Năm 1980, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng An ninh 1 (Sóc Sơn - Hà Nội), chàng trai trẻ Lê Xuân Bính hăm hở nhận nhiệm vụ tại mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc - huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Sau 13 năm gắn bó, năm 1993, ông Bính trở lại quê nhà, công tác tại Đội Cảnh sát Hình sự - Công an huyện Hương Sơn cho đến ngày về hưu (năm 2007) với quân hàm thiếu tá.
Năm 2012, huyện Hương Sơn có chủ trương khuyến khích các hộ gia đình liên kết với các doanh nghiệp lớn để mở rộng mạng lưới chăn nuôi vệ tinh, tăng đàn lợn nái. Nắm bắt cơ hội này, vị thiếu tá về hưu Lê Xuân Bính quyết định rẽ hướng mới, đầu tư phát triển kinh tế. Ông xin thuê 5,8 ha đất tại thôn 5, xã Sơn Long để đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái gia công cho Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco).
Nhân viên thú y Mitraco tiêm phòng dịch cho lợn con tại trang trại của ông Bính.
Quyết định mạo hiểm của ông Bính khiến nhiều người hoài nghi, người thân trong gia đình phản đối bởi nguồn đầu tư quá lớn (hơn 8 tỷ đồng) để xây dựng 4 chuồng nuôi lợn nái, mỗi chuồng rộng hơn 1.000 m2.
Thời điểm đó, ông Bính được nhận hỗ trợ với số tiền hơn 900 triệu đồng của huyện Hương Sơn; 900 triệu đồng của tỉnh (hỗ trợ 2 triệu/lợn nái) theo Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 29/8/2011 về quy định một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015. Ngoài ra, ông Bính còn được UBND tỉnh hỗ trợ lãi suất đối với số tiền trên 200 triệu đồng kinh phí xây dựng hạ tầng trang trại.
Ông Lê Xuân Bính luôn ghi chép tỉ mỉ quy trình chăn nuôi, đảm bảo chất lượng con nuôi.
“Nếu không có nguồn hỗ trợ từ tỉnh, huyện thì dự án của tôi không thể triển khai. Không chỉ từ nguồn lực, các chính sách là động lực để chúng tôi hiện thực hóa ý tưởng của mình một cách vững chắc ngay từ khi mới bắt đầu" - ông Bính cho hay.
Trong khu vực chăn nuôi luôn có công nhân dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.
Sau quá trình gian nan mở đường vào trại, xây dựng, lắp đặt trạm điện cách xa hàng km, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, tháng 6/2013, trại lợn của ông Lê Xuân Bính tiếp nhận 450 lợn nái mẹ với trọng lượng trên 100 kg/con về nuôi. Số lợn nái này được phân bổ từng đợt (mỗi đợt từ 50 - 100 con) để nuôi theo hình thức cuốn chiếu. Giống nái mới nhận về được nuôi cách ly tại khu vực riêng trong khoảng thời gian từ 18 - 20 ngày để theo dõi sức khoẻ, dịch bệnh, đảm bảo an toàn trước khi sinh sản.
“Để nuôi liên kết, chủ trang trại phải đầu tư chuồng trại đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu chăn nuôi quy mô lớn theo quy định của doanh nghiệp. Đổi lại, các yếu tố khác như: cung cấp lợn nái mẹ, thức ăn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, đến bao tiêu sản phẩm đều do Mitraco đảm nhận. Quá trình chăn nuôi, chúng tôi phải tuân thủ chặt những quy định nghiêm ngặt về công tác phòng dịch, quy trình kỹ thuật, thức ăn, chế độ cách ly chuồng trại...” - ông Lê Xuân Bính cho biết thêm.
Đàn lợn được sưởi ấm trong những ngày giá rét.
Đặc biệt, yêu cầu thường xuyên đó là trang trại phải cắt cử người phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột để phòng ngừa dịch bệnh. Vào những thời điểm dịch bệnh như: tai xanh, tả châu Phi xuất hiện, 100% công nhân buộc phải ăn ở tại trang trại, không được phép ra ngoài.
Nhờ tuân thủ nghiêm nên 3 năm gần đây, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Hương Sơn (tháng 3/2019, tháng 11/2020, tháng 12/2021), trang trại lợn của ông Lê Xuân Bính vẫn duy trì sản xuất ổn định.
Nơi ăn ở của công nhân rất ngăn nắp, sạch sẽ.
Hiện nay, với 400 con lợn nái, mỗi năm đẻ 2,5 lứa, trang trại của ông Bính luôn có khoảng 10.000 lợn con. Lợn con ở với mẹ từ khi sinh ra đến 21 ngày tuổi, sau đó sẽ được tách ra để nuôi thương phẩm trong vòng 63 ngày và nhập về cho Mitraco.
Theo tính toán, trung bình mỗi năm, ông Lê Xuân Bính nuôi 17 - 20 lứa lợn thương phẩm, mỗi lứa 500 con, doanh thu của trang trại đạt 3,5 tỷ đồng/năm. Trừ tất cả chi phí, mỗi năm ông thu lãi 1,7 - 1,8 tỷ đồng.
Ông Hồ Sỹ Huy Thảo - Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco khẳng định, đây là một trong những trang trại vệ tinh thành công nhất của Mitraco nhờ tuân thủ nghiêm quy trình nuôi cũng như công tác phòng trừ dịch bệnh. Trong 3 năm gần đây, mặc dù nhiều cơ sở chăn nuôi trên cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đều lao đao bởi dịch tả lợn châu Phi nhưng trang trại của ông Lê Xuân Bính vẫn an toàn, góp phần tạo sự ổn định trong sản xuất, kinh doanh của toàn công ty.
Toàn cảnh hệ thống trang trại lợn của ông Lê Xuân Bính.
Đánh giá về mô hình của ông Lê Xuân Bính, Chủ tịch UBND xã Sơn Long Phạm Bình Luận cho biết: “Trang trại của ông Bính là một trong những cơ sở có doanh thu lớn nhất không chỉ ở Sơn Long mà còn trên địa bàn huyện Hương Sơn. Sự thành công của trang trại, ngoài việc góp phần giúp xã Sơn Long nâng thu nhập bình quân đầu người lên 46 triệu đồng/năm, còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng”.
Nguồn tin: baohatinh.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn