Thực hiện tốt phong trào cải tạo vườn gắn với xây dựng các vườn đẹp, có hiệu quả kinh tế tại huyện Hương Sơn
Thứ ba - 05/11/2024 03:37
Hương Sơn có gần 7000 ha đất vườn, là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế vườn. Bởi vậy, trong những năm qua các cấp Hội Nông dân huyện Hương Sơn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện phong trào cải tạo vườn gắn với xây dựng các vườn đẹp, có hiệu quả kinh tế.
Trong thời gian qua, Hội đã phối hợp tổ chức lễ phát động xây dựng nông thôn mới (NTM), ra quân cải tạo vườn. Tiếp tục xây dựng bài giảng bằng hình ảnh, trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phong trào cải tạo vườn từ khâu chặt bỏ cây tạp, quy hoạch bố trí lại vườn, chọn các loại cây trồng phù hợp và quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả tại xã, thị trấn và các chi hội; đồng thời khâu nối, đưa các đoàn cán bộ, hội viên nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh.
Đoàn cán bộ Hội Nông dân huyện và các xã tham quan tại mô hình dứa tỉnh Ninh Bình
Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của hội viên, nông dân trong việc cải tạo, chỉnh trang và phát triển kinh tế vườn hộ. Tổ chức Hội còn thực hiện bằng cách “cầm tay chỉ việc”, khi hội viên, nông dân có nhu cầu, cán bộ Hội xuống tận vườn để hướng dẫn tại thực địa. Ngoài ra, Hội đã trích kinh phí và huy động lực lượng tham gia đồng hành nông thôn mới, hỗ trợ các gia đình hội viên khó khăn, hoạn nạn, gia đình chính sách trong cải tạo vườn, chỉnh trang vườn hộ đồng thời chỉ đạo thành lập 57 tổ cải tạo vườn tại các xã, thị trấn để tự giúp nhau trong thực hiện.
Bằng những cách làm sáng tạo, tâm huyết đó, cùng với sự tập trung cao của cả hệ thống chính trị và các giải pháp đồng bộ, phong trào cải tạo vườn đã được cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo phong trào lan tỏa sâu rộng trong toàn huyện; đến nay đã thực hiện cải tạo được hơn 8000 vườn. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, những vườn cây tạp không có giá trị kinh tế thì nay được quy hoạch, chỉnh trang, bố trí và thay vào đó là những luống chè, hàng bưởi, cam thẳng tắp; luống rau xanh mướt. Có nhiều vườn sau cải tạo mang lại thu nhập cao, là điểm đến tham quan, học tập của nhiều đoàn trong và ngoài huyện.
Phong trào cải tạo vườn tại xã Sơn Giang
Song song với đó, các cấp Hội tập trung cung ứng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và chất đất trên địa bàn huyện như bưởi da xanh, ổi lê Đài Loan, cam bù, mít thái,….
Hội Nông dân xã Sơn Bình cung ứng cây giống cho hội viên
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì một bộ phận nhân dân còn hoài nghi, thiếu niềm tin vào phong trào. Một số địa phương nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về mục đích và ý nghĩa mà phong trào mang lại. Nhiều hộ dân có ý thức thực hiện thì còn lúng túng trong việc tiến hành các bước cải tạo vườn từ việc phá bỏ cây tạp, quy hoạch, lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, kỹ thuật trồng và chăm sóc,…một số vườn sau cải tạo hiệu quả chưa cao. Thêm vào đó là sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo của một số địa phương vì vậy mà có những thời điểm phong trào chững lại. Theo thống kê số lượng vườn hộ trên địa bàn chưa được cải tạo còn khá lớn; việc tổ chức cung ứng giống đầu vào chưa được quản lý một cách chặt chẽ.
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn gắn với xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế nông thôn. Phát huy vai trò của tổ chức mình, các cấp Hội Nông dân Hương Sơn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng, ý nghĩa và vai trò của kinh tế vườn; phổ biến các kiến thức làm vườn đến tận hộ dân. Hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ và hình thành thói quen của người dân trong việc sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm, cách làm của các mô hình vườn đã thành công ở trong và ngoài huyện. Kịp thời phổ biến chính sách hỗ trợ đến với hội viên, nông dân; có các giải pháp tích cực để kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, đăng ký thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất. Tham mưu thực hiện quản lý tốt khâu cung ứng giống và định hướng giúp người dân trồng các loại cây phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, miền.
Với mục đích hướng đến vườn không chỉ đem lại giá trị về mặt kinh tế, mà còn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, trong tương lai sẽ là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút du khách tham quan, trải nghiệm. Tin tưởng rằng trong thời gian tới, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các hộ gia đình sẽ chọn cho mình một hướng đi, cách làm phù hợp trong cải tạo vườn để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương và mang lại hiệu quả cho hộ gia đình; góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của huyện nhà.