Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Hà Tĩnh lần thứ VI (2017-2022)
Thứ sáu - 07/10/2022 06:28
Sáng ngày 7/10/2022, tại hội trường Khách sạn BMC, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Hà Tĩnh lần thứ VI (2017-2022). Về dự hội nghị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội; đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo, cùng cán bộ, chuyên viên một số ban; ở tỉnh có các đồng chí: Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Võ Trọng Hải, Phó Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; Trương Thanh Huyền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các đồng chí Thường trực các huyện, thành phố, thị xã; các đồng chí Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã; 13 tập thể và 101 nông dân điển hình tiểu biểu trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, 5 năm qua (2017 - 2022) các cấp Hội đã tích cực tham mưu, vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh vào thực tiễn, tham gia tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất theo hướng mở rộng quy mô, tích tụ ruộng đất; vận động hội viên, nông dân tham gia các chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn trang bị cho hội viên nông dân phát huy vài trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; vận động hội viên, nông dân tập trung xây dựng vườn mẫu, cải tạo vườn tạp, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay của nhà nước, cung ứng cây con giống, phân bón trả chậm, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các cấp Hội cùng với các cấp chính quyền đã tuyên truyền, vận động nông dân dồn điền đổi thửa được 56.448,79 héc ta đất; trực tiếp vận động thành lập 1.705 tổ hợp tác, 380 hợp tác xã. Thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp với số tiền 50,511 tỷ đồng, tích cực phối hợp với các ngân hàng cho hội viên, nông dân vay vốn (dư nợ hiện nay đạt hơn 4.729 tỷ đồng cho 60.833 hộ vay), phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng 40.250 tấn phân bón, 15.315 tấn thức ăn gia súc, gia cầm, 950.300 giống cây ăn quả, 710.255 con giống các loại; 930 máy cày đa chức năng, máy gặt, gieo hạt, xay xát, chế biến, vv... Trong giai đoạn 2017 - 2022, bình quân hàng năm có hơn 87.000 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hiện nay lĩnh vực trồng trọt có 34.311 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tiêu biểu như mô hình trồng cây ăn quả của bà Phan Thị Hiền ở xã Thượng Lộc (Can Lộc), của ông Cao Viết Hồng ở xã Hương Trạch… Lĩnh vực chăn nuôi có 19.210 hộ sản xuất giỏi, tiêu biểu như trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Lê Văn Bàng ở xã Xuân Liên (Nghi Xuân), của ông Nguyễn Thái Huy ở xã Đức Lạng (Đức Thọ), ông Lê Văn Hoa ở phường Kỳ Thịnh thị xã Kỳ Anh…Lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản có 5.012 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tiêu biểu như cơ sở chế biến hải sản của bà Lê Thị Khương ở xã Kỳ Xuân huyện Kỳ Anh, bà Nguyễn Thị Ninh, Đặng Thị Luận ở xã Kỳ Ninh thị xã Kỳ Anh, của ông Trần Văn Ân ở thị trấn Lộc Hà huyện Lộc Hà… Bình quân hàng năm có hơn 17.500 hộ đạt thu nhập từ 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng, trong đó có 989 hộ đạt thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên, 4.956 hộ có thu nhập từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng. Song song với thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, hội viên nông dân toàn tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn. Bình quân hàng năm số lao động được hộ sản xuất kinh doanh giỏi tạo việc làm là 36.424 người, hướng dẫn phổ biến kiến thức kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho 81.665 lượt người; có 3.298 lượt hộ nghèo được giúp đỡ về vốn, vật tư, kỹ thuật. Hàng năm, các cấp Hội tổ chức vận động, quyên góp hỗ trợ hơn 25 đến 30 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng nhà ở, mỗi căn nhà trị giá từ 10 đến 15 triệu đồng… Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững thời gian qua phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần tạo nên những thành tựu quan trọng trong phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn. Thông qua Phong trào đã góp phần xây dựng củng cố tổ chức Hội vững mạnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo đã chỉ ra những mặt còn hạn chế. Đó là: Một số tổ chức hội cơ sở chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách thức tổ chức thực hiện phong trào; chưa có nhiều mô hình mới, cách làm hay để phổ biến, nhân rộng, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong tổ chức Hội. Nhận thức của một bộ phận nông dân về phong trào còn hạn chế, chưa mạnh dạn áp dụng các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tập quán canh tác lạc hậu…
Các đại biểu tham quan gian hàng nông nghiệp tiêu biểu của nông dân Hà Tĩnh bên lề hội nghị. Từ những kết quả đạt được và các mặt còn hạn chế, hội nghị đã đề ra phương hướng thời gian tới: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2027, phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới về chất. Đồng thời đề ra chỉ tiêu: Hàng năm có trên 70% số hộ nông dân đăng ký và có trên 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; chỉ đạo xây dựng 80 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, 20 - 25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP/năm. Hằng năm mỗi đơn vị cấp huyện xây dựng, đầu tư, nâng cấp 2 - 3 cửa hàng nông sản an toàn; có 100% mô hình thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ 2-3 hộ nghèo xây dựng nhà ở; mỗi đơn vị cấp xã giúp đỡ 1-2 hộ thoát nghèo bền vững... Đồng thời đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện: Các cấp Hội tiếp tục tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, trong đó tập trung xây dựng chương trình hành động và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, gắn với tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Chủ động phối hợp và thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp với các cơ quan, ban ngành, như tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại; tăng cường nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn và sử dụng vốn có hiệu quả. Đặc biệt tập trung vào các dự án, mô hình sản xuất các loại cây trồng, con nuôi có nhiều sản phẩm OCOP, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị cao và sức cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng kế hoạch, đề án hỗ trợ tập huấn để nông dân tiếp cận với công nghệ thông tin và khai thác sử dụng mạng internet phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Tăng cường tuyên truyền và hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với Bưu điện cùng cấp thực hiện hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hoá trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn/Agri-postmart.vn. Tiếp tục vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng chi Hội nông dân nghề nghiệp, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã. Tăng cường hợp tác, liên kết với các ngành, các doanh nghiệp để tạo sức mạnh, nguồn lực trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Vận động nông dân đẩy nhanh quá trình dồn điển đổi thửa, tập trung, tích tụ ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Gắn tổ chức phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi với công tác củng cố và xây dựng Hội vững mạnh, phát triển hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ Hội. Thực hiện tốt công tác vận động hội viên, nông dân đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững bằng nhiều hình thức. Vận động hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp hộ nghèo về kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn, vốn, vật tư; phương tiện sản xuất, giải quyết việc làm, tạo điều kiện để hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững. Các cấp Hội thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, giám sát chặt chẽ việc quản lý, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, các cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản; tích cực tham gia góp ý xây dựng chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân. Tiếp tục đổi mới công tác thi đua - khen thưởng tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua ở cơ sở. Thường xuyên phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, biểu dương, nêu gương, cổ vũ động viên, khen thưởng các điển hình tiên tiến; tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình để hội viên, nông dân học tập và làm theo. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, mặc dù là địa phương có nhiều khó khăn, thiên tai, bão lũ, điểm xuất phát thấp nhưng thời gian qua nền nông nghiệp Hà Tĩnh đang có những bước chuyển biến tích cực. Hội Nông dân Hà Tĩnh có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động và các phong trào thi đua yêu nước; gắn chặt nhiệm vụ của tổ chức hội với nhiệm vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Riêng phong trào sản xuất kinh doanh giỏi thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội nông thôn; góp phần xây dựng nông thôn mới; đưa nền nông nghiệp Hà Tĩnh có những bước phát triển quan trọng, kinh tế nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của nông dân từng bước được nâng lên. Qua phong trào xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu, phát huy tiềm năng địa phương, làm giàu cho bản thân và đoàn kết giúp đỡ nông dân khác cùng vươn lên. Đồng chí đề nghị thời gian tới các cấp hội ở Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả công tác nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chủ động xây dựng nông thôn mới. Khích lệ, động viên nông dân phát huy vai trò chủ thể, thay đổi tư duy kinh tế trong nông nghiệp. Các cấp hội tiếp tục tập trung đổi mới phong trào, chú trọng nâng cao chất lượng, gắn phong trào với xây dựng nông thôn mới; chủ động trong công tác tham mưu, chuẩn bị tốt nội dung để tổ chức tốt Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023 – 2028. Các hộ nông dân Hà Tĩnh nắm bắt lợi thế địa phương, phát huy, nhân rộng các mô hình kinh tế; có trách nhiệm với cộng đồng, xây dựng quê hương. Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cấp hội và hội viên nông dân toàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào, đặc biệt là về vốn, kỹ thuật, kiến thức sản xuất, quản trị; giúp nông dân xây dựng thương hiệu, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hỗ trợ Hội Nông dân các cấp thực hiện có hiệu quả công tác hội và phong trào nông dân ở địa phương. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: Vị thế chính trị của giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân đang ngày càng được nâng cao. Các cấp hội trong tỉnh đã bám sát chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để triển khai đồng bộ, toàn diện, sâu rộng và đạt kết quả quan trọng. Thời gian qua, các cấp hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương. Đặc biệt, phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã có sức lan tỏa, thu hút hàng trăm nghìn hộ nông dân tham gia. Phong trào không chỉ tạo điều kiện và khích lệ ý chí và quyết tâm không cam chịu đói nghèo, vượt khó khăn, vươn lên làm giàu cho bản thân, cho gia đình mà còn thể hiện sự đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau cách thức làm ăn, vươn lên trong cuộc sống, tình làng, nghĩa xóm ngày càng củng cố, bền chặt hơn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nông thôn. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích đạt được của cán bộ, hội viên và nông dân toàn tỉnh, đặc biệt là 13 tập thể và 101 nông dân điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trong phong trào. Đồng chí đề nghị thời gian tới các cấp hội tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; sản xuất gắn với tiêu thụ, mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu; nâng cao giá trị sản phẩm. Tiếp tục thử nghiệm các giống cây, con mới, giá trị cao phù hợp với điều kiện địa phương. Gắn phong trào sản xuất kinh doanh giỏi với xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu chung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân. Xây dựng các mô hình thiết thực, chất lượng, bền vững không chạy theo hình thức, biểu diễn. Đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, vận động nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất; xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển hơn nữa về số lượng, quy mô và chất lượng hoạt động. Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp chính quyền tạo điều kiện, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp; mỗi địa phương ứng dụng, nhân rộng các mô hình gắn với thực tiễn. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp (giống, đất đai, dịch bệnh, phòng ngừa thiên tai, quảng bá sản phẩm...). Đồng chí đề nghị Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chuẩn bị chu đáo cho sự kiện đối thoại của Thường trực Tỉnh ủy với nông dân, tránh hình thức, cần rà soát các chính sách chưa phù hợp để kiến nghị tại diễn đàn; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ.
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Thủy – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh bế mạc hội nghị Tại hội nghị đã biểu dương 13 tập thể và 101 hội viên, nông dân tiêu biểu xuất sắc, là người trực tiếp sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực đại diện cho 239 nghìn hội viên và hơn 89 nghìn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 13 tập thể và 25 cá nhân tiêu biểu trong phong trào; Hội Nông dân tỉnh tặng Giấy chứng nhận danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cho 76 cá nhân.