Trong ba ngày (29, 30, 31/10/2023), trên địa bàn xã Hương Thủy đã xảy ra mưa to đến rất to, các tuyến đường giao thông từ huyện đến xã và đường từ trung tâm xã đến các thôn đã bị ngập, 9/9 thôn đã bị cô lập. Toàn xã có 116 nhà ở bị ngập lụt từ 30 cm đến 1,5m, gần 355 vườn cây ăn quả bị ngập, vườn hộ ngập lũ. Nhiều công trình công cộng bị ngập, ảnh hưởng. Trong đó có trường tiểu học và trường mầm non, 5 nhà văn hóa thôn. Nhiều tuyến đường ảnh hưởng đến giao thông đi lại, nhiều công trình hồ, đập, bờ sông bị hư hỏng, sạt lở. Khoảng hơn 50 ha bưởi Phúc Trạch bị ngập. Đáng buồn hơn, trên địa bàn có 1 người chết do mưa lũ.
Thực hiện Công văn chỉ đạo của Hội Nông dân huyện Hương Khê và cấp ủy, chính quyền địa phương, sau khi nước rút, tại các điểm có thể khắc phục, dọn dẹp, cùng với chính quyền địa phương, các ngành và đoàn thể. Hội Nông dân xã đã tập trung nhân lực, vật lực cùng với đông đảo hội viên nông dân trên địa bàn khẩn trương khắc phục hậu quả tại các tuyến đường, trường học, nhà văn hóa thôn… Đồng thời, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân trong quá trình khắc phục hậu quả mưa, lũ (dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, hệ thống điện…) phải hết sức thận trọng, không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản do chủ quan, bất cẩn. Vận động và tham gia xử lý, giải quyết tốt vệ sinh, môi trường, nhất là kịp thời xử lý nước sạch phục vụ sinh hoạt tại các hộ dân. Động viên cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua, tích cực lao động sản xuất, ngay khi nước rút khẩn trương khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất sau ảnh hưởng của mưa lũ. Đối với diện tích thiệt hại nặng có thể phá bỏ trồng lại, chắm dặm hoặc chuyển sang trồng cây trồng khác phù hợp với đất đai, thời vụ sản xuất; Những diện tích cây trồng thiệt hại ít hơn cần khẩn trương tiêu kiệt nước mặt ruộng, tiến hành vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm sinh học,... cho cây trồng phục hồi nhanh đồng thời tiến hành chắm dặm đảm bảo mật độ; khi đất khô ráo thực hiện xới xáo, vun gốc kịp thời tránh bị nghẹt rễ,...; đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm: Tập trung thu hoạch nhanh, gọn đối với loại quả đã đến thời kỳ thu hoạch (nếu bị ngập úng); đồng thời hướng dẫn người dân tiến hành tỉa tán, dọn vệ sinh; khẩn trương đào mương ở các mặt luống để thoát nước; xới xáo, phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Đồng thời, tiếp tục chủ động cung ứng cây giống, phân bón trả chậm qua kênh Hội để người dân trồng tái canh các diện tích bị thiệt hại và chuẩn bị xuống giống cây trồng vụ đông xuân. Tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tranh thủ thời tiết, làm đất để sản xuất ngô, khoai lang, rau màu các loại, cây vụ Đông năm 2023 đảm bảo kịp thời vụ.