Theo đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước cho trẻ em; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 10/7/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 341/KH-UBND ngày 21/9/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh.
Đồng thời, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Chỉ đạo làm rõ, truy cứu trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các vụ việc tai nạn, thương tích, đặc biệt các trường hợp có trẻ em tử vong.
Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, nhà trường, các tổ chức và cộng đồng về phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em.
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến từng trường học, lớp học, thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư; phổ biến, vận động cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ bị tai nạn, thương tích, đặc biệt trong các dịp nghỉ lễ, thời gian nghỉ hè trẻ em không đến trường.
Tăng thời lượng phát thanh tuyên truyền về phòng,chống đuối nước trẻ em trên các hệ thống thông tin đại chúng, nhất là hệ thống truyền thanh cơ sở; thành lập các đội tuyên truyền lưu động để thường xuyên phổ biến,nhắc nhở, khuyến cáo các gia đình về nguy cơ đuối nước trẻ em.
UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở: xây dựng kế hoạch cụ thể; thành lập ngay các tổ, nhóm kiểm tra, giám sát tại các khu vực nguy hiểm hoặc thường xuyên xảy ra tai nạn đuối nước để kịp thời có các giải pháp rào chắn, lắp đặt hệ thống các biển cảnh báo. Chỉ đạo, kịp thời có các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em; đồng thời quan tâm hỗ trợ, động viên các gia đình có trẻ em bị tai nạn, thương tích.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông; tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn, đặc biệt cho trẻ em ở các công trình xây dựng, các công trình công cộng, phương tiện giao thông, các địa điểm và thiết bị vui chơi dành cho trẻ em. Chỉ đạo các biện pháp xử lý, cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có vụ việc tai nạn, thương tích trẻ em xảy ra. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp xã, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhà trường về việc triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em.
Bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng các bể bơi để tổ chức dạy bơi cho trẻ em, học sinh nhằm nâng cao kỹ năng bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Triển khai các mô hình phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Huy động các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tổ liên gia tự quản trong địa bàn dân cư tận dụng cơ sở vật chất, địa điểm hiện có như nhà văn hóa, trường học, sân thể thao… tạo điều kiện cho trẻ em sinh hoạt hè trên địa bàn dân cư, giúp trẻ em có môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Nguồn tin: baohatinh.vn
Ý kiến bạn đọc