1. Lịch sử hình thành
Cuối tháng 10/1930 tổ chức Nông Hội đỏ Hà Tĩnh - Tổ chức tiền thân của Hội Nông dân ngày nay chính thức được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông dân Hà Tĩnh cùng với nông dân tỉnh Nghệ An đã làm nên Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, lập ra 170 làng Xô viết, Nhà nước Công - Nông đầu tiên ở nước ta và ở Đông Nam Á, do Nông hội nắm chính quyền ở các làng xã. Đến đầu năm 1931, số hội viên của tỉnh Nghệ Tĩnh gần 48.500 hội viên. Đến tháng 4/1948 riêng Hà Tĩnh có 50.179 hội viên.
Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nông dân và con em nông dân Hà Tĩnh góp phần làm cho địch không đứng chân trên địa bàn tỉnh quá 24 tiếng đồng hồ.
Sau 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nông dân và tổ chức Hội Nông dân Hà Tĩnh tham gia thực hiện cải cách ruộng đất, vận động nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể, xây dựng “ba ngọn cờ hồng”.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nông dân Hà Tĩnh “Tay cày tay súng”, vừa sản xuất nuôi dưỡng sức dân, cung cấp con người, lương thực, thực phẩm cho chiến trường, với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt tại địa bàn. Làng K130 xã Tiến Lộc huyện Can Lộc mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của nông dân Hà Tĩnh theo tinh thần “Xe chưa qua, nhà không tiếc”. Nông dân và con em nông dân Hà Tĩnh góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245- NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh. Ngày 27/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V quyết định hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành một tỉnh, lấy tên là Nghệ Tĩnh. Tỉnh Nghệ Tĩnh có diện tích 22.502 km2, dân số gần 2,7 triệu người, gồm 27 huyện, thành phố, thị xã. Từ đây hợp nhất Hội Nông dân Hà Tĩnh với Hội Nông dân tỉnh Nghệ An thành Hội Nông dân tỉnh Nghệ Tĩnh.
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị quyết về việc “Điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành trực thuộc Trung ương”, tỉnh Nghệ Tĩnh được chia thành hai tỉnh, lấy tên là Nghệ An và Hà Tĩnh. Từ ngày 1/9/1991, các cơ quan Hà Tĩnh về làm việc tại địa bàn tỉnh, trong đó có tổ chức Hội Nông dân tỉnh (lúc mới chia tách có 4 đồng chí). Lúc này trụ sở làm việc chưa có, Tỉnh hội mượn nhà đồng chí Lê Xuân Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Hà Tĩnh (số nhà 20 - đường Nguyễn Biên, thị xã Hà Tĩnh); 3 tháng sau, cơ quan Tỉnh hội chuyển về làm việc tại Khu liên cơ số 75 - Nguyễn Chí Thanh (gần chợ Hà Tĩnh, nay là trụ sở Liên minh Hợp tác xã).
Ngay sau chia tách tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Hội Nông dân tỉnh Nghệ Tĩnh đã đề ra. Nông dân Hà Tĩnh đã cùng với Nhân dân cả tỉnh đoàn kết một lòng, tập trung thực hiện mục tiêu xóa nghèo nàn, lạc hậu; xây dựng nông thôn mới. Góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh trở thành tỉnh đi đầu trong phong trào “Xóa nhà tranh tre dột nát” và “điểm sáng” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay Hà Tĩnh được Trung ương chọn làm điểm tỉnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
2. Các kỳ đại hội và Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh từ khi chia tách tỉnh đến nay
Lâm thời 1991-1993, Chủ tịch: Dương Văn Thị
Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 1993 – 1998, Chủ tịch: Dương Văn Thị
Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 1998 – 2003, Chủ tịch: Phan Văn Quý
Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2003 - 2008, Chủ tịch: Lê Thị Kim Thanh (từ 2003-10/2007) và Nguyễn Thị Tuyết Anh
Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2008 – 2013, Chủ tịch: Nguyễn Thị Tuyết Anh
Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2013 – 2018, Chủ tịch: Trần Đình Gia
Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 – 2023, Chủ tịch: Bùi Nhân Sâm (từ tháng 3/2018 – 15/12/2020) và Nguyễn Thị Mai Thủy (từ tháng 18/12/2020).
Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Chủ tịch: Ngô Văn Huỳnh.
3. Thành tích của Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh (ghi theo thứ tự thời gian từ năm 2003 đến năm 2021)
- Năm 2003 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Cờ Đơn vị xuất sắc nhiệm kỳ 1998-2003
- Năm 2006 Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba
- Năm 2009 Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua
- Năm 2011 Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì
- Năm 2015 Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua
- Các năm: 2016, 2017, 2019, 2020 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua
- Năm 2018 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Cờ Đơn vị xuất sắc nhiệm kỳ 2013-2018
- Năm 2020 Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen
- Năm 2021 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu Đơn vị xuất sắc, UBND tỉnh tặng Bằng khen
- Năm 2022 UBND tỉnh tặng cờ thi đua.