Theo các chuyên gia nông nghiệp, đốt rơm, rạ ngay trên thửa ruộng sau thu hoạch là một việc gây nhiều tác hại và lãng phí tài nguyên. Các chất hữu cơ có trong rơm rạ trong quá trình đốt sẽ biến thành các chất vô cơ làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng. Đặc biệt, việc đốt rơm rạ còn gây mất cân bằng hệ sinh thái trên chính thửa ruộng đó. Quá trình đốt rơm rạ ngoài trời không kiểm soát được lượng dioxid carbon (CO2) cùng với CO, CH4, NO2, SO2,… các khí trên đều có hại cho sức khỏe con người và làm tăng mức thải khí nhà kính vào bầu khí quyển. Việc đốt như vậy còn tạo ra khói bụi làm hạn chế tầm nhìn gây tai nạn giao thông.
Trong khi đó, nếu sử dụng chế phẩm sinh học vi sinh xử lý rơm rạ ngay tại ruộng, sẽ làm cho rơm, rạ phân hủy nhanh thành các chất rễ hấp thụ cho cây lúa. Đồng thời tạo độ tơi xốp cho đất, cây trồng vụ tiếp theo dễ hấp thụ ôxy. Đây là điều kiện thuận lợi cho các con sinh vật trong đất phát triển như giun, dế; giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, lúa cứng cây nên khả năng chống đổ tốt; cây lúa hấp thụ phân bón một cách tối đa, trỗ đều, hạt mẩy. Theo các chuyên gia, khi sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ tại đồng ruộng đã khắc phục tình trạng lúa nghẹt rễ, ngộ độc hữu cơ sau khi gieo sạ, hạn chế sâu bệnh gây hại trên cây lúa. Về lâu dài, việc sử dụng chế phẩm này sẽ bổ sung lượng phân hữu cơ làm tăng độ phì nhiêu của đất, góp phần giữ độ màu mỡ, bảo vệ môi trường, giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, việc dùng chế phẩm sinh học người dân không phải sử dụng thuốc diệt cỏ, đã hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường trong đất, nước và tồn dự trong hạt thóc…
Từ những tác hại của việc đốt rơm rạ ngay trên thửa ruộng sau thu hoạch và lợi ích của việc dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ sau thu hoạch, chúng tôi mong rằng Hội Nông dân các cấp, nhất là cấp xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân sử dụng chế phẩm để xử lý rơm, rạ sau thu hoạch thành phân bón, để góp phần giảm chi phí sản xuất, từng bước nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm; nâng cao trách nhiệm của nông dân trong bảo vệ môi trường nông thôn. Qua đó, góp phần hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng khắc phục và cải thiện môi trường phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.