính sách khuyến khích nông dân sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tiết kiệm.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu
Báo cáo tại Hội thảo, đồng chí Trần Trung Thành – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, đến ngày 31/12/2020 có tổng diện tích 498.956 ha, chiếm 83,23% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp để trồng cây hàng năm (lúa và cây hàng năm khác) có tổng diện tích 93.265 ha, chiếm 15,55% tổng diện tích tự nhiên và 18,69% diện tích đất nông nghiệp. Về sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đến nay diện tích do hộ gia đình, cá nhân sử dụng 77.414 ha, chiếm 83% tổng diện tích; còn lại (15.851 ha) do UBND cấp xã quản lý. Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 1,33%. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng từ 48,8% lên trên 53%; tỷ trọng nhóm các sản phẩm chủ lực tăng từ 30,4% lên trên 46%; giảm tỷ trọng trồng trọt từ 49% xuống còn 43%; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng từ 70 triệu đồng/ha lên trên 90 triệu đồng/ha. Những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành một số nội dung cơ chế, chính sách liên quan đến sử dụng đất hiệu quả như tại Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 về Quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2017-2018 ; Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2019-2020. Kết quả hấp thụ, tổng ngân sách giải ngân giai đoạn 2017-2020 về kinh phí chính sách hỗ trợ cải tạo đất đạt 2.179 triệu đồng (121,6 ha) và kinh phí hỗ trợ thuê lại quyền sử dụng đất là 2.048 triệu đồng (131,8 ha). Trong 10 năm qua đã xây dựng, nâng cấp 71 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 1.667 km kênh mương nội đồng, đưa diện tích tưới ổn định cả năm lên 113.910 ha; đã cấp nước tưới chủ động cho hơn 99.000 ha lúa cả năm, tăng gần 5.000 ha so với năm 2009; hoàn thành nâng cấp, sửa chữa được 61 hồ chứa, xây dựng mới được 10 hồ chứa, cụ thể như: Hệ thống thuỷ lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang; hồ chứa: Khe Xai, Đá Hàn, Cỏ Lăn, Khe Trúc …; nâng cấp sửa chữa hồ chứa như hồ: Đập Bún, Thượng Tuy, Sông Rác, Mạc Khê …
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp thời gian qua còn một số hạn chế, đó là: Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm, liên kết sản xuất với doanh nghiệp còn rất ít, quy mô nhỏ với thời gian ngắn và chưa bền vững. Hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể còn thấp; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu. Tích tụ, tập trung ruộng đất, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi giá trị còn hạn chế, nhất là trong sản xuất trồng trọt. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn chậm. Chuyển dịch cơ cấu lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp còn chậm (bình quân chỉ có 1,2%/năm lực lượng lao động làm việc trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp được chuyển đổi sang làm việc trong các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ); lao động làm việc trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng còn cao (46,5%, bình quân cả nước 40,3%). Thu nhập và đời sống của người nông dân nhìn chung còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng thuần nông, độc canh cây lúa… Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Hà Tĩnh không nằm trong cơ sở sản xuất cây vụ Đông, hệ số sử dụng đất vùng sản xuất 2 lúa, 1 năm sử dụng 2 lần; vùng sản xuất màu hệ số 3 lần. Nông dân Hà Tĩnh không bỏ ruộng, tuy nhiên có tình trạng bỏ hoang vụ sản xuất tại một số vùng do thời tiết khắc nghiệt và nhiều nguyên nhân khác; có một số hộ tuy không sản xuất, nhưng không cho mượn, không cho thuê.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết, thực tế vẫn còn nhiều nông dân chưa khai thác đất đai có hiệu quả, chưa chú trọng tái tạo đất.
Ông Đỗ Quang Việt, chuyên gia của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến thuế đất nông nghiệp. Phát biểu kết luận hội thảo. đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao việc Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn mang lại nhiều hiệu quả trong thời gian qua. Qua tham luận và thực tiễn cho thấy nhiều nông dân, hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Tĩnh đã đạt được thành công nhờ vận dụng tốt các chính sách, phát huy thế mạnh địa địa phương vào sản xuất. Tuy nhiên, nhìn chung, các hợp tác xã, người nông dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn về đất đai, nguồn vốn sản xuất... Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Đoàn công tác Trung ương Hội sẽ tổng hợp và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích nông dân sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả. Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Mai Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh mong rằng, thời gian tới trên cơ sở kết quả đề tài khoa học của Trung ương Hội Nông dân, các cấp, ngành sẽ sớm có những chính sách, giải pháp phù hợp, nhằm góp phần giúp nông dân sử dụng đất hiệu quả.