Nhờ mô hình nuôi dúi, ông Phan Hữu Tình ở thôn Khang Thịnh, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân đã có thu nhập khá cao, đồng thời mở ra hướng chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình nhiều triển vọng cho người dân trong địa phương.
Mô hình nuôi dúi của ông Phan Hữu Tình
Trang trại nuôi dúi của ông Tình là một khu nhà được xây dựng kiên cố, khép kín, cao ráo, có mái che nắng mưa, tổng diện tích rộng gần 300m2, được ông lắp mấy chiếc quạt thông gió công nghiệp có công suất lớn, giúp làm mát và lưu thông không khí, tạo môi trường trong lành cho động vật rừng sinh trưởng.
Ông Tình cho biết, trang trại hiện đang nuôi trên 100 cá thể dúi sinh sản, sinh trưởng. Nuôi dúi không giống như nuôi gia súc hay gia cầm, khi nuôi đòi hỏi phải biết quy trình chăm sóc như: thức ăn phải khô ráo, không ẩm ướt, không ôi thiu; chuồng trại phải thoáng mát, nhiệt độ chuồng vừa phải, cần thường xuyên vệ sinh ô chuồng sạch sẽ, phun khử trùng thì đàn dúi sẽ không bị mắc các bệnh ngoài da, nhiễm khuẩn, viêm phổi hay bị bệnh tiêu chảy….
Chuồng nuôi dúi được thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích, với hàng trăm ô chuồng nhỏ, gia đình ông dùng gạch lát nền gắn lại với nhau. Trong mỗi ô chuồng là một cặp dúi giống, dúi thương phẩm hoặc vài cá thể dúi con mới được tách đàn.
Cũng theo ông Tình, khi chọn dúi giống để nuôi sinh sản, đối với dúi cái, cần chọn những cá thể càng nhiều vú càng tốt, những cá thể này mỗi lứa sẽ đẻ nhiều con, khi được chăm tốt, sẽ có nhiều sữa để cho con bú. Còn đối với dúi đực, cần chọn những cá thể đầu to, thân dài và có hạt cà to, một cá thể dúi đực có thể ghép với 2-3 cá thể dúi cái. Với những đặc điểm trên, khi được chọn để ghép, phối dúi mới sinh sản tốt và nhân đàn nhanh hơn.
Ông Tình chia sẻ: “Dúi là loài gặm nhấm, ưa sống trong bóng tối, thức ăn chủ yếu là thân cây tre, mía, ngô, khoai, sắn. Dúi trưởng thành giá bán hiện nay từ 500.000 - 550.000 đồng/kg, đối với dúi giống thì lên tới hàng triệu đồng. Nhiều thương lái, chủ nhà hàng hay người dân tìm đến tận hộ để mua dúi về gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng hoặc bán cho các nhà hàng ăn uống trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, tạo công ăn việc làm ổn định cho 02 lao động trong gia đình.
Chăn nuôi động vật hoang dã nói chung và loài dúi nói riêng phải đảm bảo nguồn gốc hợp pháp; chuồng, trại xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi; bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vật nuôi; vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh. Những năm đầu mới đưa loài dúi này về trên địa bàn, gia đình cũng rất băn khoăn và lo lắng bởi dúi là loài hoang dã mà đưa về trên đồng bằng sinh sống liệu rằng có hợp lý không?…nhưng bằng sự quyết tâm, nổ lực cao của gia đình và sự tìm tòi, nhiệt huyết thì hiện nay có thể khẳng định rằng dù ở rừng núi hay đồng bằng loài dúi có thể thích nghi được”.
“Dúi là loài vật dễ nuôi, chi phí thức ăn không nhiều, dễ kiếm, sinh sản nhanh nên rất phù hợp để chăn nuôi hộ gia đình. Tôi luôn khuyến khích bà con nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm để gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng loài dúi. Từ đó nhân rộng mô hình, cung cấp thực phẩm cho nhu cầu xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi, với mục tiêu tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.”, ông Tình chia sẻ thêm.