Khởi nghiệp từ mô hình nuôi dúi tại xã Tân Dân, huyện Đức Thọ
Thứ năm - 29/12/2022 22:10
Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, cùng với tinh thần vượt khó, sáng tạo, anh Nguyễn Gia Chinh, sinh năm 1983, ở thôn Đồng Hòa, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ đã tìm cho mình hướng đi trong phát triển kinh tế, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Anh Nguyễn Gia Chinh sinh ra và lớn lên tại thôn Đồng Hòa, là một gia đình nông dân nghèo, nên phải xa quê lập nghiệp từ sớm làm đủ mọi nghề để mưu sinh. Cơ duyên đến với anh vào năm 2020, anh được bạn bè giới thiệu đến tham quan mô hình nuôi Dúi ở Quảng Ngãi, qua học tập và tìm hiểu anh thấy điều kiện chăn nuôi loài vật này dễ nuôi và khá phù hợp ở địa phương quê nhà nên đã mạnh dạn quyết định hồi hương khởi nghiệp. Năm 2021, bước đầu anh Chinh mua 100 con giống về nuôi thử tại thôn Đồng Hòatheo hình thức trang trại. Qua thời gian chăm sóc, đàn Dúi sinh sản và phát triển khỏe mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao.
Anh Chinh cho biết, so với các vật nuôi khác thì dúi thuần rất ít bệnh, dễ chăm sóc, sức đề kháng tốt. Quá trình sinh trưởng, dúi con nuôi được 6 đến 7 tháng thì có thể ghép đôi để giao phối. Thời gian sinh sản của dúi rất ngắn, kể từ khi giao phối đến khi sinh sản là 45 ngày. Khi Dúi nuôi con được 45 ngày thì tách mẹ nuôi thành dúi thịt. Sau 3 tháng chăn nuôi có thể xuất bán được, mỗi năm Dúi mẹ sinh sản 3 - 4 lứa, mỗi lứa từ 2 – 5 con. Để dúi phát triển tốt, anh phải thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại. Mùa hè nên phun sương, có thêm quạt điện để làm mát cho vật nuôi, mùa đông thì chuồng trại phải bảo đảm kín gió.Công việc nuôi Dúi không quá phức tạp. Thức ăn của loài nuôi này gồm có tre, ngô, sắn, mía, cỏ voi..., đều là những sản phẩm dễ kiếm tại địa phương. Ưu điểm lớn nhất là Dúi không cần uống nước nên lượng chất thải thấp không gây ô nhiễm môi trường, do đó dễ chăm sóc, ít bệnh, mỗi ngày chỉ ăn 1 bữa vào buổi chiều tối nên lượng chất thải rất ít và sạch. Nuôi Dúi không khó nhưng phải đặc biệt chú ý đến nhiệt độ, nhiệt độ phù hợp nhất là 25 đến 28 độ C.
Chuồng nuôi Dúi được thiết kế đơn giản, có thể xây hoặc dùng gạch lát nền gắn lại với nhau theo kích thước 60x60cm, kín gió, ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Tuy nhiên, môi trường nuôi đòi hỏi khô thoáng, không ẩm ướt, vệ sinh sạch sẽ; nền chuồng phải làm chắc chắn để Dúi không đào trốn ra ngoài. Dúi có đặc tính thích ở nơi ít ánh sáng, khu vực nuôi càng kín thì phát triển càng nhanh.Chăm chỉ, chịu khó tìm tòi nên anh Chinh đã nắm bắt được các đặc điểm, kỹ thuật cơ bản về chăn nuôi dúi thuần. Mặc dù kỹ thuật nuôi dúi khá đơn giản nhưng cần phải thực sự chuyên tâm, dành nhiều thời gian chăm sóc, theo dõi thường xuyên. Đặc biệt là việc tách đàn dúi con, ghép đôi bố mẹ phải phù hợp, tránh làm gián đoạn vòng sinh sản của dúi mẹ. Thức ăn trong chuồng cũng phải bảo đảm liên tục để phù hợp với đặc tính của loài dúi. Chuồng cũng phải khô ráo, không ẩm ướt, tránh mắc bệnh tiêu chảy cho đàn dúi. Người nuôi cần thường xuyên quét dọn, xử lý phân thải và thức ăn cũ thừa, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Trong đó, cần chú ý hai loại bệnh thường gặp là đường ruột và hô hấp trên đàn dúi… Nhờ tuân thủ quy trình, quy định về điều kiện chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường nên mô hình nuôi Dúi của anh Chinh đã được Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cấp giấy phép chăn nuôi. Sau hơn hai năm khởi nghiệp, với nhiều gian truân, thử thách, từ những cặp Dúi giống ban đầu, đến nay, trang trại của anh Chinh đã có tổng cộng gần 500 con Dúi thương phẩm và Dúi sinh sản. Mỗi năm, Dúi mẹ sinh sản từ hai đến bốn lứa, mỗi lứa đẻ 2-3 con. Dúi thương phẩm nuôi từ 8-10 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng từ 1,2-2kg/con. Giá bán từ 500.000đ - 600.000đ/kg Dúi thịt và 1,4 - 2,2 triệu đồng/cặp Dúi giống, tùy cân nặng. Tính ra từ bán Dúi giống và Dúi thương phẩm, mỗi năm trừ chi phí, anh Chinh thu về hơn 300 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập mà nhiều người nông dân trong vùng đều mong ước. Không chỉ thu nhập cho bản thân, anh còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động tại địa phương với mức lương 6 triệu đồng tháng. Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Chinh cho biết: “Thời gian tới, tôi phấn đấu nhân đàn lên 2000 con để ổn định thu nhập những năm tiếp theo. Ngoài ra, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật về quy trình nuôi dúi cho những ai có nhu cầu, nhằm giúp bà con thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Nếu mô hình nuôi dúi được nhân rộng trên địa bàn xã, việc đầu tiên tôi sẽ làm chính là tìm kiếm nơi tiêu thụ ổn định cho bà con”.Mô hình nuôi Dúi của anh Nguyễn Gia Chinh thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định. Đây là mô hình nuôi động vật rừng được cấp giấy phép thành công đầu tiên trên địa bàn huyện Đức Thọ rất cần khuyến khích, nhân rộng và có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn. Mô hình nuôi Dúi của anh Nguyễn Gia Chinh là mô hình mới tại địa phương. Hiệu quả từ mô hình này đang mở ra hướng mới trong chăn nuôi của người dân xã Tân Dân. Giá trị kinh tế từ nuôi dúi mang lại lớn, chi phí chăm sóc không nhiều, lại không gây ô nhiễm môi trường nên địa phương đang khuyến khích bà con trên địa bàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm để có thể nhân rộng, nâng cao thu nhập. Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Gia Chinh đã có cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế. Mô hình nuôi dúi của anh Chinh đã và đang thu hút người dân trên địa bàn đến tham quan, học hỏi.