Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2022, Trung tâm phối hợp với Trường Đại học Hà Tĩnh tổ chức khai giảng, đào tạo 1 lớp đại học liên thông ngành Khoa học cây trồng cho 12 học viên; phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức 100 cuộc Hội thảo chuyên đề và lồng ghép tuyên truyền các chính sách về việc làm và XKLĐ cho trên 5.000 lượt người; có 15 lao động đã xuất cảnh sang các nước Đài Loan, Nhật Bản, Ba Lan; 15 lao động đã hoàn thiện hồ sơ gửi co các đối tác. Phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Công ty Lâm Thao, Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty Bình Điền tổ chức 129 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sử dụng phân bón, trồng và chăm sóc cây ăn quả, gắn với tư vấn dịch vụ, hỗ trợ nông dân, tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho nông dân tại các làng nghề về sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp cho 8.500 lượt người. Phối hợp Hội Nông dân các cấp và các doanh nghiệp cung ứng 2.330 tấn phân bón các loại, 9.174 giống cây ăn quả, cây bóng mát, 61.000 cây hàng rào xanh phục vụ xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với Công ty phân bón Bình Điền, Công ty Công nghệ sinh học WAO, Hội Nông dân huyện Vũ Quang, Thị xã Kỳ Anh, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Hương Sơn hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, thực hiện 5 mô hình sản xuất lúa, 7 mô hình trồng cây ăn quả sản xuất sử dụng các sản phẩm của công ty Bình Điền, xây dựng 7 mô hình trồng ổi lê Đài Loan theo hướng hữu cơ, chuyển đổi 4 mô hình trồng cam, bưởi da xanh theo hướng hữu cơ; cung ứng giống và hướng dẫn kỹ thuật 01 mô hình hỗ trợ sinh kế. Phối hợp với Công ty CP Phồn Vinh, Công ty TNHH Năm sao Bông Gạo Vàng khảo sát thử nghiệm các sản phẩm enzym hỗ trợ tiêu hóa thức ăn và xử lý môi trường nuôi trên 01 mô hình chăn nuôi lợn quy mô nông hộ tại xã Cẩm Sơn; 01 mô hình nuôi tôm thương phẩm tại xã Cẩm Dương. Tiếp tục khảo sát thử nghiệm trên 03 mô hình chăn nuôi lợn quy mô trang trại tập trung để nhân rộng…
Trung tâm phối hợp với Hội Nông dân xã Hòa Hải huyện Hương Khê cung ứng phân bón sản xuất vụ Đông năm 2022
Năm 2022, Trung tâm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông kết nối tiêu thụ nông sản, đa dạng hóa các kênh bán hàng: trực tiếp, online, qua các trang mạng zalo, facebook, webside của Hội… Tham gia tốt các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản như: tổ chức 2 gian hàng tại Hội chợ sản phẩm OCOP và đặc sản Hà Tĩnh, 4 gian hàng tham dự Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La với hơn 60 sản phẩm OCOP. Tham gia hội nghị giao thương trực tuyến kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm Ocop với các tỉnh bạn Quảng Bình, Sơn La, Hà Giang… Phối hợp Hội Nông dân cấp huyện xây dựng mới 10 cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện, thành phố, thị xã nâng tổng số Cửa hàng nông sản trong toàn tỉnh lên 27 Cửa hàng. Cửa hàng nông sản an toàn của Trung tâm tiếp tục được đầu tư nâng cấp, thực hiện tốt các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Doanh số bán hàng đạt trung bình hơn 165 triệu đồng/tháng. Trực tiếp kết nối tiêu thụ 15,064 tấn nông sản trong tỉnh (cam, bưởi, hồng) và 19,27 tấn nông sản ngoài tỉnh (hành tím Sóc Trăng, vải thiều Bắc Giang, Cam sành Hà Giang, Gừng Nghệ An, mận Sơn La).
Bên cạnh đó, Trung tâm còn tham mưu cho Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh thực hiện chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh. Kết quả đã phối hợp đưa 168 sản phẩm, 14.578 hộ lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart.vn, mở gian hàng cửa hàng nông sản an toàn trên trang TMĐT Postmart.vn; Bưu điện tỉnh đã hỗ trợ nông dân Hương Khê tiêu thụ 120 tấn bưởi Phúc Trạch, tư vấn 1.860 ấn chỉ bảo hiểm An sinh Bưu điện qua hệ thống Hội Nông dân các cấp (riêng Trung tâm trực tiếp tư vấn 64 ấn chỉ); Trung tâm đã trực tiếp tư vấn, tuyên truyền, quản lý 32 sổ BHXH tự nguyện trong đó tăng mới 14 sổ BHXH tự nguyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đó là: Các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân của Trung tâm phối hợp triển khai thực hiện kết quả đạt được chưa đồng đều và còn thấp so với chỉ tiêu kế hoạch giao toàn tỉnh. Tại một số địa phương còn để xẩy ra tình trạng nợ quá hạn. Một số hoạt động triển khai thực hiện còn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu còn thấp thấp như: chỉ tiêu về giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, kết nối tiêu thụ nông sản, tư vấn BHXH, BHYT tự nguyện, bảo hiểm An sinh Bưu điện. Trung tâm chưa mở rộng thực hiện thêm được các loại dịch vụ hỗ trợ nông dân mới. Chưa khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, nguồn lực khác vào các hoạt động dịch vụ, các hoạt động trực tiếp tổ chức tại Trung tâm chưa nhiều…
Năm 2023, Trung tâm đề ra các chỉ tiêu: Tổ chức 100 lớp đào tạo/tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 5.000 hội viên, nông dân; cung ứng 3.500 tấn phân bón các loại có chất lượng; phối hợp tổ chức 02 lớp đào tạo/tập huấn kiến thức, kỹ năng về giúp việc gia đình cho ít nhất 50 hội viên nông dân và hội viên phụ nữ; trực tiếp hỗ trợ kết nối, tiêu thụ 50 tấn nông sản trong và ngoài tỉnh. Tổ chức 50 Hội thảo tuyên truyền, tư vấn việc làm cho trên 5.000 người, phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo ít nhất 2 lớp giáo dục định hướng, có 50 lao động xuất cảnh. Cung ứng 10.000 cây ăn quả, cây cảnh, cây bóng mát; ươm và chăm sóc ít nhất 2.000 cây cảnh, cây giống tại Trung tâm. Xây dựng 5 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, 3 mô hình chuyển đổi theo hướng hữu cơ trên cây cam, bưởi...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Mai Thủy – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá cao một số kết quả của Trung tâm, như: nội bộ đoàn kết, thống nhất cao; có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, bám sát cơ sở; bám chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đề ra để triển khai thực hiện; hoạt động có nhiều điểm mới. Đồng chí đề nghị thời gian tới Ban Giám đốc Trung tâm cần có đổi mới, sáng tạo hơn nữa; tập trung chỉ đạo thực hiện ba mảng nhiệm vụ chính của Trung tâm là: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân; tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động; cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó quan tâm đào tạo thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số. Đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn để nông dân thay đổi nhận thức (người dân không muốn đi làm giúp việc gia đình), chọn những việc thị trường có nhu cầu cao để tư vấn cho hội viên nông dân. Cần lựa chọn thêm các nhà cung cấp vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp đảm bảo chất lượng; đào tạo nhiều nghề, như cắm hoa, trang điểm… Cửa hàng của Trung tâm cần đa dạng, phong phú các loại hàng hóa, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Thực hiện tốt hơn việc đưa hàng hóa của nông dân lên sàn thương mại điện tử.