Do kỳ điều hành ngày 1/10 trùng vào thứ bảy nên thời gian điều hành được liên Bộ Tài chính - Công Thương lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, tức 15h hôm nay.
Theo đó, liên Bộ quyết định giảm thêm 1.050 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi giá xăng RON 95 giảm 1.140 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 20.730 đồng/lít và xăng RON 95 là 21.440 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu kỳ điều hành này được điều chỉnh giảm nhẹ. Cụ thể, dầu diesel giảm 330 đồng/lít còn 22.200 đồng/lít. Hiện, giá dầu vẫn cao hơn giá xăng trong nước.
Như vậy, giá xăng trong nước đã có lần giảm thứ 4 liên tiếp. Tính đến nay, mặt hàng này đã trải qua 26 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở quanh mức 20.500-21.500 đồng/lít, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và tương đương thời điểm đầu tháng 10/2021.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục trích lập quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON 95 là 450 đồng/lít, dầu diesel 300 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 21/9, Petrolimex dương 917 tỷ đồng, PVOil âm 795 tỷ đồng, Saigon Petro 249,1 tỷ đồng, Petimex là 298 tỷ đồng...
Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut...
Liên quan đến vấn đề chiết khấu cho doanh nghiệp xăng dầu, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết theo các quy định hiện hành không có quy định mức chiết khấu trong giá xăng dầu.
Người phát ngôn Bộ Công Thương thừa nhận thời gian qua có tình trạng chiết khấu thấp, tình trạng bán xăng nhỏ giọt và cho rằng xuất phát hai lý do chính. Thứ nhất, do đầu năm đến nay thị trường xăng dầu thế giới phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động biên độ lớn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp xăng dầu trong nước.
“Trong quý II, doanh nghiệp đầu mối tăng mạnh nhập khẩu nhưng sang quý III, giá liên tục giảm, các doanh nghiệp thua lỗ do nhập khẩu lượng lớn, giá cao nên buộc phải giảm mức chiết khấu cho hệ thống phân phối”, ông lý giải.
Bên cạnh đó, do cuối năm 2021 đến nay chi phí kinh doanh xăng dầu tăng, tuy nhiên để kiểm soát lạm phát, các chi phí này chưa được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh nên doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có chiết khấu xăng dầu.
Nguồn tin: Theo Zing
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn