Rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại trên đồng ruộng
Hiện nay, lúa hè thu đang giai đoạn làm đòng, sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến trổ tập trung từ 10 - 15/8, cơ bản kết thúc trước 20/8. Theo báo cáo của trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi các huyện, thị xã và kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, hiện nay, rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại mật độ phổ biến 100 - 200 con/m2 , nơi cao 700 - 1.000 con/m2; cá biệt tại xã Lâm Trung Thủy (huyện Đức Thọ) mật độ 3.000 - 5.000 con/m2, diện tích nhiễm bệnh khoảng 10ha, chủ yếu rầy tuổi 1, tuổi 2.
Dự báo rầy nâu, rầy lưng trắng lứa tiếp theo sẽ xuất hiện gây hại từ thời điểm 10/8 trở đi trùng với giai đoạn lúa trổ bông - chín, có thể làm ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa hè thu. Cùng với đó, thời tiết chuẩn bị bước vào tiết lập thu, oi nóng và có mưa rào xen kẽ là điều kiện cho dịch hại này phát sinh, gây hại diện rộng nếu không tiến hành theo dõi, chủ động phòng trừ.
Lúa hè thu toàn tỉnh đang vào giai đoạn làm đòng, phát triển tốt.
Để hạn chế thiệt hại do rầy nâu, rầy lưng trắng gây ra, bảo vệ an toàn sản xuất, theo ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, các địa phương cần tập trung điều tiết, duy trì đủ nước tạo điều kiện thuận lợi cho lúa làm đòng, trổ bông, nhất là đối với số diện tích cuối kênh, cao cưỡng có thể xảy ra hạn cục bộ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển.
Trước mắt, người dân cần tập trung xử lý triệt để các diện tích đã xuất hiện rầy để hạn chế nguồn phát tán, lây lan; thường xuyên giám sát đồng ruộng, tích cực phát hiện, chú trọng vùng thấp trũng, vùng hàng năm rầy thường phát sinh gây hại.
Người dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm các ổ rầy nâu, rầy lưng trắng để xử lý kịp thời.
Ngành chuyên môn cần chủ động cảnh báo, hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân tiến hành phun trừ kịp thời khi rầy tuổi 1, tuổi 2 bằng một trong các loại thuốc hóa học sau: Chess 50WG: pha 30 gam thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2; Sutin 50SC: pha 25 ml thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2; Dantotsu 50WG: pha 7,5gam thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2; Ba Đăng 300WP: pha 30 gam thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2...
Trong quá trình sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và thực hiện việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định. Bên cạnh đó cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh bạc lá để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Nguồn tin: baohatinh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn