Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024
Thứ ba - 31/12/2024 21:35
Sáng ngày 31/12/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Thủ tưóng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; cùng các Bộ trưởng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Mai Văn Chính, Trưởng ban Dận vận Trung ương, cùng lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, các hộ nông dân tiêu biểu đại diện cho một số tỉnh, thành phố... Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến tại 63 điểm cầu ở trụ sở UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Ngô Văn Huỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh; cùng tham dự có đại diện lãnh đạo một số Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã và 25 hộ nông dân tiêu biểu.
Chủ đề hội nghị năm nay là “Khơi dây khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới”. Trước khi diễn ra Hội nghị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức nhiều kênh tiếp nhận câu hỏi, ý kiến, đề xuất của bà con nông dân, các hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, như tiếp nhận từ Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố, từ hai Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” (vào tháng 10 và tháng 11/2024), từ các chuyên mục “Lắng nghe nông dân”, “Nông dân gửi tâm tư tới Thủ tướng” trên Báo điện tử Dân Việt. Kết quả thu được hơn 2.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất được gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh
Trên tinh thần “tương tác với đối thoại”, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các đại biểu nêu câu hỏi gắn liền với hiến kế, đề xuất chính sách như thế nào để Chính phủ phục vụ nông dân ngày càng tốt hơn. Tại Hội nghị, câu hỏi của các đại biểu đã tập trung vào một số vấn đề: Thứ nhất, mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp quyết liệt nhằm triển khai thực hiện việc khôi phục, tái thiết sau thiên tai, bão số 3, nhất là về công tác sản xuất nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi. Thứ hai, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 02/2017/NĐ-CP, về mở rộng đối tượng được hỗ trợ, bồi thường sau thiên tai. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy mở rộng bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp. Thứ ba, nông dân, hợp tác xã mong muốn được khoanh nợ, hoãn nợ, giãn nợ, tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới để khôi phục sản xuất. Cơ chế, chính sách để thực hiện các chương trình, đề án cụ thể như: Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phòng, chống biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải; Chính sách về tín chỉ hấp thụ carbon. Thứ tư, nông dân mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành tích cực rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; có văn bản hướng dẫn Luật Đất đai 2024, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách đặc biệt là các chính sách về đất nông nghiệp như tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung, quy mô lớn; vấn đề quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp. Thứ năm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn; kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Thứ sáu, tiếp tục hỗ trợ nông dân về thông tin sản xuất, kinh doanh; bảo quản, chế biến, kết nối tiêu thụ nông sản; việc chuyển đổi số nông nghiệp, nhất là về xây dựng cơ sở, dữ liệu về giống cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh thông qua các hình thức tập huấn, tuyên truyền, đào tạo nông dân, để xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh, hiện đại. Các Bộ trưởng đã trả lời thẳng vào các vấn đề đại biểu nêu. Hội nghị là cơ sở thực tiễn để góp phần xây dựng nội dung Dự thảo Văn kiện Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031 về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh nhấn mạnh 9 vấn đề quan trọng mà các chủ thể liên quan cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đó là: Tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, chính sách; quan tâm tháo gỡ vướng mắc về công tác quy hoạch; tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai; khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam; khai thác sức mạnh mềm, nâng cao giá trị văn hóa nông thôn; đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị. Thủ tướng đề nghị bà con nông dân tiếp tục góp ý để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, gồm cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng; xây dựng được chất lượng, thương hiệu cho nông sản, cùng với mẫu mã, bao bì, đóng góp thuận tiện, bắt mắt để chiếm lĩnh thị phần. Hệ thống chính trị cơ sở phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người nông dân. Đồng thời, chủ động đề xuất thể thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở thực tiễn; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân để phục vụ phát triển. Thủ tướng cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ ký kết các hiệp định để mở rộng thị trường xuất khẩu.