Hội nông dân tỉnh hà tĩnh

Hội nông dân tỉnh hà tĩnh

Ha Tinh Farmer's union

Kỹ thuật chăm sóc bưởi Phúc Trạch sau thu hoạch

Thứ sáu - 03/11/2023 04:15
Sau một thời kỳ dài tích lũy dinh dưỡng để nuôi quả, cây bưởi đã bị yếu đi rất nhiều, sức đề kháng của cây với điều kiện tự nhiên và sâu bệnh hại giảm, việc thu hoạch quả sẽ để lại những vết cắt trên cây dễ bị nấm bệnh xâm nhập và tấn công gây hại; ngoài ra, nhiều vườn bưởi hiện nay đều là vườn tạp, cây trồng sinh trưởng kém cần được đầu tư khôi phục. Để cho vườn bưởi không bị suy yếu và không bị giảm năng suất vụ quả sau, thông thường sau mỗi mùa thu hoạch cây cần phải chăm sóc để phục hồi trở lại. Vì vậy, bà con cần áp dụng các biện pháp canh tác sau để giúp cây bưởi hồi phục nhanh, phân hóa mầm hoa thuận lợi, tạo tiền đề cho vụ quả năm tiếp theo.
Kỹ thuật chăm sóc bưởi Phúc Trạch sau thu hoạch
1. Vệ sinh vườn bưởi sau thu hoạch:
1.1. Dọn dẹp, vệ sinh vườn:
- Thu gom dọn sạch toàn bộ các loại rác tải, tàn dư thực vật cành, lá, quả … đem chôn lấp hoặc tiêu hủy để hạn chế tàn dư sâu bệnh gây hại cho vụ sau.
- Làm sạch cỏ dại.
+ Ngoài tán: Cắt ngắn cỏ, chừa lại 5 – 10cm cỏ che phủ mặt đất (hoặc che phủ bằng rơm rạ).
+ Trong tán: Dọn sạch cỏ, lá cây để gốc cây được khô ráo. Không được để vật liệu che tủ (rơm, rạ, xơ dừa…) sát gốc, để cách gốc 20 – 30cm tránh các bệnh như: nấm, vi khuẩn…
- Sau khi dọn dẹp vườn tiến hành khử trùng bằng vôi bột, rải đều vôi toàn bộ vườn với liều lượng 15–20kg vôi bột/sào (nếu có điều kiện cần xăm nhẹ đất sâu 7–10cm trước khi rải vôi), sau rải vôi nên phủ rơm, rạ hoặc vỏ lạc.
1.2. Đốn tỉa: Đốn tỉa những cây trồng hiệu quả thấp, cây trồng xen; trồng bổ sung cây 2 – 3 năm tuổi, cây để lấy phấn, cây che bóng đảm bảo mật độ.
1.3. Cắt tỉa cành: Biện pháp tỉa cành tạo tán sau thu hoạch là một giải pháp kỹ thuật không thể thiếu nếu muốn có năng suất và sản lượng cho vụ sau; việc tỉa cành không chỉ giúp loại bỏ những cành sâu bệnh, những cành vượt, cành tược mà còn giúp cây tiết kiệm được dinh dưỡng để nuôi cành hữu hiệu, đồng thời góp phần loại trừ mầm bệnh cho những vụ kế tiếp.
Sau khi thu hoạch, cần cắt bỏ cành sâu bệnh, cành mọc không đúng hướng, cành và chồi vượt nằm bên trong tán, cành mọc sà dưới đất và cả những đoạn cành đã mang quả ...
 
image 20231103150721 1
Cách cắt tỉa cây trồng
1.4. Vệ sinh thân cây:
+ Đối với cây bưởi bị nấm và địa y (meo) bám ngoài vỏ: Thông thường bà con dùng chổi rành cùn quét mạnh để làm sạch nấm và địa y, cách này dễ gây xước, làm tổn thương vỏ cây tạo thuận lợi cho sâu bệnh xâm nhập và gây hại. Để loại bỏ meo bám trên cây bưởi mà không làm tổn thương đến cây, nhà vườn nên sử dụng Nano đồng; nước vôi loãng hoặc Boocdo 1% phun lên thân và cành chính, sau 5 – 7 ngày nấm và địa y chết sẽ tự lóc ra, dùng chổi rành quét nhẹ thân cây sẽ sạch; vệ sinh xong sử dụng nước vôi hoặc Boocdo 5 -10%, quét thân và một phần cành chính để hạn chế sâu bệnh gây hại.   
+ Đối với cây không bị nấm và địa y bám ngoài vỏ: Tiến hành quét vôi hoặc Boocdo 5 - 10%, vào thân cây, cành chính ngăn sự cư trú của sâu bệnh, quét cao khoảng 1 – 1.5 m và rải vôi bột xung quanh gốc cây nhất là những cây bị bệnh.
2. Xử lý bộ rễ.
Từ khi quả bưởi chín đến kỳ thu hoạch cũng là lúc cây suy kiệt mà biểu hiện rõ nhất là rễ tơ và lá. Rễ tơ thường gọi là rễ cám ăn nông sát mặt đất mọc từ những rễ bên ăn lan ra quanh tán lá, các đầu lông mút của rễ dược ví như các "pit tông" bơm hút nước, dinh dưỡng từ đất dưới áp lực nhựa cây đưa lên lá quang hợp tạo thành chất dinh dưỡng; số lượng quả trên cây càng nhiều thì cường độ hoạt động của rễ tơ càng lớn đồng nghĩa với sự già hóa càng cao; cây bưởi càng nhiều năm tuổi, năng suất quả càng cao rễ tơ càng nhanh già cỗi và cần phải tạo lập rễ tơ mới, nếu để lưu lại rễ tơ cũ cây hồi phục chậm, sinh trưởng yếu, lượng quả năm sau thấp; khi xử lý bộ rễ sẽ tạo điện kiện cho cây phát triển rễ tơ mới (loại bỏ rễ cũ thúc đẩy sinh trưởng rễ mới). Bộ rễ mới được thay thế một phần giúp cây tăng cường hiệu suất hấp thu dinh dưỡng, tăng năng suất và độ ngọt quả ở vụ kế tiếp. Vì vậy, cần tiến hành xử lý đất quanh tán làm thông thoáng đất kết hợp phá bỏ rễ tơ cũ, thời gian xử lý vào đầu tháng 11 dương lịch, (nếu xử lý sớm cây sẽ ra hoa), cách làm như sau:
Xăm nhẹ đất 5 – 7cm trong tán, cuốc xung quanh vùng rễ cây theo hình chiếu tán (rộng 20 – 30cm, sâu 30 – 40cm) làm đứt phần rễ tơ, phần rễ ngoài cùng của cây nhằm làm giảm khả năng hút dinh dưỡng và nước từ đất lên các bộ phận trên mặt đất qua đó hạn chế hiện tượng phát sinh – phát triển lộc đông.
+ Trong quá trình xử lý rễ, phơi đất vùng rễ (5 – 7 ngày) nếu gặp điều kiện thời tiết khô hanh kéo dài, có biểu hiện héo lá nhẹ cần tưới nước bổ sung (tưới nước duy trì, không tưới dẫm).
+ Sau khi cuốc rễ, làm đứt rễ chúng ta vô tình tạo vết thương trên bộ rễ tạo điều kiện cho nấm khuẩn xâm nhiễm gây bệnh, do đó cần dùng các loại chế phẩm phòng trừ nấm khuẩn cho bộ rễ như: Aliette 800WG, Mataxyl 500WP, chế phẩm Trichoderma NANO … để phun hoặc tưới trực tiếp lên phần vừa xử lý làm đứt rễ. 
3. Bón phân phục hồi và tưới nước.
Sau khi thu quả cây còn yếu nên chú ý thành phần các chất dinh dưỡng phải cân đối, tránh bón nhiều đạm vì cây chưa hấp thụ ngay được do rễ tơ non nhú ra bị xót, chậm phát triển, đạm tự do sẽ kích thích cây phát lộc sớm, giảm số lượng hoa dẫn đến giảm năng suất.
Phân bón cũng cần được bổ sung đầy đủ vôi để khử chua đất cho vùng rễ phát triển, bổ sung chất hữu cơ hoai mục tạo độ xốp đưa không khí vào đất cho rễ tơ hô hấp thông thoáng, đồng thời cung cấp lân, magie, silic, các chất vi lượng, chỉ cần một lượng nhỏ kali và đạm.
3.1. Phân bón lót:
- Phân hữu cơ: Phân chuồng ủ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh…
- Phân vô cơ: Có thể sử dụng phân đơn, phân đa yếu tố hoặc phân hữu cơ khoáng để bón (Bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ không sử dụng phân vô cơ, chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng theo quy trình và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật). Lượng phân bón tính cho 01 gốc như sau:
 

3.2. Phương pháp bón:
- Phương pháp đào rãnh: Đào rãnh vành khăn quanh tán cây (từ mép tán trở ra) rộng 0,2 - 0,3 m, sâu 0,3 – 0,4 m, nếu những vườn trồng dày chúng ta đào rãnh đối xứng; quá trình đào rãnh diễn ra trong những ngày nắng, hanh khô và phơi nắng được 3-5 ngày.
- Kỹ thuật bón:
+ Vôi bột: Sau khi đào rãnh xong để các vết đứt của rễ khô nhựa (sau khoảng 1 ngày) chúng ta bón vôi bột dưới cùng, không trộn lẫn các loại phân, vôi được bón trước các loại phân khác 2-3 ngày.
+ Các loại phân (Phân chuồng hoai mục + phân vô cơ đơnđạm + lân + kali hoặc kết hợp với một trong các loại phân đa yếu tố khác) được trộn đều và bón theo các tỷ lệ ở trên tương ứng với tuổi cây.
(Lưu ý: Việc bón phân được tiến hành trong thời tiết nắng ráo)
+ Tưới nước:
Bón phân xong chúng ta tưới nước đủ ẩm (độ ẩm khoảng 75-80%) vừa đủ để cho phân tan cây hấp thụ từ từ. Không nên tưới quá nhiều nước cho cây vì phân sẽ hòa tan và bị rửa trôi xuống tầng đất sâu rễ không ăn đến, mặt khác nếu thừa nước cây sẽ ra đọt non ảnh hưởng đến việc xử lý ra hoa.
3.3. Bổ sung phân bón qua lá:
- Sau một vụ quả, cây đã sử dụng dinh dưỡng để nuôi cây và nuôi quả nên ngoài việc bị cạn kiệt các nguyên tố đa lượng (Đạm, lân, kali) thì các nguyên tố trung và vi lượng cũng bị thiếu hụt, nên chúng ta cần bổ sung các chất này bằng phương pháp bón qua lá.
- Các loại phân bón qua lá: Phân bón lá Quế lâm, AH Thanh Hà, Phân bón lá Đầu Trâu, Phân bón lá Sông Danh, ....
- Cách pha và liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của các đơn vị sản xuất.
4. Phòng trừ sâu bệnh.
4.1. Phòng trừ sâu và côn trùng gây hại.
a/ Phòng trừ sâu đục thân, đục gốc.
Giai đoạn sau thu hoạch bưởi, sâu hại chủ yếu là sâu đục thân và sâu đục gốc. Đặc điểm và cách gây hại của 2 loại sâu này như sau:
- Sâu đục thân có tên khoa học là Nadezhdiella cantori Hope
Là sâu non của con xén tóc màu nâu nên gọi là xén tóc nâu. Xén tóc nâu thích nơi râm mát, ban ngày ẩn nấp, ban đêm thường tìm đến đẻ trứng vào những kẽ nứt, những chỗ gồ ghề ở thân cây cách mặt đất từ 0,3 đến 1 m. Trong các tháng 5-6-7, sau khi đẻ, 6-12 ngày trứng nở.
Sâu non nở ra chui vào vỏ và phá hoại phần gỗ từ 22 đến 24 tháng, tạo thành những đường đục ngoằn ngoèo không theo qui luật dọc theo thân cây. Sâu hoá nhộng vào khoảng tháng 2 và vũ hoá thành xén tóc nâu vào tháng 3 và tháng 4. Vòng đời của sâu đục thân kéo dài từ 2,5 đến 3 năm.
- Sâu đục gốc có tên khoa học là Anoplophora chinensis Forster
Còn gọi là xén tóc sao hay xén tóc hoa vì trên toàn thân màu đen của con bọ trưởng thành cánh cứng này có điểm khoảng 30 chấm trắng. Con trưởng thành thường ăn bổ sung bằng các phần non của cây, đặc biệt là rễ non trước khi đẻ trứng vào tháng 5, tháng 6, vũ hoá vào tháng 5-6. Trước khi đẻ, xén tóc sao cắn vào gốc cây một vết hình chữ T ngược rồi đẻ trứng vào đó; sau 6-12 ngày thì trứng nở, sâu non di chuyển xuống phía dưới gốc, phá hại phần gốc, rễ cây tiếp giáp với thân. Đầu tiên sâu hại vỏ, sau đó đục vào bên trong phần gỗ, nhiều khi sâu đục cả những rễ to làm cho cây héo toàn bộ, rụng lá và chết; sâu non phá hại trong 2-3 tháng thì nghỉ đông ở gốc cây, đến tháng 3 - 4 năm sau thì hoá nhộng, tháng 5-6 vũ hoá; vòng đời của xén tóc sao là một năm.
Cách phòng trừ: Sau thu hoạch bưởi, sâu đục thân và đục gốc đang ở giai đoạn sâu non, chưa hóa nhộng nên cần phòng trừ như sau:
Quan sát tìm các lỗ đục có phân còn mới. Dùng que sắt, dây phanh xe đạp … chọc vào đường đục diệt sâu; hoặc dùng bơm tiêm bơm thuốc vào đường đục rồi bít chặt bằng đất sét; quét Boóc-đô 5% như đã nêu ở trên để phòng nấm và hạn chế xén tóc đẻ trứng gây hại thân, gốc
Đối với sâu đục gốc, tìm vị trí sâu hoạt động ở phần thân cây ở sát mặt đất, dùng dao nhọn lần theo vết sâu đục và tìm diệt sâu non, hoặc bơm thuốc trừ sâu vào lỗ đục rồi dùng đất sét bịt kín lỗ.
Các loại thuốc có thể sử dụng: Taron 50 EC, Map Judo 25WP, Regent 5SC, Polytrin-P 440EC; Sherpa 25EC; Classico 480EC; Pyrinex 20EC, Cyperan 25EC …
b/ Một số loại nhện gây hại.
Nhện gây hại quanh năm, nhất là vào mùa khô hanh, nắng hạn kéo dài … Trên cây có múi nói chung, cây bưởi nói riêng thời kỳ này có 2 loại nhện gây hại chủ yếu là: Nhện đỏ Panonychus citri và nhện vàng Phyllocoptruta oleivora Ashmead.
- Nhện đỏ Panonychus citri: Trứng tròn, đẻ rải rác trên cả 2 mặt lá. Con cái có màu đỏ đậm, dài 0,35-0,4 mm, con cái đẻ khoảng 20-40 trứng. Loài này có kiểu sinh sản đơn tính, nếu con cái không giao phối sẽ đẻ trứng nở ra hoàn toàn con đực, nếu có giao phối với con đực sẽ đẻ trứng nở ra cả con đực và con cái. Con đực nhỏ hơn con cái, dài khoảng 0,3 mm, có màu cam, hình bầu dục tròn; vòng đời nhện đỏ ngắn thường từ 12-15 ngày. Sự gia tăng mật số nhện đỏ thay đổi tùy theo mùa và điều kiện thức ăn, đặc biệt là tuổi của lá bưởi và các yếu tố khác.
- Nhện vàng Phyllocoptruta oleivora: Nhện có màu vàng tươi, hình thon dài, thích sống mặt dưới của. Do chu kỳ sinh trưởng ngắn nhện có khả năng bộc phát và gây hại nặng rất nhanh; mật số nhện vàng cao vào tháng 5-7 và tháng 10-11 dương lịch.
Cách phòng trừ
- Biện pháp canh tác, cơ giới:
Bón phân cân đối, tưới nước hợp lý, chăm sóc cho cây khỏe, tăng sức chống chịu; cắt tỉa cành, dọn dẹp vườn tạo thông thoáng cho cây và vườn;
Có thể tiến hành tưới nước theo kiểu phun mưa để rửa trôi nhện bám trên các bộ phận của cây.
- Các biện pháp sinh học:
Kiểm tra, lưu giữ và sử dụng các loài thiên địch tự nhiên để khống chế mật độ nhện dưới ngưỡng gây hại như: Bọ rùa Stethorus sp, bọ cánh cộc Oligota, bù lạch 6 chấm Scolothrips Sexmaculatus, bọ trĩ Scolothrips sexmaculatus, bọ xít nhỏ Orius tristicolor, nấm Entomopthora…
- Các biện pháp hóa học:
Nhện đỏ có khả năng kháng thuốc cao, nên sử dụng luân phiên các loại thuốc hóa học có gốc hoạt chất khác nhau để ngăn nhện hình thành tính kháng; các hoạt chất thuốc hóa học, chế phẩm sinh học có thể sử dụng để phòng trừ nhện đỏ như:
Thuốc hóa học: Dầu khoáng, Map Winer 5WG, Map Green 6SL, Radiant 60SC, Alfamite 15EC, Octur 5SC, Comite 73 EC, Nilmite 550EC …
Thuốc sinh học: RV06, Bihoppe 200EC, Selecron 500EC, Rebio T …
4.2. Phòng trừ bệnh hại.
a/ Bệnh vàng lá, thối rễ:
Bệnh do nhiều tác nhân cộng hưởng gây ra. Các tác nhân này bao gồm các loài nấm gây thối rễ như Phytophthora, Fusarium, Pythium, tuyến trùng, rệp hại rễ,… Trong đó, 90% cây bị bệnh do nấm Phytophthora, Fusarium solani và tuyến trùng kết hợp gây ra trong mùa mưa, nếu mưa ẩm kéo dài cộng với vườn thoát nước kém khiến rễ bị úng nước thì tỉ lệ cây bị lá vàng thối rễ sẽ rất cao. Ngoài ra, các vết thương cơ giới, do tuyến trùng và rệp tạo ra ở vùng rễ cũng là nơi để nấm bệnh xâm nhập gây ra bệnh vàng lá. Bệnh vàng lá thối rễ cũng thường xảy ra khi đất bị chai cứng, đóng cục cản trở sự phát triển của rễ… Đây là căn bệnh có thời gian ủ bệnh rất lâu (khoảng 3 tháng), thời gian ủ bệnh cây không hút được nhiều nước và dinh dưỡng nên buộc phải sử dụng nguồn dự trữ trong thân; khi phát hiện bệnh, thường cây đã suy kiệt, bệnh chuyển qua giai đoạn cấp tính nên cần phải xử lý ngay nếu không cây sẽ chết.
- Triệu chứng của bệnh trên lá và rễ
+ Trên lá: Gân lá của cây vàng rực, mô lá cũng vàng; triệu chứng này khác với triệu chứng của bệnh vàng lá Greening lá cũng sẽ vàng nhưng gân lá có màu xanh giống với triệu chứng vàng lá do thiếu chất vi lượng kẽm và magie.
+ Dưới rễ: Khi lá cây bị vàng, tức rễ đã bị thối, nhánh cây bị bệnh hướng nào thì rễ cũng thường bị hư thối ở hướng đó; rễ bị thối có màu nâu, vỏ rễ tuột ra khỏi phần gỗ, bên trong có sọc nâu; rễ thối mất khả năng hút nước và dinh dưỡng nuôi cây từ đó làm cành bị chết khô; khi cây bị thối rễ nặng, tất cả rễ đều bị thối đen và cây bị chết.
- Biện pháp phòng trị
Đối với vườn dễ bị úng nước, cần xẻ rãnh thoát nước, khơi thông cống rãnh thường xuyên trong mùa mưa để tránh bị ngập úng cục bộ.
Tiếp theo cần tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ hoai mục, giảm bớt phân hóa học để cho rễ cây dễ làm việc hơn, khỏe hơn, hạn chế sự tấn công của tuyến trùng và nấm bệnh.
Bón vôi định kỳ hằng năm sau thu hoạch (như đã nói ở trên) và sau mùa mưa để ổn định độ pH, tránh tình trạng pH tụt giảm quá sâu khiến nấm bệnh gây hại phát triển mạnh.
- Xử lý bệnh vàng lá thối rễ
Bước 1: Xử lý thủ công giảm áp lực lên rễ
Cắt cành bị vàng, cắt bỏ từ đỉnh ngọn xuống 2 đến 3 mắt lá cho cây ra đọt mới khi phục hồi;
Xới đất xung quanh tán cây cho rễ thông thoáng và dễ dàng ngấm thuốc khi tưới.
Bước 2: Sử dụng các sản phẩm vi sinh, hữu cơ, dinh dưỡng nano; các loại thuốc chuyên dùng để diệt nấm, tuyến trùng, kích rễ, dưỡng cây, cải tạo đất … Một số thuốc trừ nấm và tuyến trùng thường được sử dụng dể phòng trị bệnh vàng lá thối rễ sau:
+ Map Logic 90WP 30kg/ha (1,5kg/sào) kết hợp bón phân vào rãnh
+ Mataxyl 500WP pha 1g/lít – 16g/bình 16 lít phun lên lá hoặc tưới
+ Map Hero 340 WP pha 1g/lít, 5 – 10 lít/cây
+ Ridomilgol 72 WP Pha 300 – 400 gam trong 20 lít nước
Các loại thuốc trên có thể kết hợp cả phun đều tán lá và tưới đều phần đất quanh tán 2 lần cách nhau 7 ngày, sau 7 ngày cây ra rễ và phục hồi.
b/ Bệnh chảy gôm (xì mủ):
Bệnh chảy gôm do hai loại nấm chính là Phytophthora citrophthora và Phytophthora parasitica gây ra. Thời kỳ này bệnh chủ yếu gây hại trên thân, cành chính và gốc rễ; có một số cây, bệnh gây hại cả trên lá nhưng chiếm tỷ lệ không lớn.
- Đặc điểm nhận biết.
+ Trên thân cây bệnh chảy gôm thường xuất hiện ở phần sát gốc, cổ rễ hoặc tại các vết ghép. Nấm xâm nhập vào thân gây ra những vết màu nâu trên vỏ, những vết nứt theo chiều dọc của thân để lộ ra phần gỗ có màu nâu, chảy nhựa, lúc đầu có màu vàng, sau đó khô lại có màu nâu trong (gôm); bệnh có thể phát triển nhanh bao quanh thân làm thân xì mủ hoặc trên rễ chính làm rễ bị thối.
+ Trên lá làm cho các lá bị vàng, nhất là gân lá, sau đó lá rụng đi, chồi bị xoăn, cành bị khô và chết.
- Biện pháp phòng trị:
+ Kiểm tra vườn, xử lý thoát nước tốt; không nên tủ gốc trong mùa mưa sắp tới; tưới đủ ẩm cho cây khi gặp khô hạn.
+ Vệ sinh vườn cây như đã nêu ở trên.
+ Kiểm tra và xử lý những vết thương cơ giới ở vùng rễ và thân gần gốc khi chăm sóc, trèo hái quả; các vết thương do quá trình cắt tỉa vệ sinh cây...
+ Sử dụng các loại phân bón phục hồi có chứa đầy đủ đạm, lân, kali và các chất trung vi lượng.
+ Khi phát hiện bệnh có thể dùng một trong các loại thuốc: Aliette 80WP, Ridomil MZ 72WP, Ridomil Gold 68 WP… để phun xịt lên cây, phun 7-10 ngày/lần.
+ Những cây đã bị thối ở vỏ, thân, gốc và rễ cái thì dùng dao cạo sạch vết bệnh rồi sử dụng các loại thuốc sau để quét lên vết cạo:
+ Metalaxyl-M và Mancozeb 720WP, pha 20 - 30g/lít
+ Mataxyl 500WP, pha 100g/lít
+ Aliette 80WP pha nồng độ 10-15% (10-15ml thuốc với 85-90ml nước);
+ Ridomil Gol 68WG pha 10g/lít
10 – 15 ngày lau sạch và tiến hành quét lại (quét 2 – 3 lần), sau một thời gian vết bệnh sẽ lành, vỏ cây sẽ được tái sinh.
Ngoài những sâu, bệnh gây hại ở trên, trên các vườn bưởi sau thu hoạch quả còn có hiện tượng lá xanh gân vàng, lá nhỏ lại, dày lên đặc biệt là lá bánh tẻ. Hiện tượng này thường xuất hiện trên vườn cây thiếu dinh dưỡng, vườn trồng nhiều chu kỳ liên tiếp, đất dí chặt, thoát nước kém.
Nguyên nhân của hiện tượng trên là do trong cây thiếu một số nguyên tố vi lượng như kẽm, Bo, mangan, … mà trong đất không có.
Để hạn chế nhanh hiện tượng này cần bón bổ sung phân hữu cơ kết hợp sử dụng phân vi lượng hoặc các loại phân bón lá có chứa vi lượng như kẽm, Bo, mangan, … phun trực tiếp qua lá, tưới qua rễ cây sẽ nhanh phục hồi lại./.

 

Nguồn tin: Đắc Tài – Nguyễn Thu (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thông tin thời tiết
Tinh Ha Tinh, VN
Thời tiết hôm nay 08:11 T7: mây đen u ám
mây đen u ám
16.35
°C
Độ ẩm: 85 %
Gió: 1.93 m/s
21/12
mây đen u ám
16.3°
16.35°
22/12
mây đen u ám
16.6°
16.6°
23/12
mây đen u ám
16.6°
16.6°
24/12
mây rải rác
15.16°
15.16°
25/12
mây đen u ám
18.23°
18.23°
Tư liệu hình ảnh
hqdefault.jpg 10-1-Opt.jpg 106d0131401t700l4.jpg 106d3085500t82788l0.jpg anh-2-13-qmkk.jpg
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập80
  • Hôm nay28,297
  • Tháng hiện tại583,672
  • Tổng lượt truy cập21,117,395
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây