Mô hình “Thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, khu dân cư kiểu mẫu” ở xã Lưu Vĩnh Sơn năm 2024
Thứ sáu - 29/11/2024 05:12
Thực hiện Kế hoạch 96-KH/HNDT, ngày 13/11/2024 của Hội Nông dân tỉnh về việc triển khai xây dựng mô hình “Thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, khu dân cư kiểu mẫu” tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà; ngày 28, 29/11/2024, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Thạch Hà, chính quyền, Hội Nông dân xã Lưu Vĩnh Sơn thực hiện bàn giao các hạng mục hỗ trợ mô hình, đồng thời tiến hành tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường, kỹ thuật thu gom, phân loại, xử lý rác thải kết hợp ủ phân vi sinh tại hộ gia đình tại thôn Tân Đình, xã Lưu Vĩnh Sơn.
Trong năm 2024, phong trào “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - khu dân cư kiểu mẫu” toàn xã Lưu Vĩnh Sơn nói chung và thôn Tân Đình nói riêng đã tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả. Chính vì vậy, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã quyết định lựa chọn thôn Tân Đình theo đề xuất của chính quyền và HND xã Lưu Vĩnh Sơn là thôn để thực hiện mô hình “Thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, khu dân cư kiểu mẫu” thuộc nội dung 5 của nội dung thành phần số 07: Nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam theo Quyết định số 263/QĐ-TTg, ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu của mô hình nhằm phát động sâu rộng trong toàn thể đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trên toàn xã Lưu Vĩnh Sơn tổ chức, tham gia và duy trì có hiệu quả phong trào “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, khu dân cư kiểu mẫu”. 100% cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn thôn Tân Đình, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà được tuyên truyền, nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc trồng cây xanh gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ cây xanh, thùng chứa rác thải cho hộ gia đình và nơi công cộng, chế phẩm vi sinh xử lý rác thải hữu cơ, đèn điện thắp sáng đường quê, xây dựng thành công mô hình, đảm bảo “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” tại thôn Tân Đình, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Xây dựng thói quen phân loại và xử lý rác thải, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân huỷ, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh phong trào trồng và chăm sóc cây xanh. Nâng cao nhận thức, ý thức và tinh thần trách nhiệm của Hội và hội viên nông dân trong tỉnh trong việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, đồng thời củng cố tổ chức Hội, nâng cao vị thế của Hội, thu hút hội viên tham gia vào Hội.Các nội dung hạng mục hỗ trợ của mô hình gồm 20 thùng phân loại rác vô cơ, hữu cơ loại 2 ngăn và 60 gói chế phẩm vi sinh xử lý chất thải hữu cơ hỗ trợ cho 20 hộ gia đình tham gia xây dựng mô hình; 60 cây bằng lăng tím hỗ trợ trồng trên tuyến đường trục thôn; 8 cây hoa giấy ngũ sắc; 80 cây nguyệt quế và thùng rác công cộng lắp đặt tại hội quán thôn Tân Đình; 30 bóng đèn chiếu sáng lắp đặt trên tuyến đường trục thôn. Tổ chức tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường, kỹ thuật thu gom, phân loại, xử lý rác thải kết hợp ủ phân vi sinh tại hộ gia đình.Bên cạnh sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, chính quyền và người dân địa phương cũng đã tích cực tham gia xây dựng mô hình, cụ thể như phát động ra quân tiến hành xây bồn hoa, hàng rào xanh, chỉnh trang đường dây điện cùng vệ sinh trên tuyến đường trục thôn và hội quán 03 đợt trong tháng 11/2024. Tổng số tiền thực hiện mô hình là 183.550.000 đồng, trong đó Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ với tổng số tiền 90.000.000 đồng, địa phương và người dân đóng góp 93.550.000 đồng.Mô hình được triển khai góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc trồng cây xanh, phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Nông dân trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn; đồng thời sẽ là mô hình điểm để tuyên truyền nhân rộng trong các cấp Hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền và hội viên, nông dân về việc bảo vệ môi trường không đơn thuần chỉ là trồng cây, mà còn phải cải tạo, chuyển đổi mô hình sản xuất, thay đổi hành vi, lối sống để giảm thiểu tác động đến môi trường và từng bước nâng cao chất lượng môi trường. Đẩy mạnh các hoạt động của chi hội, tổ tự quản vệ sinh môi trường, xây dựng quy ước bảo vệ môi trường nông thôn. Mô hình thành công là điểm thăm quan học tập tại chỗ và trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo vệ môi trường, để nhân rộng ra các chi hội trên địa bàn xã và các xã trong địa bàn toàn tỉnh.