Hiệu quả từ việc sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp
Thứ ba - 14/06/2022 06:01
Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là một giải pháp hỗ trợ mang tính tất yếu để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất bền vững, góp phần cải thiện đời sống người nông dân.
Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ Hội Nông dân 3 huyện xây dựng 8 mô hình: trong đó xây dựng 6 mô hình trồng ổi lê Đài Loan theo hướng hữu cơ tại phường Hưng Trí – TX Kỳ Anh, xã Phú Gia, Điền Mỹ – Hương Khê, xã Thọ Điền, Hương Minh – Vũ Quang ứng dụng chế phẩm sinh học, hữu cơ chuyển đổi 02 mô hình trồng bưởi da xanh tại thị trấn Vũ Quang.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, các chế phẩm sinh học trong chăm sóc cây trồng theo phương pháp thuận tự nhiên vừa bảo vệ môi trường sinh thái, vừa đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn. Chương trình phối hợp sẽ chọn các mô hình tổ chức sản xuất theo vườn hộ có sự tham gia hướng dẫn, giám sát trực tiếp của cán bộ kỹ thuật. Cán bộ kỹ thuật sẽ hướng dẫn các mô hình trồng cây ăn quả theo hướng an toàn sinh học và bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện đúng quy trình. Hội viên, nông dân tham gia chương trình có điều kiện về đất đai, công lao động, chi phí giống, vật tư chế phẩm, phân chuồng hoai mục...Trung tâm Hỗ trợ nông dân hỗ trợ phân vi sinh, chi phí tư vấn kỹ thuật, kết nối quảng bá đầu ra sản phẩm…. Nông dân tham gia mô hình theo tiêu chí hữu cơ ngoài tự nguyện tham gia, có đủ năng lực về kỹ thuật còn phải có điều kiện về đất đai (1000 m2 trở lên), lao động tại chổ, chịu khó học hỏi, tiếp cận sản xuất theo hướng hữu cơ, bỏ hoàn toàn thói quen sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV... Việc lạm dụng hóa chất, phân bón hoá học đã tước đi sự sống của các sinh vật trong đất, cây trồng thiếu các chất dinh dưỡng hữu cơ từ đất sẽ phải phụ thuộc vào phân bón hoá học, hệ miễn dịch của cây trở nên yếu dần và ngày càng cần nhiều hoá chất để có thể tiếp tục tồn tại. Chính vì vậy việc đưa công nghệ sinh học, hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp góp phần cải tạo đất, đẩy nhanh quá trình phục hồi sự sống cho đất và thoát khỏi sự phục thuộc vào hoá chất, cân bằng môi trường sinh thái, bảo vệ thiên địch, tăng năng suất và chất lượng nông sản, trong tương lai sẽ mang tới năng suất cao hơn cùng chi phí sản xuất giảm đi đáng kể.
Thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp thường xuyên tuyên truyền ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, đặc biệt gần đây là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà cả hệ thống chính trị và xã hội quan tâm. Đây là hướng đi phù hợp trong phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, bước đầu với sự vào cuộc của Hội Nông dân các cấp, nhận thức của hội viên nông dân sẽ mang lại những thành quả nhất định từ các mô hình thử nghiệm. Thông qua đó góp phần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh việc tập trung xây dựng mô hình, Trung tâm Hỗ trợ nông dân cũng đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho các nông hộ và cộng đồng hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch và đảm bảo môi trường.
Việc ứng dụng các loại chế phẩm vi sinh vật hàm lượng cao đã dần trở thành thói quen của người nông dân, việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật đã bước đầu được hạn chế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm trên mỗi đơn vị diện tích đất nông nghiệp, từ đó gia tăng thu nhập cho hội viên, nông dân. Theo đó, Hội Nông dân cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn, vận động bà con nông dân tuân thủ các qui trình, sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp công ty tư vấn kỹ thuật hướng dẫn nông dân sử dụng đúng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, chặt chẽ. Hàng năm tổ chức đánh giá, nhân rộng các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học sẽ góp phần giảm thiểu những sản phẩm không an toàn, từng bước nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm nông sản, góp phần tăng năng suất cây trồng, giảm thiểu các rủi ro và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như môi trường sống.