Phát huy vai trò của hội viên nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở xã Sơn Bằng huyện Hương Sơn
Thứ hai - 03/06/2024 05:00
Thời gian qua, Hội Nông dân xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tại địa phương, các hội viên nông dân đã phát huy tốt vai trò của mình trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Xã Sơn Bằng là một xã nghèo của huyện Hương Sơn, người dân trong xã chủ yếu sống bằng nông nghiệp, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 64%; Hội Nông dân xã có 561 hội viên. Nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, tích cực thi đua lao động, sản xuất kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa, chủ động bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, tệ nạn xã hội, tập trung xây dựng nông thôn mới. Nên đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng lên, số hộ khá, giàu tăng, hộ nghèo giảm; chính sách an sinh xã hội được chăm lo tới người nghèo, người khó khăn đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. Nông dân đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất theo hướng hàng hóa mang lại hiệu quả cao.
Để hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, các phong trào ở địa phương đạt hiệu quả; ngay từ đầu năm, Hội Nông dân xã đã xây dựng kế hoạch với những nội dung thực hiện cụ thể gắn với các phong trào thi đua của tổ chức Hội, đặc biệt là phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững triển khai rộng rãi trong hội viên, nông dân. Thông qua các buổi sinh hoạt, các chi hội nông dân tổ chức tuyên truyền trong hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, về các phong trào thi đua của Hội, những việc nông dân cần thực hiện để tham gia xây dựng nông thôn mới. Cán bộ hội viên nông dân đã phát huy truyền thống quê hương anh hùng, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, giá trị sản xuất. Chăn nuôi đạt 25,1 tỷ đồng, ngành nghề thương mại dịch vụ tổng hợp hàng năm đạt giá trị 18,4 tỷ đồng, tăng trên 8%, phong trào cải tạo chỉnh trang vườn, xây dựng vườn mẫu, vườn đẹp bước đầu phát huy có hiệu quả, thu nhập khác 78,5 tỷ đồng. Bình quân đầu người năm 2022 là 43,6 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ (36,5 triệu) tăng 23%.
Hội đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hàng năm Hội đã chủ động phối hợp cán bộ chuyên môn cấp trên tổ chức tập huấn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đưa giống mới, phân bón mới vào sản xuất, đào tạo ngành nghề nông thôn cho hơn 500 lượt hội viên nông dân tham gia. Đặc biệt, Hội tích cực vận động cán bộ, hội viên xây dựng các mô hình, phát triển kinh tế chăn nuôi huơu, bò, ong, dê, trồng ổi. Các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm chi phí sản xuất tăng thu nhập cho hội viên nông dân. Điển hình như mô hình ổi chuyển đổi từ đất màu kém hiệu quả của hội viên Tống Thị Nhung thôn Kim Bằng, mô hình nuôi hươu của chị Lê Thị Hà thôn Kim Bằng, mô hình dê của anh Lê Văn Đức thôn Trung Bằng, mô hình ong của anh Nguyễn Đình Hoài, cán bộ chi hội Phúc Bằng… Bên cạnh đó còn nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như nuôi bò - gà, nuôi bò - ong, nuôi hươu - ong, hươu - bò...Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã đã tổ chức dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về phân bón, kỹ thuật…; xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả và vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển sản xuất trong nông nghiệp, từ đó sản xuất nông nghiệp được cải tiến, giảm sức lao động, tăng năng suất. Thời gian qua, Hội đã trực tiếp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia xây dựng phát triển mô hình kinh tế tập thể, kinh tế vườn gắn với nhiệm vụ của công tác Hội và phong trào nông dân ở địa phương như tham gia tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã.
Ngoài ra, Hội còn tổ chức cho hội viên nông dân được vay vốn thông qua ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng nguồn vốn đến nay là hơn 8 tỷ đồng cho 160 hộ vay, với 05 tổ tiết kiệm vay vốn. Từ các nguồn vốn này các hội viên có điều kiện đầu tư vào sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, nâng cao thu nhập.Thời gian tới, Hội tiếp tục thay đổi, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân tham gia vào tổ chức Hội, tổ chức thực hiện các phong trào của Hội cũng như các phong trào địa phương với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực. Mở rộng và đẩy mạnh phát triển mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tạo sự gắn bó mật thiết giữa hội viên nông dân với tổ chức Hội. Thực hiện hiệu quả việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân, phối hợp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, nâng cao vị thế của tổ chức Hội. Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Hội, nâng cao chất lượng công tác quản lý hội viên, tiếp tục rà soát chất lượng hội viên nông dân để phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt, có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn duy trì nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả.
Những đóng góp của cán bộ, hội viên, nông dân ở xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần làm cho diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tạo niềm tin cho nông dân vào sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng chung sức, đồng lòng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.