Năm 2021, trên địa bàn huyện Hương Khê xảy ra 2 đợt mưa lũ. Tổng lượng mưa cả năm đo được tại Trạm khí tượng Thị trấn Hương Khê là 2.850,1 mm, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 116,4% lượng mưa trung bình nhiều năm. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai ước tính trên 11,7 tỷ đồng.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê Lê Quang Vinh báo cáo công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2021, nhiệm vụ phòng chống thiên tai, sản xuất hè thu, chống hạn năm 2022.
Trong đó, nhiều công trình đường sá, hồ đập bị xói lở, sạt lở nghiêm trọng. Về sản xuất, có trên 900ha lúa hè thu và một số diện tích hoa màu mới xuống giống bị ngập; trong đó khoảng 200 ha lúa và 100 ha cây màu các loại phải gieo cấy lại; có khoảng 150 ha đất màu rải rác ở các địa phương phải cày lại.
Chủ tịch UBND xã Hương Xuân Trịnh Xuân Thắng: Đề nghị huyện sớm có hướng dẫn cụ thể để sớm bố trí hỗ trợ giống các loại theo chính sách cho người dân sản xuất vụ hè thu.
Năm 2022, dự báo tình hình thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Huyện Hương Khê xác định tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh công tác quán triệt, phổ biến kiến thức về công tác phòng, chống thiên tai cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là những người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài của các cấp, các ngành và mỗi người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hải Phạm Đình Thái: Trên địa bàn hiện có một số công trình đường sá có nguy cơ sạt lở, hồ đập có nguy cơ hư hòng, đề nghị huyện sớm kiểm tra thực tế và có các giải pháp khắc phục.
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” kịp thời, linh hoạt; chủ động quyết định những vấn đề lớn, hệ trọng, bất ngờ khi thiên tai xảy ra. Chuẩn bị lực lượng cứu hộ phải đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ động nhanh, kịp thời ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp. Tổ chức thành lập đội thuyền cứu hộ ở những vùng dân cư thường xuyên bị ngập lụt do lực lượng xung kích cấp xã làm nòng cốt.
Chủ tịch UBND xã Hương Trạch Cao Quốc Hội: Là địa phương đầu nguồn đập thủy điện Hố Hô, địa phương đã xây dựng các phương án, kế hoạch ứng phó với thiên tai.
Với quan điểm tuân thủ nghiêm lịch thời vụ và sử dụng bộ giống ngắn ngày đảm bảo sản xuất vụ hè thu “ăn chắc” né tránh thiên tai, vụ hè thu 2022, huyện Hương Khê phấn đấu sản xuất 2.100 ha lúa, 1.200 ha đậu, 500 ha ngô, 300 ha vừng, 270 ha rau, 70 ha lạc...
Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hố Hô Nguyễn Bá Tuấn: Hiện nhà máy đang xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai và phương án xử lý tình huống khẩn cấp chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời sẽ triển khai diễn tập phòng chống thiên tai tại các vùng hạ du trong thời gian tới.
Toàn huyện phấn đấu gieo cấy kết thúc trước 5-10/6 để lúa trổ tập trung vào tiết lập thu từ 5-10/8, kết thúc thu hoạch trước 10/9. Đối với một số địa phương vùng thấp lụt như Hà Linh, Điền Mỹ, Hương Thủy, Hương Giang, Gia Phố… sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày để kịp thu hoạch trước 30/8/2022.
Về công tác chống hạn, theo kết quả cân đối nguồn nước của các phương án đã được xây dựng, dự kiến vụ hè thu năm 2022, các hệ thống thủy lợi cơ bản cấp đủ nước tưới cho 2.099,91ha lúa thuộc khu tưới của các công trình thủy lợi đảm nhận. Trong điều kiện thời tiết bất lợi (nắng nóng, nhiệt độ cao, lượng mưa thấp) sẽ tập trung chống hạn cho khoảng 378,98 ha.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Kỳ: Đề nghị Phòng NN&PTNT chuẩn bị tài liệu, lồng ghép các chính sách hỗ trợ trong vụ hè thu để tổ chức tuyên truyền, thông tin đến người dân; các địa phương cố gắng hoàn thành gieo cấy trước 10/6 để né tránh thiên tai.
Huyện Hương Khê cũng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị cân đối nguồn nước, điều hành tưới hợp lý, khoa học, tiết kiệm để xây dựng kế hoạch sản xuất các loại cây trồng có tưới, xem xét để điều chỉnh cơ cấu cây trồng trong từng vụ sản xuất và tại các địa phương; tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ để tiết kiệm tối đa trong vụ xuân dành nước cho dân sinh và sản xuất vụ hè thu.
Bố trí cây trồng hợp lý, đối với những vùng không chủ động nguồn nước thì mạnh dạn chuyển sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao hơn (gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp); bố trí các loại cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, tuyệt đối không được bỏ hoang diện tích.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Ngô Xuân Ninh nhấn mạnh: Tình hình thiên tai, thời tiết ngày càng có nhiều bất thường, do đó, các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai.
Cần tổ chức rà soát, cập nhật, xác định những vùng nguy cơ xảy ra ngập lũ sâu, vùng lũ quét, sạt lở đất để xây dựng phương án cụ thể trong ứng phó, di dời dân trong trường hợp khẩn cấp để chủ động liên lạc, thông tin cảnh báo và ứng cứu kịp thời. Phân công rõ trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân để đôn đốc, theo dõi, kiểm tra và chỉ đạo kịp thời. Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, chủ động dự trữ lương thực, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm... ở những vùng thường xuyên bị chia cắt, khó khăn trong việc đi lại những tháng mùa mưa, lũ.
Nguồn tin: baohatinh.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn