Hội Nông dân thị trấn Phố Châu huyện Hương Sơn tổ chức Đại hội
Thứ tư - 11/01/2023 10:52
Trong 2 ngày 10 và 11/01/2023, Hội Nông dân thị trấn Phố Châu đã tổ chức đại hội, đây là đại hội điểm cấp xã của huyện Hương Sơn. Về dự đại hội ở tỉnh có đồng chí Nguyễn Thị Mai Thủy – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; cùng Trưởng ban Tuyên giáo và Phó ban Tổ chức – Kiểm tra; ở huyện có đồng chí Nguyễn Viết Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ, Trưởng các ban, phòng, ngành của huyện; Chủ tịch Hội Nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hương Sơn; Bí thư, Tổ trưởng các tổ dân phố thị trấn Phố Châu, cùng 89 đại biểu được bầu từ các chi hội.
Báo cáo tại đại hội cho biết, 5 năm qua Hội Nông dân thị trấn đã tổ chức được 235 cuộc tuyên truyền cho hơn 10 ngàn lượt cán bộ, hội viên; phối hợp với Trung tâm VHTT huyện xây dựng 3 phóng sự, 25 tin về các hoạt động của Hội, gương nông dân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua; vận động kết nạp 156 hội viên mới, đạt 208% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra; vận động, hướng dẫn thành lập được 01 chi hội nông dân nghề nghiệp gồm 47 thành viên và 4 tổ hội nông dân nghề nghiệp.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục được duy trì và phát triển. Số lượng hội viên, nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp năm sau cao hơn năm trước. Trung bình hàng năm có hơn 670 hộ đăng ký, kết quả bình xét cuối năm có 70% số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đến nay thị trấn có 14 tổ hợp tác, 430 hộ sản xuất nông nghiệp chuyển sang thương mại dịch vụ, ngành nghề; vận động xây dựng 35 mô hình tổng hợp doanh thu từ 100 - 350 triệu/năm; vận động hướng dẫn xây dựng thành công 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Cán bộ, hội viên, nông dân thị trấn đã giúp đỡ chỉnh trang 215 vườn ở, giúp 5 hộ nông dân thoát nghèo, đã đóng góp trao tặng 74 suất quà động viên các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 23.500 đồng.
Chương trình xây dựng đô thị văn minh và bảo vệ môi trường được cán bộ, hội viên nông dân tích cực hưởng ứng. Hội đã phối hợp vận động hội viên, nhân dân cải tạo được 215 vườn, chỉnh trang khuôn viên bờ rào được 380 vườn, đồng hành hỗ trợ xây dựng được 3 vườn mẫu; hiến đất, hiến cây, mở rộng 4,5 km lề đường; làm được 12,5 km đường cứng, 7,2 km thảm nhựa, 4,5 km mương thoát nước có nắp đậy, vận động phát huy nội lực nâng cấp mở rộng và xây mới 7 nhà văn hóa tổ dân phố, đóng góp trên 30 tỷ đồng và ngày công lao động; xây dựng 4 bảng tin khoa học, 12 hố rác bảo vệ thực vật tại các cánh đồng và tổ chức thu gom hàng tháng, 15 hố ủ phân vi sinh, tất cả 9 chi hội đều đảm nhận đoạn đường “xanh-sạch-đẹp-sáng” do Hội tự quản. Trong nhiệm kỳ Hội đã động viên các chi hội xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân được 23 triệu đồng; phối hợp tốt với Ngân hàng CSXH huyện cho hội viên nông dân vay vốn, hiện nay có 341 hội viên nông dân vay hơn 19,656 tỷ đồng. Hàng năm Hội phối hợp với Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật vận hành bể Bioga, ủ phân vi sinh; tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho nông dân, cài đặt các ứng dụng tiện ích phục vụ cuộc sống, sản xuất kinh doanh như: VsslD, VNelD, E-MOBILE BANKING, QR- Code, sổ sức khỏe điện tử... Phối hợp kết nối, đưa các sản phẩm OCOP, các đặc sản lên sàn thương mại điện tử.
Đồng chí Phan Xuân Định – Huyện uỷ viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn phát biểu tại Đại hội
Phát biểu tại đại hội, đồng chí Phan Văn Khanh – Huyện uỷ viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện và đồng chí Phan Xuân Định – Huyện uỷ viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn ghi nhận, đánh giá cao các hoạt động nhiệm kỳ qua của Hội Nông dân thị trấn Phố Châu. Trong nhiệm kỳ có hơn 65% hộ nông dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ, ngành nghề; có 12 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả thu hút 150 lao động tham gia, 4 cơ sở chế biến với 8 sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm Nem chua Ý Bình là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu từ 2019 đến nay. Giá trị sản xuất, chăn nuôi, ngành nghề, thương mại dịch vụ tổng hợp trong nông nghiệp hàng năm đạt trên 200 tỷ đồng, phong trào cải tạo chỉnh trang vườn, xây dựng vườn mẫu, vườn đẹp bước đầu phát huy có hiệu quả. Tổng sản lượng lương thực bình quân hằng năm đạt 1.300 tấn; tổng đàn gia súc, gia cầm giữ vững và phát triển ổn định, nhất là đàn hươu có 720 con, tăng 116% so với đầu nhiệm kỳ (đầu nhiệm kỳ có 620 con); các hội thi, hội diễn hội nông dân luôn xếp tốp đầu của huyện, đạt giải nhất Hội thi Nhà nông đua tài toàn huyện; hằng năm Hội Nông dân Thị trấn được Huyện hội xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có 2 đồng chí Chủ tịch Hội được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác Hội và phong trào nông dân thị trấn nhiệm kỳ qua còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Công tác tuyên truyền, vận động hội viên có lúc chưa được thường xuyên và kịp thời; một số chi hội chưa duy trì được chế độ sinh hoạt, chất lượng sinh hoạt chậm đổi mới, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt còn thấp; các hoạt động hỗ trợ nông dân chưa đáp ứng được nhu cầu của hội viên; vai trò của Ban Chấp hành, Ban thường vụ Hội trong tham mưu cho cấp ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng đô thị văn minh đôi lúc còn thụ động và hiệu quả chưa cao...
Đại hội đã đề ra 11 chỉ tiêu, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm kỳ 2023 – 2028 ; bầu 13 đồng chí vào Ban Chấp hành; bầu 6 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện. Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành Hội Nông dân thị trấn đã bầu 3 đồng chí vào Ban Thường vụ, đồng chí Lương Quốc Việt và Phan Thị Hương được Ban Chấp hành tiếp tục tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch.
Các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo huyện Hương Sơn và thị trấn Phố Châu tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023-2028
Sau khi kết thúc đại hội, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Hương Sơn đã tổ chức góp ý, rút kinh nghiệm. Tất cả các ý kiến đều đánh giá cao, từ công tác chuẩn bị như: trang trí, khẩu hiệu, pa nô; cho đến chuẩn bị các văn kiện và công tác điều hành, tổ chức đại hội. Nội dung báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành đã bám các hướng dẫn, ngắn gọn, có trình chiếu; tham luận đã bám các nội dung hoạt động của Hội; bầu cử thực hiện theo quy định, tỷ lệ trúng cử đạt cao. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, cần bổ cứu, đó là: Báo cáo chính trị cần có số liệu so sánh, đề ra nhiệm vụ đột phá; báo cáo kiểm điểm phải đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, bao nhiêu chỉ tiêu đạt, không đạt; các tham luận cần tập trung vào các nội dung: công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân; công tác xây dựng tổ chức Hội (xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp); phong trào thi đua SXKDG; vai trò giám sát phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền…