Mở đầu bài phát biểu, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Nông dân là một lực lượng hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn quốc cũng như tỉnh Hà Tĩnh”; Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị “để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh, để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”.
Bí thư cho biết: “Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta hết sức coi trọng vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tại các kỳ Đại hội, nhất từ sau Đại hội VI, Đảng ta luôn khẳng định, cùng với phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại Các kỳ Đại hội IX, X, XI, XII, Đảng ta tiếp tục phát triển tư duy lý luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chỉ đạo đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục phát triển và đưa nông, lâm, ngư nghiệp lên một trình độ mới, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Đến Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Gần đây nhất, Nghị quyết số 19, ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã khẳng định mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời giữa ba thành tố, trong đó nông dân là chủ thể, nông nghiệp là nền tảng, nông thôn là địa bàn. Mục tiêu hướng tới là xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn được xác định là: “là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”…
Tiếp đến, Bí thư Tỉnh ủy cho biết tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh thời gian qua: “Nông nghiệp Hà Tĩnh tăng trưởng khá cao, năm 2021 đạt 3,78%, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng nhanh, chiếm trên 53% (toàn quốc chỉ đạt 28%), giảm dần tỷ trọng trồng trọt, nhóm các sản phẩm chủ lực tăng khá. Toàn tỉnh có 250 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt trên 96 triệu đồng/ha. Hà Tĩnh được Chính phủ chọn thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 98% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hiện nay chỉ còn 4 xã và 3 huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới”.
Bí thư Tỉnh ủy cũng cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn: “Là tỉnh duy nhất hỗ trợ 20% kinh phí cho người nông dân tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; chính sách hỗ trợ về giống, tích tụ ruộng đất, mua máy móc thiết bị, nuôi trồng thủy hải sản, chính sách làm nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ học bổng cho con em hộ nghèo học đại học được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa. 2 năm qua tỉnh làm được trên 3600 nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, 52 nhà văn hoá cộng đồng, 204 em đi học đại học ... Đối với Hội Nông dân, hàng năm tỉnh đã trích Quỹ Hỗ trợ nông dân.”
Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao những hoạt động của các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua: “Hội đã phối hợp với các sở ngành đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và các hoạt động tư vấn, Hỗ trợ nông dân về vốn, giống, phân bón, giới thiệu việc làm, BHYT, BHXH được tổ chức rộng rãi và khá hiệu quả, được Hội Nông dân Trung ương đánh giá rất tốt”; đồng thời khẳng định: “Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của tỉnh”.
Bí thư Tỉnh ủy thẳng thắn chỉ ra những khó khăn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh: “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chế biến sâu, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn còn khó khăn. Về xây dựng nông thôn mới có một số tiêu chí như thu nhập, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thiếu tính bền vững. Về kinh tế tập thể ở nông thôn chưa phát huy hiệu quả, vai trò, vị trí; số lượng hợp tác xã sử dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, sản phẩm hữu cơ, VietGAP, liên kết chuỗi giá trị đang có những khó khăn. Một tỉnh có nhiều lợi thế nông nghiệp, nhưng đến nay nông sản xuất khẩu của tỉnh còn rất ít, số lượng chưa nhiều. Đời sống của nhân dân Hà Tĩnh chưa cao, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp thuần túy, tích lũy để đầu tư phát triển không nhiều. Ngành nông nghiệp đang đứng trước nguy cơ “già hóa” lao động, “nữ hóa”, thiếu hụt lao. Tình trạng lao động nông thôn thiếu việc làm lúc nông nhàn chưa có giải pháp khắc phục. Đào tạo nghề cho nông dân chưa gắn chặt với giải quyết việc làm và nhu cầu thị trường. Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh thiếu tính đồng bộ; một số chính sách nông dân chưa tiếp cận được. Hội Nông dân một số nơi chưa thực sự sâu sát, chưa thấu hiểu người nông dân, chưa làm tốt cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nông dân. Cùng với đó là những khó khăn hiện hữu là tiếp cận cách mạng công nghiệp thế hệ thứ tư và chuyển đổi số”.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn nói trên, đối với cán bộ, hội viên, nông dân Bí thư Tỉnh ủy đưa ra những nhiệm vụ cụ thể: “Tập trung xây dựng người nông dân Hà Tĩnh tự tin, tự chủ, chuyên nghiệp, là chủ thể sáng tạo xây dựng nông thôn mới. Hội viên, nông dân phải được trang bị kiến thức của nhà kinh doanh, được đào tạo nghề, được hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, phát triển các ngành, nghề ở nông thôn để nông dân yên tâm làm giàu bền vững tại miền quê mình đang sống”. “Người nông dân Hà Tĩnh phải đổi mới tư duy hơn nữa. Sản phẩm nông nghiệp làm ra phải đảm bảo sạch, an toàn, phải vì lợi ích của người tiêu dùng, vì lợi ích xã hội, không vì lợi nhuận trước mắt. Tổ chức Hội phải làm tốt vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; bảo vệ quyền, lợi ích của nông dân, luôn dựa vào nông dân, vì nông dân. Tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; chú trọng phát triển kinh tế tập thể liên kết với doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về cơ chế, chính sách; tham gia hoặc trực tiếp thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; quan tâm nông dân ở các vùng miền, nhất là ngư dân, diêm dân tham gia phát triển sản xuất gắn với an ninh vùng biển; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội”. Bí thư mong rằng “mọi việc được giải quyết tại cơ sở, tránh khiếu kiện vượt cấp”.
Đối với các cơ quan, đơn vị Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: “Phải tạo được môi trường thuận lợi, tiếp tục đề ra cơ chế, chính sách phù hợp; chú trọng quản lý giá cả vật tư nông nghiệp, các yếu tố đầu vào, hỗ trợ đầu ra… phải luôn quan tâm, thấu hiểu những suy nghĩ, băn khoăn của người nông dân, giúp nông dân tìm hướng ra cho phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập”. “Tiếp tục quan tâm xây dựng nền nông nghiệp Hà Tĩnh có những bước đột phá, phát triển bền vững, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các vùng miền. Sản xuất nông nghiệp phải được cơ giới hóa, chuyên môn hóa trong các khâu sản xuất, chủ yếu phục vụ mục đích thương mại, bán ra thị trường, xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người lao động. Chỉ đạo để phát triển nền nông nghiệp phải dựa trên hệ sinh thái tự nhiên, tái tạo và giữ gìn hệ sinh thái; sử dụng, quản lý bền vững nguồn tài nguyên; đảm bảo giữ gìn môi trường sống không bị hủy diệt vì ô nhiễm. Tập trung xây dựng nông thôn Hà Tĩnh đổi mới, phát triển về mọi mặt, hình thành giá trị mới, nhưng phải quan tâm giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp. Cốt lõi của xây dựng nông thôn mới là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Các cấp, ngành, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, lấy doanh nghiệp nông nghiệp làm vai trò “bà đỡ”; tiếp tục đề ra các chính sách cụ thể, dài hạn, khơi nguồn sáng tạo, hấp dẫn để hỗ trợ, khuyến khích nông dân có bướcphát triển mới. Trong xây dựng nông thôn mới tiếp tục giữ được các nét đẹp truyền thống, như tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, sinh hoạt cộng đồng”.
Đồng chí đề nghị cấp ủy và chính quyền các cấp: “Chỉ đạo, kiện toàn củng cố tổ chức hội nông dân các cấp vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhất là cơ sở hội; cán bộ Hội Nông dân phải tâm huyết, có chuyên môn, nghiệp vụ, có kỹ năng về tuyên truyền, vận động, tránh tình trạng Hội là nơi giải quyết cán bộ chính sách. Cần quan tâm bổ sung quỹ cho tổ chức hội; ban hành các chính sách khuyến khích nông dân phát triển sản xuất; quan tâm hỗ trợ nông dân yếu thế; hỗ trợ tư vấn, trợ giúp pháp lý cho nông dân phù hợp với từng đối tượng, giúp nông dân nắm chắc, hiểu đúng pháp luật và chấp hành pháp luật. Tập trung cao công tác chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực chào mừng đại hội hội nông dân các cấp, tiến tới Đại hội Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”.
Bí thư Tỉnh ủy cho biết: “Sau hội nghị này, Thường trực Tỉnh ủy sẽ có Thông báo kết luận các nội dung, có những nội dung sẽ tập trung thực hiện được ngay, có những nội dung cần có thời gian. Kết thúc bài phát biểu, Bí thư tiếp tục “ghi nhận, đánh giá và biểu dương những kết quả của Hội Nông dân cũng như cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp cho tỉnh thời gian qua, mong rằng thời gian tới với trách nhiệm của mình, với vị thế của mình, cán bộ, hội viên Hội Nông dân tiếp tục có những đóng góp tích cực hơn nữa, để Hà Tĩnh chúng ta phấn đấu đến năm 2025 đạt tỉnh nông thôn mới, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước”.
Chúng tôi cho rằng, chỉ có thật sự tâm huyết, quan tâm sâu sắc đến tổ chức Hội và cán bộ, hội viên, nông dân mới có bài phát biểu như vậy.