Xác định tầm quan trọng của việc hỗ trợ xây dựng các mô hình, đề án, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân; thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương cho nông dân.
Hướng tới người nông dân hiện đại trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay, thì việc chuyển mạnh sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết hợp tác thành khối vững chắc từ sản xuất đến kết nối, tiêu thụ đầu ra nhằm thay đổi phương thức sản xuất là điều cần thiết hơn bao giờ hết.
Theo đó, trong năm 2024, Trung tâm đã tập trung huy động nguồn lực, hỗ trợ vật tư, kỹ thuật triển khai thành công 11 mô hình trình diễn sử dụng các loại phân bón trên cây chè, cây bưởi Phúc Trạch, cam Vũ Quang,… nhằm giúp nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Chủ trì xây dựng đề xuất Dự án Ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục thoái hoá cam Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, thời gian thực hiện giai đoạn 2024 - 2026, theo chương trình phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ. Tham mưu các nội dung liên quan, đề xuất triển khai Trung tâm OCOP cấp tỉnh nhằm khai thác cơ sở vật chất của Trung tâm, thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Thường xuyên có gian hàng tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, trong đó tham gia 06 gian hàng tại 03 hội chợ thương mại, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản do UBND tỉnh tổ chức. Tham gia 4 cuộc hội nghị xúc tiến thương mại, giao thương các tỉnh do Sở Công thương tổ chức. Trực tiếp quản lý cửa hàng nông sản tại địa chỉ 16 Võ Liêm Sơn, thành phố Hà Tĩnh đảm bảo hoạt động ổn định, từng bước đã trở thành chỗ dựa tin cậy của người sản xuất và người tiêu dùng; thường xuyên quảng bá, trưng bày trên 100 sản phẩm OCOP và nông sản trong, ngoài tỉnh; doanh số duy trì 170 - 180 triệu đồng/tháng. Tham mưu chương trình giám sát, đánh giá hoạt động chuỗi 25 cửa hàng nông sản an toàn do tổ chức Hội các cấp thành lập và quản lý trên địa bàn toàn tỉnh.
Ảnh: Phát huy hiệu quả chuỗi cửa hàng nông sản do Hội thành lập, góp phần quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ các nông sản, đặc sản trong và ngoài tỉnh
Năm 2024, Trung tâm đã trực tiếp chủ trì, phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thuỷ sản khảo sát, đánh giá cấp chứng nhận 02 sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn gắn với chuỗi cửa hàng nông sản an toàn do tổ chức Hội Nông dân các cấp thành lập và quản lý.
Phối hợp với các đối tác, doanh nghiệp, Hội Nông dân các cấp tổ chức được hơn 150 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 11.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân. Qua đó nâng cao kiến thức, thông tin về khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân áp dụng vào sản xuất trên các loại cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất cây trồng trên một đơn vị diện tích.
Phối hợp với Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai thành công mô hình chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn sinh học tại xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà với 20 hộ tham gia, quy mô 5.000 con/lứa. Chủ trì triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc tiểu dự án 2: Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 với nội dung xây dựng mô hình bò nái sinh sản cho 50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn hưởng lợi tại 5 xã trên địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê, Can Lộc.
Ảnh: Trao hỗ trợ bò nái xây dựng mô hình bò nái sinh sản cho các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn hưởng lợi tại Hương Khê.
Bên cạnh hỗ trợ hội viên có tay nghề, tiếp cận khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, Trung tâm đã tích cực đẩy mạnh liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trực tiếp thực hiện các chương trình quảng bá, truyền thông trên Facebook, Zalo, các nền tảng trực tuyến khác, trực tiếp kết nối tiêu thụ hơn 83,133 tấn nông sản các loại giúp hội viên nông dân trong và ngoài tỉnh như cam chanh Vũ Quang, cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch, cam sành Hà Giang, mận Sơn La, dưa lưới và nhiều sản phẩm OCOP khác….
Từ nhiều hoạt động có ý nghĩa đó, vị thế, uy tín của tổ chức Hội Nông dân các cấp nói chung và Trung tâm Hỗ trợ nông dân nói riêng ngày càng được khẳng định, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với những kết quả trên, các hoạt động đã đạt được năm 2024 nói chung và hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân nói riêng, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tiếp tục khắc phục những khó khăn, phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên, tiếp tục công tác tuyên truyền các hoạt động của Trung tâm nói chung và hoạt động cung ứng dịch vụ hỗ trợ nông dân nói riêng trên Website của Hội Nông dân tỉnh, trên các nhóm mạng xã hội Zalo, Facebook bằng những bài viết, thông tin mang tính định hướng cho cán bộ HND cấp cơ sở và hội viên, nông dân phối hợp với Trung tâm thực hiện nhiệm vụ. Tập trung huy động tốt nguồn lực từ các sở, ban ngành theo các chương trình phối hợp để nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, chỉ tiêu kết quả công tác Hội và phong trào nông dân toàn tỉnh./.