Những năm qua, trên địa bàn xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh nông dân sản xuất nông nghiệp chủ yếu là độc canh cây lúa theo kiểu truyền thống, một vùng nhiều thửa, nhiều mảnh và nhiều hộ sản xuất, nên việc đầu tư thâm canh chưa được chú trọng. Vì vậy, năng suất cây lúa đạt sản lượng thấp, giá trị không cao, nên nông dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp dẫn đến tình trạng ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều. Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ (BTV) Hội Nông dân xã Thạch Bình đã kịp thời tham mưu cho BTV Đảng ủy và phối hợp với Uỷ ban Nhân dân (UBND) xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đồng tình chủ trương cho mượn, thuê đất để tập trung tích tụ ruộng đất; tranh thủ các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị theo tinh thần Chỉ thị số 19 CT/Th.U, ngày 10/8/2021 của BTV Thành ủy. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên chủ trương về tích tụ ruộng đất đã được cán bộ, hội viên nông dân đồng tình ủng hộ và đã hình thành được một số mô hình tiêu biểu.
Cánh đồng sản xuất giống lúa HD11 tại vùng tích tụ ruộng đất ở thôn Đông Nam
Sau khi tuyên truyền, vận động, thỏa thuận các hộ dân có đất sản xuất trên một cánh đồng đã tập trung tích tụ được 19,9 ha của trên 63 hộ dân. Hội Nông dân đã phối hợp với UBND xã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ bà con thuê máy móc và huy động hội viên nông dân giúp đỡ, ra quân phá bờ vùng, bờ thửa tạo thành các ô thửa lớn, đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; tập huấn khoa học kỹ thuật và thống nhất cơ cấu sản xuất giống lúa mới. Vụ xuân 2023 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ; nhờ làm tốt các khâu đồng bộ về giống, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất đúng quy trình nên năng suất lúa tăng, chất lượng sản phẩm tốt, đã mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Bà Trần Thị Mai Lan, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: xứ đồng này của xã trước khi chưa tích tụ thì ruộng đồng không bằng phẳng, ruộng thấp ruộng cao và có hàng trăm mảnh, thửa; năng suất lúa canh tác ở diện tích này rất thấp, có vụ chỉ đạt 1,5- 2 tạ/sào trong khi giá vật tư nông nghiệp và các chi phí khác lại tăng, tính ra, có vụ nông dân chẳng có lãi, thậm chí là lỗ; hiệu quả sản xuất rất thấp, nên một số hộ không còn thiết tha với đồng ruộng, sẵn sàng bỏ hoang và đi làm thuê ở trong và ngoài tỉnh. Nhưng khi Hội Nông dân xã tuyên tuyền vận động tích tụ ruộng đất, từ 132 hộ sản xuất trên hơn 200 thửa ruộng và sản xuất hàng chục thứ giống, nay chỉ có 63 hộ sản xuất trên 121 thửa ruộng và sản xuất từ 1-2 loại giống. Nhờ thực hiện cơ giới đồng bộ trên 100% diện tích tích tụ và thực hiện sản xuất theo nguyên tắc “3 cùng” (cùng giống, cùng thời vụ, cùng phương pháp canh tác) trên diện tích lớn đã giảm được rất nhiều chi phí ở tất cả các khâu: từ làm đất, gieo cấy, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đến thu hoạch… Tính ra, năng suất và hiệu quả cao hơn hẳn so với trước bởi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún các khoản chi phí đầu tư cao hơn; và từ đó phong trào tích tụ tập trung đất đai được lan tỏa khắp trên địa bàn toàn xã.
Từ hiệu quả của tích tụ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, BTV Hội Nông dân xã đã mạnh dạn tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền triển khai kế hoạch vận động khai thác nguồn quỹ đất trên địa bàn để xây dựng mô hình. Vùng đất Hói đá tại thôn Đông Nam có diện tích hơn 5 ha, trong đó có 2,7 ha là diện tích đất do UBND xã quản lý và tạm giao cho bà con sản xuất, nên năng suất cây lúa không cao, vì vậy diện tích bỏ hoang ngày càng nhiều và hơn hai năm nay trở thành vùng đất hoang hóa. Trước thực trạng đó, BTV Hội Nông dân xã đã phối hợp với cán bộ địa chính của xã tiến hành khảo sát, nắm lại diện tích, tham mưu cho BTV Đảng ủy về việc cho chủ trương để vận động hội viên nông dân xây dựng mô hình trồng sen, trồng lúa kết hợp nuôi cua đồng; đây là một mô hình mới được cấp ủy, chính quyền và Hội Nông dân thành phố khuyến khích vận động xây dựng. Sau khi khảo sát thực địa và kiểm tra trên hệ thống bản đồ quy hoạch, BTV Hội Nông dân xã đã xây dựng kế hoạch tham mưu cho Đảng ủy, phối hợp với UBND xã để triển khai và được UBND xã giao cho Hội Nông dân xã chỉ đạo xây dựng mô hình.
Hình ảnh khởi công xây dựng mô hình trồng sen lấy hạt, sản xuất lúa hửu cơ kết hợp nuôi cua đồng tại vùng đất hoang hóa.
Bà Trần Thị Mai Lan, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết thêm: Ban Thường vụ Hội Nông dân xã phối hợp với Liên đoàn cán bộ thôn Đông Nam tiến hành các cuộc họp dân, những hộ có ruộng được chia ở vùng đất này nhiều người dân lại không đồng ý. Lý do là vì người dân có tư tưởng lo lắng, sợ mất đất, không muốn cho thuê, mượn lâu dài.
Để thuyết phục được người dân, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, BTV Hội Nông dân đã phối hợp và mời lãnh đạo và cán bộ chuyên môn UBND xã trực tiếp tổ chức nhiều buổi họp dân, lắng nghe ý kiến; trả lời, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của nhân dân. Cuối cùng, các hộ đều đồng thuận cho 02 hộ thuê trong 5 năm, mỗi vụ trả cho các hộ có ruộng 300.000đ/sào/năm để xây dựng mô hình trồng sen lấy hạt, sản xuất lúa hữu cơ tập trung, kết hợp nuôi cua đồng. Hiện tại BTV Hội Nông dân xã đã triển khai khởi công xây dựng mô hình và đây cũng là công trình chào mừng Đại hội Hội nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023 – 2028 được cấp ủy, chính quyền và Hội Nông dân thành phố đánh giá cao.
Được biết, hiện nay trên địa bàn xã Thạch Bình ngoài việc vận động nông dân tích tụ tập trung đất đai xây dựng các mô hình phát triển sản xuất thì Hội Nông dân xã đang tập trung vận động các gia đình hội viên có điều kiện về đất đai, lao động để xây dựng các mô hình của nông dân mang lại hiệu cao như: Mô hình trồng ổi ngọt Đài loan kết hợp nuôi ong lấy mật, mô hình trồng bưởi da xanh kết hợp sản xuất rau trái vụ, mô hình nuôi hươu lấy nhung, mô hình nuôi dúi, nuôi chim trĩ… đang được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng.
Xây dựng các mô hình nông nghiệp, chăn nuôi để nâng cao giá trị kinh tế cho hội viên là xu hướng tất yếu mà Hội Nông dân xã Thạch Bình đang tập trung. Nhất là trong thời điểm hiện nay, thành phố Hà Tĩnh đang trong lộ trình xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, việc tập trung tích tụ ruộng đất để xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghệ và hữu cơ càng cần được quan tâm, đẩy mạnh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ thực tế cho thấy, việc tích tụ, tập trung ruộng đất vẫn gặp khó khăn bởi tư tưởng người dân lo lắng, sợ mất đất. Nhiều hộ sẵn sàng cho cấy không, cho mượn theo vụ, nhưng không muốn cho thuê lâu dài. Chính vì vậy, mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất lớn, hiệu quả cao trên địa bàn xã chưa nhiều. Trong thời gian tới, để có thêm những mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị gắn với du lịch trải nghiệm ven đô thì rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục... để người dân đồng lòng thực hiện. Bởi tích tụ, tập trung ruộng đất xây dựng các mô hình phát triển kinh tế chính là xu hướng tất yếu để phát triển nền sản xuất nông nghiệp ven đô theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.