Để giải quyết vấn đề về vốn, các cấp Hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nông dân. Tính đến tháng 9/2023, tổng dư nợ 3 ngân hàng, đạt 4.990 tỷ đồng (trong đó, Ngân hàng NN&PTNT 2.877 tỷ đồng, Ngân hàng CSXH 2.065 tỷ đồng, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt 48 tỷ đồng), tăng 1.490,841 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước. Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, mức tăng trưởng bình quân đạt 49,6%/năm, đạt 165% so với chỉ tiêu Nghị quyết đại hội đề ra. Hiện nay Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 55,841 tỷ đồng, (nguồn vốn Trung ương Hội 14,4 tỷ đồng, cho vay 40 dự án với 441 hộ vay; nguồn cấp tỉnh 11,075 tỷ đồng, cho vay 31 dự án với 293 hộ vay; nguồn cấp huyện 19,352 tỷ đồng; nguồn quỹ cấp xã 11.014 tỷ đồng), tăng 30,217 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ.
Nhằm giúp hội viên nông dân nắm bắt kiến thức khoa học kỹ thuật, các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho 16.702 lao động, gắn đào tạo với cung ứng dịch vụ vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, hỗ trợ thành lập tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã..., giúp nông dân có thêm những nghề mới, củng cố các nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tổ chức 540 lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ cho trên 34.000 lượt người; hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap, GlobalGap, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để nhân ra diện rộng. Tiêu biểu như triển khai thực hiện Đề án “Ứng dụng tiến bộ KHKT phát triển mô hình nuôi ong lấy mật” tại xã Cẩm Mỹ huyện Cẩm Xuyên; mô hình thực hiện phun thử nghiệm thuốc đặc trị bệnh đạo ôn bằng máy bay không người lái tại Thạch Hà, Nghi Xuân…. Ngoài ra còn lồng ghép tổ chức 367 cuộc hội thảo cho trên 15.000 lao động, giới thiệu việc làm và XKLĐ cho 514 lao động. Các hoạt động cung ứng phân bón, giống cây con và các loại vật tư, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân theo phương thức trả chậm, đảm bảo chất lượng được duy trì. Các cấp Hội đã cung ứng 42.800 tấn phân bón các loại, 120 tấn phân hữu cơ vi sinh, 210 ngàn cây giống.
Để giúp nông dân tiêu thụ nông sản, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Đề án “Xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2023”, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 27 cửa hàng nông sản an toàn gắn với phong trào chống rác thải nhựa. Đồng thời chỉ đạo xây dựng Trang thông tin “Sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm” trên cổng Thông tin điện tử Hội Nông dân Hà Tĩnh; tổ chức ký kết Chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh về “Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025” (hiện nay đã cập nhật thông tin 34.000 hộ sản xuất, kinh doanh, 128 sản phẩm OCOP; kết nối tiêu thụ trên 2.500 tấn nông sản trong và ngoài tỉnh, tư vấn 2.860 ấn chỉ bảo hiểm an sinh Bưu điện cho hội viên, nông dân); tham gia các hội chợ, lễ hội cam, Festival sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh (như: “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022” tổ chức tại tỉnh Sơn La, Ngày hội Tam nông tại An Giang; tham gia Lễ hội Cam, Hội chợ Sản phẩm OCOP và đặc sản Hà Tĩnh); phối hợp hình thành các kênh kết nối tiêu thụ (như qua các siêu thị; các sàn giao dịch điện tử Voso.vn, Postmart.vn, Sendo.vn, Hatiplaza.com, xây dựng Fanpage bán hàng; mạng xã hội Zalo, Facebook...; Xây dựng các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, Xây dựng website xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, mở các điểm giới thiệu sản phẩm lưu động và tại các điểm du lịch).
Không chỉ giúp hội viên nông dân về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật, vật tư sản xuất, các cấp Hội còn chú trọng trợ giúp pháp lý, bằng các việc làm như: phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tư vấn trợ giúp pháp lý, thành lập các câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”... Kết quả đã tư vấn pháp luật cho 16.028 lượt người, trợ giúp pháp lý cho 556.700 lượt người, thành lập 53 Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật (đến nay toàn tỉnh có 112 câu lạc bộ với 4.341 thành viên tham gia), 216 cơ sở Hội đều xây dựng tủ sách pháp luật.
Hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ Nông dân đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí; phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các nghị quyết của Hội Nông dân các cấp về công tác đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, hội viên, nông dân; đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, cung ứng dịch vụ đầu vào, giải quyết việc làm và kết nối tiêu thụ nông sản, mạng lại hiệu quả thiết thực cho hội viên nông dân, củng cố thêm niềm tin của hội viên, nông dân đối với tổ chức Hội.