Giai đoạn 2022 - 2025, chuyển đổi số trong xây dựng NTM phải được xem là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện. Chuyển đổi số phải phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, từng bước hình thành NTM thông minh.
Xây dựng xã NTM thông minh có 4 vấn đề cơ bản cần được tập trung, đó là: phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và tổ chức xây dựng chính quyền, được giải quyết bằng các giải pháp, ứng dụng thông minh. Vì vậy, để xây dựng xã NTM thông minh, cần phát triển kinh tế số bằng việc áp dụng các nền tảng, ứng dụng công nghệ thông minh vào quy trình tổ chức, quản trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường mạng, trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Trong đời sống xã hội, cần ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong quản lý giáo dục, học trực tuyến; ứng dụng thực tế ảo, công nghệ 3D, internet - kết nối vạn vật, nền tảng CSDL về sản phẩm, nhà hàng, khách sạn… vào lĩnh vực văn hóa, du lịch; áp dụng các ứng dụng thông minh trong tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa, hồ sơ điện tử; thực hiện thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt vào lĩnh vực y tế…
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có thể ứng dụng giải pháp sử dụng phân bón thông minh bằng các ứng dụng thông minh; ứng dụng camera giám sát, camera thông minh; công nghệ cảm biến, IOT, AI đo thông số môi trường.
Cuối cùng là tổ chức chính quyền điện tử, chính quyền số dựa trên các giải pháp, ứng dụng thông minh.
Muốn xây dựng một chính quyền điện tử, chính quyền số tại xã NTM thông minh thực sự, trước hết, người đứng đầu phải chọn nền tảng công nghệ hợp lý, bố trí nhân sự vận hành hiệu quả, tránh cách làm hình thức.
Một số giải pháp chuyển đổi số ứng dụng trong tổ chức chính quyền như: tổ chức điều hành thông minh; sử dụng camera giám sát, ứng dụng công nghệ định danh cá nhân trong bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn; phần mềm điều hành tác nghiệp; thư điện tử và sử dụng chữ ký số…
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng: Chương trình OCOP là “đòn bẩy” phát triển kinh tế nông thôn
Huyện Hương Sơn xác định thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP là một nhiệm vụ mang tính “đòn bẩy”, đóng vai trò tích cực trong việc phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 47 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, là huyện có số lượng sản phẩm OCOP dẫn đầu toàn tỉnh. Các cơ sở có sản phẩm đạt chuẩn ngày càng nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, mở rộng kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Để đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công các nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt, tập trung cao công tác truyên truyền, vận động, hỗ trợ để các chủ thể sản xuất tích cực, chủ động tham gia chương trình OCOP thông qua những công việc cụ thể như: hướng dẫn các địa phương, cá nhân, tổ chức kinh tế lựa chọn ý tưởng, phát triển các sản phẩm OCOP; ưu tiên hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; hướng dẫn quy trình, thủ tục và hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP…
Xác định xúc tiến thương mại là bước then chốt để quyết định việc thành công của chương trình OCOP, địa phương đã hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ gắn với chuyển đổi số; kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu để các sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.
Bà Hoàng Thị Kim Dũng - Trưởng thôn Đồng Vịnh (xã Tân Dân, Đức Thọ): Phát huy mọi nguồn lực để xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu
Sau khi có chủ trương xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, chi bộ thôn Đồng Vịnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, đồng thời phát huy sức mạnh của Ban mặt trận và các tổ chức đoàn thể, vận động Nhân dân tích cực tham gia các tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Đầu tiên, chúng tôi chú trọng công tác thông tin tuyên truyền đến tận tổ dân cư và hộ dân nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung từng tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, từ đó, tạo sự đồng thuận và tinh thần thi đua chung sức, chung lòng.
Bám sát các tiêu chí, rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng khung kế hoạch nêu rõ lộ trình thực hiện một cách cụ thể, tổ chức thực hiện bài bản, quyết liệt, đảm bảo phát triển hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, cảnh quan và môi trường.
Trong quá trình huy động nguồn lực, thôn Đồng Vịnh đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động Nhân dân ủng hộ ngày công, tự đóng góp tiền trong xây dựng đường bê tông, mương thoát thải, mương nội đồng, xây dựng nhà sạch vườn đẹp, hàng rào xanh.
Trong quá trình tổ chức thực hiện không nóng vội, chủ quan, vừa làm vừa học tập kinh nghiệm, vừa đúc kết thực tiễn và thực hiện sự hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên. Nhờ đó, đến tháng 10/2022, thôn Đồng Vịnh đã được công nhận hoàn thành 10 tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đây là tiền đề và động lực để người dân Đồng Vịnh tiếp tục nâng cao đời sống, phát triển kinh tế xã hội, tạo động lực quan trọng để xã Tân Dân phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Khiên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên): Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong huy động đóng góp của Nhân dân
Đi lên từ một xã miền núi khó khăn, từ năm 2016 là xã 135, nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, năm 2018, xã Cẩm Minh được cộng nhận xã đạt chuẩn NTM.
Năm 2022, xã Cẩm Minh được sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền huyện chọn một trong 3 xã của huyện để xây dựng xã NTM nâng cao; đến nay, địa phương đã hoàn thành 20/20 tiêu chí.
Toàn xã hiện có 12 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, giải quyết cho trên 200 lao động tại địa phương. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 47,7 triệu đồng/người/năm. Xã có 6/8 thôn đạt khu dân cư mẫu cấp tỉnh; 2 thôn còn lại đạt trên 80% các tiêu chí khu dân cư mẫu; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,6%; có 8/8 thôn đạt thôn văn hóa cấp huyện.
Để có được những kết quả trên, địa phương thường xuyên chỉ đạo công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân về các chủ trương, chính sách của các cấp để vận dụng đúng, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Cùng đó, phát huy vai trò của người đứng đầu, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm trước Nhân dân; phát huy quy chế dân chủ, huy động mọi nguồn lực, trong đó thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở huy động đóng góp của Nhân dân và tranh thủ các chương trình, dự án nhằm xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn.
Địa phương cũng luôn thực hiện công khai minh bạch và quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi tài chính ngân sách, các nguồn xây dựng NTM.
Anh Lê Văn Duẩn - Giám đốc HTX Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh): Không ngừng hoàn thiện sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Cũng như nhiều sản phẩm khác, cơ sở sản xuất của chúng tôi giai đoạn đầu phát triển gặp rất nhiều khó khăn như: sản xuất không có liên kết, thị trường tiêu thụ hạn chế, mẫu mã sản phẩm chưa hấp dẫn, công nghệ sản xuất thủ công năng suất thấp…
Từ khi tham gia Chương trình OCOP, được sự hướng dẫn, giúp đỡ của các cấp, các ngành, sản phẩm của chúng tôi ngày càng hoàn thiện hơn về chất lượng và mẫu mã; sản xuất đã có sự liên kết chặt chẽ từ nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ. Trong 2022, sản lượng sản xuất đạt trên 3 triệu bánh đa vừng, trong đó có khoảng 400.000 bánh được xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Nga, Ba Lan. Tổng giá trị các đơn hàng xuất khẩu của HTX đạt gần 1,5 tỷ đồng.
Để đạt được thành công đó, chúng tôi đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, lợi thế của địa phương, tuân thủ đầy đủ các quy định về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, từ đó hình thành nên vùng nguyên liệu ổn định cho sản phẩm của mình.
HTX cũng mạnh dạn thay đổi, tiếp cận những cái mới để sản xuất tốt hơn; mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và bảo quản nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng cao.
Để làm tốt khâu thị trường, HTX đã phát triển các kênh bán hàng và quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm, trong đó, tập trung khai thác tiềm năng thị trường online, sàn thương mại điện tử; nghiên cứu kỹ các văn bản, quy định về xuất khẩu hàng hóa; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tích cực tham gia các hội chợ thương mại để tìm kiếm đối tác để phát triển thị trường, đầu ra cho sản phẩm.
Nguồn tin: baohatinh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn