Cung ứng phân bón trả chậm góp phần giúp nông dân sản xuất kịp thời vụ
Thứ sáu - 24/02/2023 02:54
Trong nhiều năm qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân – Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho người dân thông qua liên kết với các doanh nghiệp, công ty phân bón hàng đầu của ngành phân bón Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân có ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân có vật tư sản xuất kịp thời vụ, đồng thời tiếp cận và sử dụng vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng, góp phần tăng năng suất cây trồng.
Nhiều nông dân trăn trở vì “cõng” chi phí sản xuất, bởi giá vật tư nông nghiệp, trong đó có giá phân bón hiện ở mức cao, chi phí thuê đất, nhân công… cũng tăng vọt, khiến cho trồng lúa ngày càng bị teo tóp không có lãi. Đôi khi vào vụ sản xuất nông dân không có tiền, đành phải chấp nhận mua phân bón trả nợ sau với giá cao từ các đại lý. Nhưng từ vụ Hè thu năm 2017, người nông dân trên địa bànthôn Kim Nam Tiến, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh lại không còn bận tâm với nỗi lo này. Đầu vụ sản xuất Hè thu năm 2017 đến nay, gia đình ông Phạm Hồng Bình, thôn Kim Nam Tiến,xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh cũng như người dân trên địa bàn toàn xã Kỳ Tiến không còn phải lo vay mượn tiền mua phân bón để sản xuất.
Ảnh: Ông Phạm Hồng Bình -Chi hội trưởng nông dân thôn Kim Nam Tiến, Kỳ Tiến tích cực đi đầu trong hoạt động cung ứng phân bón trả chậm cho người dân
Ông Bình cho biết: "Gia đình tôi có 5 sào, trước đây đầu mỗi vụ sản xuất, gia đình đều phải lo một khoản tiền lớn để mua phân bón. Có những thời điểm khó khăn, không có tiền mua phân bón, vật tư sản xuất nên bị chậm thời vụ. Kể từ khi tiếp cận chương trình mua phân bón trả chậm thông qua Hội Nông dân, được Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện đứng ra tín chấp với doanh nghiệp cung ứng phân bón, chúng tôi được mua phân bón NPK Lâm Thao theo phương thức trả chậm, giúp gia đình tôi giảm bớt khó khăn, yên tâm sản xuất”. Cũng theo ông Bình, từ đầu mỗi vụ sản xuất, bà con đăng ký số lượng, chủng loại phân bón với Hội Nông dân xã. Trước khi vào sản xuất khoảng 20 ngày, Trung tâm Hỗ trợ nông dân phối hợp với các doanh nghiệp sẽ vận chuyển phân bón về cung ứng cho nông dân. Sau khi kết thúc vụ thu hoạch, nông dân mới phải thanh toán, theo báo giá đã niêm yết, thời gian vay linh hoạt 6 tháng với các đơn vị sản xuất lúa, rau màu, 1 năm với các đơn vị chuyên trồng cây ăn quả. Tính riêng vụ Đông xuân 2022-2023 và Hè thu 2022, Hội Nông dân xã đã cung ứng gần 100 tấn phân Lâm Thao các loại kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, giảm bớt gánh nặng chi phí và chất lượng phân bón cho người dân trên địa bàn thôn.
“Mấy năm trước, phải dùng nhiều loại phân trộn lẫn với nhau để bón cho cây lúa. Có khi trộn hơi quá tay vãi xuống làm cháy lúa, nhưng từ khi người nông dân chúng tôi đăng kí mua phân bón trả chậm thì chỉ bón duy nhất một loại phân bón từ đầu cho đến cuối vụ. Mỗi sào, tôi được hướng dẫn bón 25 kg phân bón lót 5.10.3 của Lâm Thao, 10 kg 12.5.10 bón thúc và 5-10 kg bón đón đòng, không cần phải bón thêm đạm urê” - ông Bình chia sẽ.
Tập huấn quy trình, kỹ thuật sử dụng phân bón, chăm sóc cây trồng cho nông dân
Chỉ tính riêng vụ Đông xuân năm 2022 - 2023, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã phối hợp triển khai và cung ứng tận các cơ sở Hội trên địa bàn toàn tỉnh chương trình mua phân bón theo phương thức trả chậm với hơn 1880 tấn các loại phân bón Lâm Thao, Bình Điền, vụ Hè thu 2022 với 320 tấn. Từ chương trình bán phân bón trả chậm sẽ hạn chế vấn đề giá cả lên xuống thất thường, phân bón giả, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường đã không còn là nỗi lo lắng đối với người nông dân. Theo chương trình ký kết, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền Quảng Trị, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn thông qua Trung tâm Hỗ trợ nông dân chở phân bón về tận xã cung ứng cho nông dân theo giá niêm yết theo hệ thống Hội trên địa bàn toàn tỉnh theo mùa vụ. Trung tâm cùng các công ty, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và giá cả của các loại phân bón. Hội Nông dân huyện đứng ra chịu trách nhiệm ký kết chương trình để hội viên mua phân bón trả chậm. Sau khi thu hoạch, Hội Nông dân các cấp chịu trách nhiệm thu đủ tiền phân bón và hoàn trả Trung tâm. Ngoài ra Trung tâm Hỗ trợ nông dân còn phối hợp với các công ty, Hội Nông dân các cấp về tận thôn xóm tập huấn về quy trình, kỹ thuật sử dụng phân bón, chăm sóc cây trồng cho nông dân để họ áp dụng vào sản xuất một cách hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Ông Nguyễn Tiến Anh – Ủy viên Ban Thường vụ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Trung tâm nhận thấy đây là chương trình mang lại hiệu quả cho nông dân, giúp nông dân giảm bớt khó khăn trong sản xuất. Chính vì vậy Trung tâm đã liên kết với các doanh nghiệp phân bón có bề dày lịch sử, là những doanh nghiệp phân bón lớn của cả nước, uy tín và chất lượng sản phẩm đã được khẳng định trên thị trường để cung ứng cho hội viên nông dân trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình phân bón trả chậm tạo điều kiện cho hội viên, nông dân kịp thời đầu tư sản xuất, đồng thời tiếp cận và sử dụng vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, nhất là nguồn phân bón chính hãng - một mặt hàng vốn bị làm giả rất nhiều trên thị trường..
Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại cho nông dân, chương trình bán phân bón trả chậm còn tăng thêm sự gắn bó giữa hội viên nông dân với tổ chức Hội, ngày càng có thêm nhiều nông dân tham gia vào Hội để được hưởng lợi từ các dịch vụ hỗ trợ nông dân.
Nguồn tin: Nguyễn Thu và Đắc Tài - Trung tâm HTND tỉnh