Đoàn giám sát gồm đại diện các cơ quan: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, do đồng chí Nguyễn Thị Mai Thủy – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh làm Trưởng đoàn. Từ ngày 13-14/4/2022, Đoàn tiến hành giám sát trực tiếp tại Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà và nắm bắt tình hình tại 7 doanh nghiệp đóng trên địa bàn thuộc các đơn vị được giám sát (gồm: Công ty CP Gia Việt ĐCR - phường Hưng Trí, Công ty TNHH Hồng Định - phường Kỳ Trinh thuộc TX Kỳ Anh; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Ký Hiền và Trường Mầm non Song ngữ Tokyo thuộc Thị trấn Cẩm Xuyên; Trường Mầm non Hoa Hồng – thị trấn, Công ty xây dựng Nga Chức – Thạch Thanh thuộc huyện Thạch Hà; Trường Phổ thông Liên cấp Albert Einstein Hà Tĩnh).
Kết quả giám sát cho thấy, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo tới hệ thống tổ chức tại các huyện, thành phố, thị xã, đồng thời đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 4521/UBND-TH1 ngày 16/7/2021, về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành như Phòng Lao động, Chi cục Thuế, Bảo hiểm xã hội, Liên đoàn Lao động huyện... rà soát, nắm bắt nhu cầu, xác nhận thông tin của các đối tượng vay vốn, đảm bảo cho vay minh bạch, đúng đối tượng. Chủ động bố trí cán bộ nghiệp vụ tiếp cận đối tượng, hướng dẫn hồ sơ thủ tục cụ thể đến các doanh nghiệp theo đúng quy trình và quy định. Đồng thời, hệ thống các Ngân hàng Chính sách xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động phối hợp với các Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, báo, đài để tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngân hàng Chính sách xã hội từ tỉnh đến huyện đã tổ chức 32 buổi tập huấn về hướng dẫn nghiệp vụ cho 150 cán bộ Phòng Kế hoạch nghiệp vụ, tín dụng của 12 huyện, thị và cán bộ tại Hội sở tỉnh; cử cán bộ liên hệ, rà soát nhu cầu vay vốn tới 2.831 người sử dụng lao động, trong đó trực tiếp làm việc 291 người sử dụng lao động. Sau 9 tháng triển khai, hệ thống tổ chức Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục cho 9 người sử dụng lao động với 1.716 lượt lao động thụ hưởng chính sách, với tổng số tiền 5.486.085.000 đồng (5 khách hàng vay trả lương ngừng việc với số tiền 2.575.138.000 đồng, với 858 lượt lao động được thụ hưởng; 4 khách hàng vay vốn trả lương phục hồi sản xuất với số tiền 2.910.947.000 đồng, với 858 lượt lao động được thụ hưởng).
Thành viên Đoàn Giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu tai buổi làm việc
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ còn một số mặt hạn chế. Đó là: công tác thống kê, rà soát, xác định đối tượng hỗ trợ của Nghị quyết 68/NQ-CP chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả tiếp cận các chính sách liên quan của người sử dụng lao động chưa nhiều. Nguyên nhân trước hết là do dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh ở mỗi địa phương có mức độ khác nhau, nên việc áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng có sự khác nhau, dẫn đến nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện vay để trả lương ngừng việc cho lao động nghỉ từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định. Một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động chỉ được áp dụng trong một thời gian ngắn, nên người sử dụng lao động và người lao động chưa tiếp cận được chính sách. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, số lao động tham gia xã hội bắt buộc ít, đa số các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời điểm xảy ra dịch Covid – 19, nên không đủ điều kiện để được vay vốn. Công tác phối hợp giữa các phòng, ban liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách còn thiếu sự liên kết. Khâu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp còn nhiều điểm nghẽn, thủ tục hành chính còn phức tạp…; một số cán bộ, công chức chưa linh hoạt trong việc xử lý hồ sơ, dẫn đến việc tiếp cận chính sách của người lao động còn gặp nhiều khó khăn.
Kết thúc đợt giám sát, Đoàn đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất: Chính phủ khi ban hành chính sách phải có thời gian dài hơn, phù hợp với thực tiễn hơn để các đối tượng được thụ hưởng; Tỉnh ủy tăng cường công tác lãnh đạo các ngành và địa phương triển khai thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người lao động thụ hưởng chính sách, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có những đề xuất, kiến nghị kịp thời tới các cơ quan chức năng...