Từ thực tiễn tới lý luận, rồi từ lý luận tới thực tiễn, Tổng Bí thư đã để lại những di sản vô cùng quý báu với các chính sách lịch sử, mang tính thời đại về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ XI của Đảng (nhiệm kỳ 2011 - 2016), đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để làm việc với từng Ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trọng điểm về tình hình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong mỗi buổi làm việc, chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều trực tiếp khảo sát tình hình thực tế ở cơ sở, sau đó dành thời gian để lắng nghe các ý kiến báo cáo, đề xuất, từ đó đưa ra những kết luận, gợi mở đầy sâu sắc.
Chính nhờ sự quan tâm sâu sát đó nên trong suốt giai đoạn từ năm 2011 đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nông nghiệp, nông thôn luôn có sự tăng trưởng mạnh mẽ, luôn bằng và vượt chỉ tiêu đề ra tại các kỳ Đại hội của Đảng (trên 3% mỗi năm), riêng năm 2023 tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đã cán mốc cao kỷ lục với 3,83% và tiếp tục duy trì đà này trong 6 tháng đầu năm 2024; xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản bình quân tăng trưởng trên 8%/năm, đến năm 2023 đạt kim ngạch kỷ lục 53,22 tỷ USD, cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng có sự thay đổi tích cực, giá trị thặng dư thương mại đạt tới 12,07 tỷ USD vào năm 2023; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 78%, trong đó có tới 2.113 xã nông thôn mới nâng cao (tính đến tháng 6/2024); đặc biệt thu nhập của người nông dân tăng gấp 4,5 lần (vượt mục tiêu đề ra là 2,5 lần); tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn bình quân giảm 1-1,5%.
Điểm qua các số liệu trên, có thể khẳng định, các vấn đề lý luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng lên một tầm cao mới, trở thành một tư tưởng, một di sản, là kim chỉ nam để hoạch định con đường cho nông nghiệp, nông thôn phát triển cả về trước mắt, cả về lâu dài. Trong các phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn chỉ rõ, nông nghiệp - nông dân - nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Bước sang giai đoạn phát triển mới với bối cảnh đất nước và thế giới có nhiều thay đổi, nhất là tác động từ đại dịch COVID-19, các vấn đề liên quan đến địa chính trị, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng (nhiệm kỳ 2021- 2026), Đảng đã đặt vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn lên một tầm cao mới, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khi lần đầu tiên Nghị quyết Đại hội đã đề cập đến nội dung về “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Những nội dung này có dấu ấn rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với vai trò là Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII.
Trên cơ sở đó, ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành ba Nghị quyết rất quan trọng của Hội nghị lần thứ Năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII, đó là Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Đây được coi là ba Nghị quyết mang tính lịch sử trong một Hội nghị của Trung ương nhằm giải quyết căn cơ các vấn đề của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ vấn đề về đất đai đến đổi mới tư duy sản xuất, thúc đẩy hợp tác, liên kết, khẳng định vai trò của kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc tới ba vấn đề lớn, đó là: Thứ nhất, phải khẳng định Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Thứ hai, phải nhận thức và xác định rõ, nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Thứ ba, phải hướng tới xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện và vận động đoàn viên, hội viên, người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Tháng 9/2011, lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi thăm và làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tình hình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tại buổi làm việc, lần đầu tiên Tổng Bí thư đã nhắc tới khái niệm, vai trò chủ thể, trung tâm của người nông dân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, Tổng Bí thư đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Hội Nông dân Việt Nam trong việc tham gia xây dựng và thực hiện Nghị quyết 26, song cũng đặt ra hàng loạt các vấn đề cần giải quyết mà cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Tổng Bí thư đã chỉ ra các vấn đề từ giai cấp nông dân đang biến đổi như thế nào trong điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) của đất nước, vấn đề chuyển dịch sang sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường định hướng XHCN cho đến các vấn đề về đất đai, tri thức hóa nông dân, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đặc biệt, Tổng Bí thư đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò “chủ thể” của người nông dân khi lưu ý: “Phải nắm bắt được hiện nay nông dân đang có tâm tư gì, nguyện vọng gì, có yêu cầu, đề xuất gì với Đảng, Nhà nước. Lâu nay, chúng ta bàn về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới rất nhiều nhưng lại chưa bàn sâu về nông dân, xây dựng giai cấp nông dân…”.
Tổng Bí thư cũng đặc biệt lưu ý, phát triển CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn phải đặt trong tổng thể CNH, HĐH đất nước với nông dân là chủ thể, từ đó phải quan tâm đến nông dân, đặt nông dân trong sự nghiệp CNH, HĐN đất nước, phải nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho nông dân.
Phát biểu bế mạc tại Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đến vai trò trung tâm, chủ thể của người nông dân, để từ đó làm gì cũng phải vì người nông dân, lấy lợi ích của người nông dân là mục tiêu cao nhất, khi Tổng Bí thư khẳng định: “Chú trọng nâng cao trình độ, năng lực làm chủ của nông dân theo hướng phát triển toàn diện, văn minh; phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo; ý chí vươn lên, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc… Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; lấy lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII nhiệm kỳ 2023 - 2028
Đáng chú ý, năm 2017, đoàn 87 Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi Mới đã được trực tiếp tiếp kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể nói đây là sự kiện lịch sử đối với nông dân Việt Nam. Phát biểu tại buổi tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam 30 năm Đổi Mới”, gắn với việc kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam một cách thiết thực. “Thời gian gần đây, báo chí, dư luận đưa nhiều thông tin về tiêu cực, không hay thì việc tổ chức một hoạt động như tôn vinh 87 Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới là rất tích cực, rất đáng hoan nghênh…”, Tổng Bí thư khen ngợi. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng khẳng định: “Thành tựu Đổi Mới đất nước với nhiều thành tựu của chúng ta, có phần đóng góp rất to lớn của giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam và của mỗi các bác Nông dân Việt Nam xuất sắc đang ngồi ở đây… Nông dân xuất sắc 1 năm đã khó, Nông dân xuất sắc 10 năm càng khó hơn, đằng này lại là Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới. Điều này là rất mừng, cảm ơn giai cấp nông dân…”.
Khẳng định như vậy, nhưng Tổng Bí thư cũng dành những lời nhận xét, gửi gắm rất ân cần, mộc mạc khi khẳng định nông dân là lực lượng vô cùng quan trọng, là đội quân chủ lực, thời gian tới nông dân vẫn đóng vai trò xung kích trên mặt trận phát triển nông nghiệp, trong hội nhập quốc tế. “Đất nước còn nhiều việc phải làm, nông dân, nông nghiệp càng không được thỏa mãn. Vì vậy, nông dân cần giúp nhau phát triển, nông dân giỏi cần giúp nông dân chưa giỏi, tích cực đào tạo lớp trẻ, giúp nhiều người còn chưa biết làm ăn… Bên cạnh giúp nhau phát triển đời sống kinh tế, nông dân cần giúp nhau trong đời sống tinh thần, giúp đỡ người nghèo, người cô đơn, ủng hộ xây dựng nông thôn mới”- Tổng Bí thư gửi gắm.
Với tổ chức Hội Nông dân Việt Nam, dấu ấn sâu đậm nhất, mang tính bước ngoặt, lịch sử, đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp ký ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”, với quan điểm tiên tiến, cụ thể và rõ ràng, đó là: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân và phong trào nông dân; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và xây dựng tổ chức hội là trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó chủ yếu, trực tiếp là cấp uỷ, chính quyền và BCH Hội Nông dân các cấp.
Đặc biệt, đến dự và phát biểu tại phiên khai mạc trọng thể Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) ngày 26/12/2023 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành tình cảm đặc biệt cho giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam. Mở đầu nội dung bài phát biểu, Tổng Bí thư nói: “Tôi xin phép đặt tên cho tiêu đề phát biểu của tôi là: Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ vẻ vang của dân tộc trong thời kỳ mới”.
Đồng thời, Tổng Bí thư nêu ý nghĩa của tiêu đề bài phát biểu, tức là vừa có kế thừa những thành tựu, kết quả, những kinh nghiệm của nhiều khóa trước, đồng thời cũng nhìn về tương lai, để chúng ta dự báo những tình huống khả năng có thể xảy ra, lường trước và chúng ta có những chủ trương cho sát, đúng với thực tiễn cuộc sống để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò vô cùng to lớn của nông dân nước ta.
Tổng Bí thư cũng đặt vấn đề: “Vì nước ta là một nước đi lên từ nông nghiệp, giờ đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà bây giờ đi trên đường thì thấy hiện đại hóa nhanh lắm, công nghiệp hóa cũng rất nhanh. Tôi đã có không ít lần phát biểu: Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Trong suốt bài phát biểu dài hơn 40 phút, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hơn một lần nhắc đến vai trò chủ thể, trung tâm của người nông dân, những nhiệm vụ mới của Hội Nông dân Việt Nam khi nhấn mạnh: “Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn”, “cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh” và xác định “nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Để cụ thể hóa và thực hiện được các mục tiêu trên, khi đề nghị, chỉ đạo với Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành những lời phát biểu rất bình dị vừa mang tính chỉ đạo, vừa mang tính động viên, khích lệ, khi nói: “Tôi tha thiết kêu gọi và đề nghị các cấp Hội Nông dân nước ta cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội; xây dựng Hội Nông dân Việt Nam chúng ta ngày càng vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; phát huy thật tốt vai trò là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân, là cầu nối giữa nông dân với Đảng, Nhà nước; là nhân tố tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, liên minh “công nhân - nông dân - trí thức”; chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đối ngoại nhân dân".
Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặt ra yêu cầu: Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội phải đáp ứng được yêu cầu nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân cùng với sự phát triển của đất nước; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tăng cường dân chủ ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tích cực hội nhập quốc tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Trong 3 nhiệm kỳ trên cương vị Tổng Bí thư, với tầm tư duy chiến lược, lý luận sâu sắc mang tính thời đại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chuyến đi ”về với dân” ở nơi khó khăn nhất như bản Ayun Chư Sê (Gia Lai), Vinh Quang (Kon Tum), Tây Trà (Quảng Ngãi), Mường Lát (Thanh Hóa), Bản Bo (Lai Châu)... Những chuyến đi này của Tổng Bí thư, ngoài câu chuyện về thực tế, còn là minh chứng cho sự đúng đắn của trong việc đưa lý luận vào thực tiễn đời sống, sản xuất.
Tháng 8/2011, chỉ sau 7 tháng đảm nhận trọng trách mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh An Giang về tình hình thực hiện Nghị quyết số 26. Tại chuyến thăm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp kiểm tra tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn và nắm bắt đời sống nông dân ở xã Vĩnh Phú (huyện Thoại Sơn). Từ thực tế chuyến thăm này, Tổng Bí thư khẳng định: Thực tế tại Vĩnh Phú là minh chứng sống động cho thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc chăm lo phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã từng bước đi vào thực tế cuộc sống, mang lại những kết quả rõ nét trên cả 3 lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp phát triển; bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới; đời sống người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao.
“Các ý kiến, kiến nghị của bà con nông dân và các ngành chức năng huyện Thoại Sơn, của chính quyền ở Vĩnh Phú về những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, như: Tình trạng mất mùa - được giá, được mùa - mất giá; việc hạn chế các khâu trung gian trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân, cũng như tiêu thụ nông sản, nhằm bảo vệ quyền lợi cho nông dân và thúc đẩy sản xuất phát triển... là một minh chứng sinh động, cụ thể mà Đảng và Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh thông qua các chính sách, giải pháp đúng đắn” - Tổng Bí thư Nguyến Phú Trọng khẳng định.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên tháng 1/2023
Khi đồng bằng sông Cửu Long xảy ra hạn mặn nặng nề được đánh giá là “trăm năm mới có một lần”, Tổng Bí thư đã trực tiếp thị sát tình hình xâm nhập mặn tại xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm (tháng 3/2016) để thăm hỏi, tìm hiểu, động viên nông dân và kiểm tra việc thực thi nghị quyết, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở cơ sở.
Trực tiếp đến cánh đồng lúa Tân Thanh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng bà con nhân dân và cán bộ địa phương chứng kiến ruộng lúa đang độ ngậm sữa, trổ bông nhưng đã chết vì nước mặn xâm nhập quá sâu trong nội đồng. Tổng Bí thư đã ân cần động viên bà con đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ thiên tai, biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ nét, nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Bến Tre, trong đó có huyện Giồng Trôm và nhiều huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau chuyến thăm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải có các chính sách, biện pháp căn cơ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư, đến tháng 11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Câu chuyện, ví dụ đơn giản trên cho thấy, tầm nhìn, tư duy chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang tầm vóc lớn khi một mặt, Tổng Bí thư vừa đánh giá vấn đề đưa lý luận vào thực tiễn, đồng thời từ thực tiễn, Tổng Bí thư đã chỉ đạo xây dựng các chính sách, giải pháp thông qua các Nghị quyết cụ thể.
Hay như hồi tháng 4/2019, khi vừa giữ vị trí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đến tham quan mô hình nuôi tôm công nghiệp của Công ty CP Trung Sơn, tại xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vào xưởng lạnh xem công nhân thực hiện các quy trình chế biến tôm; ra tận đầm tôm xem và nghe thuyết trình quy trình nuôi tôm công nghiệp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia La trong chuyến công tác tại Tây Nguyên tháng 4/2017 (Ảnh: Trí Dũng, Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Trực tiếp thăm quan mô hình sản xuất khép kín của công ty, từ sản xuất 1,5 tỷ con tôm giống, đến nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 1.000 ha, sau đó là chế biến thủy sản, Tổng Bí thư đã khẳng định, Kiên Giang có lợi thế về phát triển nông nghiệp, với cây lúa, con tôm. Qua đó, cũng minh chứng cho thực tế về việc đổi mới sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, có sự liên kết, tập trung đã được nêu trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trong chuyến thăm làm làm việc với Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Thái Nguyên (tháng 1/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã dành thời gian để nắm bắt tình hình nông nghiệp, nông thôn khi tới thăm Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên). Tại đây, Tổng Bí thư đã tham quan đồi chè và nơi chế biến chè, cùng hái chè với các công nhân Hợp tác xã chè Hảo Đạt và dành thời gian trò chuyện, động viên người lao động đang làm việc tại đây. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng thưởng trức trà Thái Nguyên tại Không gian trưng bày của Hợp tác xã và trò chuyện với Giám đốc Hợp tác xã. Tổng Bí thư bày tỏ niềm vui khi được đến thăm Tân Cương - vùng đất được mệnh danh “đệ nhất danh trà” của Thái Nguyên và cả nước và vui hơn khi thấy cây chè đã thực sự trở thành cây làm giàu của người dân vùng đất Tân Cương, giúp cho đời sống của người làm chè ngày càng khấm khá, giàu có.
Có thể nói trong suốt thời gian giữ cương vị là người đứng đầu của Đảng, của đất nước, trong mỗi chuyến thăm về các địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều dành thời gian, tình cảm để thăm các mô hình sản xuất nông nghiệp, tình hình xây dựng nông thôn mới, đời sống của người nông dân ở mỗi địa phương mà Tổng Bí thư đến thăm. Đây là điều đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muôn vàn kính mến với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta.
Có thể khẳng định, những di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta là vô giá và vô cùng quý báu. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự quan tâm sâu sát của đồng chí Tổng Bí thư, nhiều các chủ trương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ra đời, ban hành thông qua các Nghị quyết của Đảng, các chính sách của Nhà nước và chắc chắn sẽ còn được đúc rút, cụ thể hóa trong rất nhiều quyết sách dành cho tam nông hiện nay và các giai đoạn tiếp theo nhằm thực hiện được mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn hiện đại, văn minh./.
Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
Nguồn tin: hoinongdan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn