Những con số “biết nói”
Theo báo cáo từ Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, đến hết tháng 3/2022, toàn tỉnh đã có 177/182 số xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất (CSVC) văn hóa xã NTM; 5 xã chưa đạt chủ yếu là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa: Hà Linh, Hương Lâm, Hương Liên, Điền Mỹ (Hương Khê); Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh). Số xã đạt tiêu chí văn hóa là 181/182 xã, bằng 99,4%; 1 xã chưa đạt (Kỳ Lợi).
Có 51 xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa xã NTM nâng cao; 7 xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa xã NTM kiểu mẫu: Tùng Ảnh (Đức Thọ), Tượng Sơn (Thạch Hà), Hương Trà (Hương Khê), Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh), Xuân Thành (Nghi Xuân), Thiên Lộc (Can Lộc), Thạch Châu (Lộc Hà). 7 huyện đạt tiêu chí huyện NTM về văn hóa: Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Vũ Quang.
Nhà văn hóa cộng đồng góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Trong ảnh: Nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ tại thôn Phan Chu Trinh (xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên)
Theo Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, 2021 là năm có số xã đạt chuẩn nâng cao nhiều nhất từ trước lại nay, với 25 xã đạt chuẩn, có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 2 xã trong số 10 xã khó khăn chưa đạt chuẩn còn lại của tỉnh đã đạt chuẩn NTM (Kỳ Lạc, Kỳ Tây - huyện Kỳ Anh); 236 khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn. Đến nay, có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Tượng Sơn, Tùng Ảnh và Hương Trà.
Đó thực sự là những con số “biết nói”, phản ánh quá trình nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, tất cả vì mục tiêu: xây dựng NTM, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Khí chất Xô viết của người Hà Tĩnh luôn đi đầu, bước trước trong mọi cuộc cách mạng có dịp được thể hiện rõ trong phong trào xây dựng NTM, đặc biệt là xây dựng CSVC văn hóa và làng văn hóa, thôn bản, tổ dân phố văn hóa.
CLB Dân ca ví, giặm xã Kim Song Trường (Can Lộc) diễn xướng dân ca ví, giặm tại nhà cổ Trường Lưu. Ảnh: Tư liệu
Thành công to lớn từ xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đã tạo đà để Hà Tĩnh bước đầu triển khai xây dựng mô hình khu dân cư NTM thông minh tại 8 thôn: Nam Bắc Thành - xã Cẩm Thành, Tam Đồng - xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên); Khang Thịnh - xã Xuân Viên (Nghi Xuân); Thanh Bình - xã Đức Lĩnh (Vũ Quang); thôn 9 - xã Sơn Trường (Hương Sơn); Đông Trung - xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên); Hà Thanh - xã Tượng Sơn; Đông Trà - xã Hương Trà.
Những miền quê đáng sống
Cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí văn hóa trong NTM đã biến nhiều làng quê ở Hà Tĩnh thành những miền quê đáng sống, thu hút du khách gần xa.
Cách TP Hà Tĩnh 5 km là xã NTM kiểu mẫu Tượng Sơn. Đến đây, du khách không chỉ được tham quan các mô hình vườn mẫu nhiều tầng nấc, mô hình xử lý nước thải, trạm y tế hiện đại mà còn được thả bộ trên những con đường thảm nhựa rộng rãi, sạch sẽ, ngắm nhìn những khu vui chơi thể thao, sinh hoạt văn hóa của người dân.
Tất cả các thôn đều có nhà văn hóa đạt chuẩn phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Mỗi người dân ở đây đều có ý thức trong việc xây dựng nếp sống văn minh, làm sạch đẹp đường làng ngõ xóm và coi trọng yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất. Cộng đồng đoàn kết tương trợ nhau tạo nên một đời sống văn hóa phong phú. Người dân tích cực đóng góp công sức, tiền của xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng và cho chính gia đình mình hưởng thụ, điển hình là ông Hoàng Trọng Thành đã đóng góp 3 tỷ đồng, trong đó, 1,6 tỷ đồng xây dựng sân bóng đá và 1,4 tỷ đồng xây dựng chợ dân sinh.
Một góc NTM ở xã Tượng Sơn (Thạch Hà). Ảnh: Thanh Hoài
Về xã Xuân Thành (Nghi Xuân) những ngày cuối tháng 4/2022, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi những đổi thay của những làng quê NTM đẹp như tranh và được nghe CLB Dân ca ví, giặm thôn Thanh Văn biểu diễn. Bên cạnh “phố biển” Xuân Thành hiện đại, sôi động là những làng văn hóa tươi mới và đậm đà bản sắc. Cấp ủy, chính quyền nơi đây đã nỗ lực để đạt tiêu chí văn hóa xã NTM kiểu mẫu, khơi dậy nguồn lực văn hóa trong Nhân dân, bảo tồn các di sản văn hóa. Mỗi người dân đều có ý thức đóng góp sức mình xây dựng đời sống văn hóa.
Chị Phan Thị Hải Yến (thôn Thanh Văn) bày tỏ: “Được tham gia vào phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT, chúng tôi rất phấn khởi. NTM thực sự đã làm cho đời sống người dân chúng tôi được nâng lên rất nhiều”.
Xuân Thành (Nghi Xuân) là 1 trong 7 xã trên toàn tỉnh đến thời điểm hiện tại đã đạt tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu. Ảnh: Thiên Vỹ
Những miền quê đáng sống xuất hiện ngày càng nhiều, từ miền núi đến đồng bằng, thành thị đến nông thôn. Ở đó, người dân có ý thức trong việc đóng góp công sức, tiền của tô đẹp làng quê, tham gia sôi nổi phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT, gắn kết nghĩa tình, tương thân tương ái.
Những hạt nhân của phong trào ngày càng nhiều, từ đội ngũ cán bộ xã, thôn xóm, tổ dân phố, tổ liên gia, các tổ chức đoàn thể đến những thanh niên, cụ già tự nguyện “thắp lửa” phong trào như ông Lê Xuân Chương ở thôn Quang Phú, xã Thạch Châu; bà Nguyễn Thị Vịnh ở thôn Yên Bình, xã Cẩm Bình; bà Trần Thị Châu Lệ ở thôn Tân Học, xã Thạch Hạ…
Bà Trần Thị Châu Lệ (71 tuổi) tâm sự: “Tuy già nhưng để góp sức cho phong trào, tôi vẫn tham gia sinh hoạt CLB dân ca ví, giặm, trước là để động viên lớp trẻ, sau là để mình cũng vui vẻ, góp phần giữ gìn di sản của cha ông để lại”.
Nhà nhà thi đua, cụm liên gia thi đua, thôn xóm thi đua, các xã thi đua, trở thành phong trào rộng lớn phấn đấu đạt tiêu chí CSVC văn hóa và tiêu chí văn hóa trong NTM. Văn hóa thấm vào trong nếp nghĩ, trở thành hành động cách mạng làm thay đổi bộ mặt làng quê, phố phường và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Hà Tĩnh đã thực sự trở thành điểm sáng NTM cả nước, cả về bề rộng lẫn chiều sâu, mang tính bền vững.
Người cao tuổi sinh hoạt giải trí tại Nhà văn hóa cộng đồng thôn Nam Viên (Xuân Viên, Nghi Xuân). Ảnh: Thiên Vỹ
Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh đánh giá: “NTM đã giúp người dân thay đổi cách tiếp cận phương thức sản xuất. Tinh thần, trách nhiệm của người dân trong xây dựng NTM rất cao, rất đồng thuận trong hiến đất, phá bỏ hàng rào, cổng nhà để mở đường, xây nhà văn hóa, khu vui chơi, thể thao, làm nghĩa trang. Tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Người dân tự hào với làng quê của mình nên nỗ lực phấn đấu thi đua, huy động con em xa quê đóng góp... So với mặt bằng chung, CSVC văn hóa của Hà Tĩnh rất tốt, vượt nhiều so với yêu cầu đạt chuẩn. Chất lượng sinh hoạt văn hóa được nâng cao”.
Thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM mới giúp nâng cao đời sống tinh thần của người dân các làng quê Hà Tĩnh. Trong ảnh: Nhà văn hóa thôn Quang Phú (xã Thạch Châu, Lộc Hà). Ảnh Thiên Vỹ.
Dẫu vậy, không thể không đề cập đến những hạn chế trong xây dựng CSVC văn hóa và xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa ở Hà Tĩnh. Đó là nếp sống văn minh trong một số khu dân cư chưa cao, còn diễn ra tình trạng thả rông gia súc, xả rác bừa bãi. Tình trạng vi phạm pháp luật, vệ sinh an toàn thực phẩm trong một bộ phận người dân vẫn tồn tại.
Nói về vấn đề này, ông Phương Đình Anh cho rằng: nếp nghĩ thủ cựu, cục bộ địa phương cũng khiến một số người chỉ chăm lo giữ sạch đẹp trong làng mình khi mang rác, súc vật chết sang làng khác đổ. Còn tình trạng nhiều tuyến đường chung không ai chịu làm sạch. Cá biệt, không ít người vì lợi nhuận nên sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón không theo quy trình, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Tất cả những hạn chế trên cần được các cấp, ngành quan tâm giải quyết, nhưng mỗi người dân cũng phải nâng cao ý thức để NTM Hà Tĩnh thực sự là những địa chỉ văn hóa, những miền quê đáng sống.
Nguồn tin: baohatinh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn